TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP (TIẾP THEO)

Thứ bảy - 28/08/2021 10:48
TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA  DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP (TIẾP THEO)
TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA
DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP (TIẾP THEO)
Phần 2 - Phản ánh, kiến nghị một số vần đề về công nghệ thông tin, C/O, mã HS và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
     C/O, mã HS, hành vi bị xử phạt theo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan là những nội dung cơ quan Hải quan thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và cũng là những nội dung doanh nghiệp thường xuyên xảy ra sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan. Tiếp tục nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, nội dung bài viết này sẽ giải đáp vướng mắc một số vấn đề về C/O, công nghệ thông tin, mã HS và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
     Câu hỏi 3: Các vấn đề về công nghệ thông tin và C/O
     Việc ứng dụng Công nghệ thông tin là tiến bộ trước đây của ngành hải quan, nhưng giờ phát sinh rất nhiều hệ thống phải xử lý cùng lúc, lại thiếu đồng bộ và thiếu kết nối, đồng thời còn thiếu quy trình dự phòng để xử lý công việc giữa hải quan và các cơ quan chuyên ngành; hoặc giữa các bộ phận của hải quan với nhau khi các hệ thống điện tử bị trục trặc nên Doanh nghiệp phải gánh rất nhiều áp lực. Một số tình huống cụ thể Doanh nghiệp nêu:
     - Bên nước xuất khẩu bảo đã gửi C/O điện tử nhưng hải quan Việt Nam chưa thấy được ngay trên hệ thống, hoặc khi Tổng cục Hải quan đã nhìn thấy C/O trên hệ thống nhưng Cục Hải quan lại không nhìn thấy thì Doanh nghiệp rất mất thời gian chờ đợi để được chấp nhận C/O.
     - Hệ thống của hải quan trục trặc khiến tín hiệu thông quan tự động không được truyền từ hải quan làm thủ tục ra hải quan giám sát hoặc bộ phận dịch vụ Cảng, cán bộ hải quan từng bộ phận sẽ yêu cầu Doanh nghiệp chạy đi chạy lại kiểm tra, không tự liên hệ và xử lý với nhau.
     - Doanh nghiệp đã nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng 1 cửa quốc gia (nhập thức ăn chăn nuôi) nhưng phía hải quan không nhìn được kết quả này do mạng trục trặc, hải quan yêu cầu Doanh nghiệp phải cung cấp bản giấy có dấu để thay thế bản trên Cổng 1 cửa quốc gia nếu muốn giải phóng hàng; tuy nhiên cơ quan chuyên ngành từ chối cấp vì họ không thể bố trí nhân lực “làm gấp đôi quy trình” sau khi đã hoàn thành xong việc cấp điện tử và Doanh nghiệp ở giữa rất vất vả để xin các kênh, mất thời gian công sức và chi phí lưu kho bãi.
     Cán bộ hải quan cùng lúc phải tương tác trên nhiều hệ thống với quá nhiều chứng từ và thông số chi tiết để làm thủ tục thông quan cho Doanh nghiệp, Hệ thống 1 cửa quốc gia (NSW); Hệ thống VNACC/VCIS; Hệ thống V5; Hệ thống giám sát tự động. Ngoài ra: còn Hệ thống kế toán, hệ thống quản lý dữ liệu giá, hệ thống mã HS, chương trình xử lý vi phạm, chương trình xử lý rủi ro, đôi khi có thủ tục làm trên hệ thống DVC trực tuyến riêng của ngành hải quan...
     Do đó, để thông quan cho Doanh nghiệp thì các hệ thống này phải thông suốt đồng thời. Nhưng nếu 1 trong các hệ thống (chính) xảy ra trục trặc thì cán bộ hải quan cho biết “cũng không có đầu mối cụ thể nào để liên hệ với các cơ quan liên quan”, chỉ có thể yêu cầu Doanh nghiệp là đối tượng đang trực tiếp làm việc đáp ứng các hồ sơ giấy tờ cần thiết, dẫn tới một số tình trạng như Doanh nghiệp phản ánh.
     Đề xuất: Cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan đặt ra các quy trình xử lý dự phòng khi các hệ thống trục trặc; đồng thời rà soát để đảm bảo tính pháp lý cho các hình thức văn bản không phải bản giấy có đóng dấu, hoặc không phản ánh trên NSW (ví dụ hình thức gửi kết quả qua email công vụ giữa các bên, hình thức Doanh nghiệp in bản kết quả điện tử ra mà không cần đi xin dấu...).
     Trả lời:
     - Đối với phản ánh bên nước xuất khẩu báo đã gửi C/O nhưng Hải quan Việt Nam chưa thấy được ngay trên hệ thống gồm các nguyên nhân sau:
     + Do nội tại hệ thống của nước xuất khẩu hoặc lỗi kết nối giữa 02 nước gây ra tình trạng nước xuất khẩu báo đã gửi C/O điện tử nhưng thực tế C/O điện tử chưa ra khỏi hệ thống của nước xuất khẩu. Doanh nghiệp báo đối tác liên hệ cơ quan liên quan của nước xuất khẩu để kiểm tra.
     + Một số trường hợp bị lỗi trong việc đồng bộ từ Cổng thông tin một cửa quốc gia sang Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan. Đối với các trường hợp này, Tổng cục Hải quan đã thực hiện hỗ trợ đồng bộ lại dữ liệu để cán bộ hải quan tra cứu trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục.
     Căn cứ các nguyên nhân nêu trên, trong trường hợp C/O form D điện tử hàng nhập khẩu không tìm thấy trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan, đề nghị doanh nghiệp, các đơn vị liên quan phản ánh đến Bộ phận hỗ trợ Tổng cục Hải quan tại số điện thoại 19009299 bấm phím 2 và gửi email về: bophanhotrotchq@customs.gov.vn để được hỗ trợ và xử lý.
     - Đối với phản ánh Hệ thống của hải quan trục trặc khiến tín hiệu thông quan tự động bị ảnh hưởng: Đề nghị đơn vị cung cấp thông tin về số tờ khai cụ thể để Tổng cục Hải quan có căn cứ kiểm tra. Hiện tại hệ thống CNTT của cơ quan hải quan hoạt động bình thường.
     Trong trường hợp nếu có vướng mắc, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan phản ánh đến Bộ phận hỗ trợ Tổng cục Hải quan tại số điện thoại 19009299 bấm phím 2 và gửi email về: bophanhotrotchq@customs.gov.vn để được hỗ trợ và xử lý.
     - Đối với phản ánh Doanh nghiệp đã nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng 1 cửa quốc gia nhưng phía hải quan không nhìn được kết quả này do mạng trục trặc: Về mặt kỹ thuật, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, ngành kết nối hệ thống doanh nghiệp và hệ thống của các Bộ, ngành sang Cơ chế một cửa quốc gia. Đối với các thủ tục hành chính đã triển khai qua Cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản giấy đối với giấy phép, kết quả thủ tục hành chính đã được các Bộ, ngành cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
     Câu hỏi 4: Các vấn đề về Mã HS
     - Rủi ro của Doanh nghiệp trong quá trình hậu kiểm của hải quan/ thuế:
     Hiện Doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro rất lớn liên quan tới thuế Xuất nhập khẩu. Điều này xuất phát từ việc các mô tả hàng hóa gắn với mã HS hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa giúp người thực thi có thể phân định thuận lợi, nên 1 mã hàng (Mã HS) có thể áp cho vài mặt hàng hoặc nhiều mã hàng có thể áp cho 1 mặt hàng trong thực tế, dẫn đến tình trạng, ở thời điểm nhập khẩu, Doanh nghiệp được cơ quan hải quan ấn định 1 mã, sau vài năm khi kiểm tra sau thông quan thì lại yêu cầu áp mã khác và truy thu thuế.
     - Rủi ro của Doanh nghiệp khi khai mã HS khác với mã do hải quan áp, dẫn tới phạt vi phạm hành chính trong một số tình huống:
     Doanh nghiệp cho biết, trong thực tế, rất nhiều trường hợp mặt hàng “lưỡng tính” có thể áp các mã HS khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan hải quan. Khi Doanh nghiệp khai báo, Doanh nghiệp xác định một mã HS và theo mã đó mặt hàng không thuộc diện phải xin giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi cơ quan hải quan xem xét hồ sơ, ấn định một mã HS khác thì mặt hàng lại rơi vào trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu. Chiếu theo quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, Doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu theo hồ sơ khai báo hải quan, nếu thiếu sẽ bị xử phạt hành chính. Điều này rất khó khăn cho Doanh nghiệp khi nhập khẩu các mặt hàng lần đầu.
     Quy định về Mã HS vẫn tạo ra các cách áp dụng, cách hiểu khác nhau.
     Theo Điều 16 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép thì phải xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục, nếu khi làm thủ tục chưa có giấy phép xuất nhập khẩu sẽ bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan theo Khoản 7 và 8 Điều 14 Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
     Do (1) sự thiếu nhất quán trong các phán quyết trước hoặc sau; (2) thiếu hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, tạo nên tâm lý hay đẩy rủi ro cho bên khác; (3) thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể từng bên khiến Doanh nghiệp là bên duy nhất phải gánh chịu rủi ro dù nhiều tình huống không phải của Doanh nghiệp.
     Đề xuất: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành cùng Bộ Tài chính/ Tổng cục Hải quan rà soát các mô tả HS để xác định những trường hợp còn gây nhầm lẫn, chồng lấn trong cách hiểu cách áp dụng để sửa đổi, điều chỉnh. Giao Bộ Tài chính/ Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp cùng các Bộ ngành rà soát các quy định pháp luật nhằm phân định rõ trách nhiệm các cơ quan, cán bộ công chức trong từng tình huống, bổ sung cả quy định bảo vệ cán bộ công chức khi cần thiết để tạo sự yên tâm cho người thi hành công vụ nhưng cũng bổ sung các quy định để giảm thiểu tối đa tình trạng đẩy rủi ro cho Doanh nghiệp.
     Trả lời:
     Về mã HS, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang tiếp tục thực hiện các nội dung sau để phân loại, xác định mã số HS được thuận lợi thống nhất:
     - Tích cực phối hợp với các nước đàm phán xây dựng Danh mục HS, Danh mục Biểu thuế ASEAN, đưa các mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại vào Danh mục với các tiêu chí phân biệt rõ ràng để thực hiện thống nhất, tránh gây nhầm lẫn, chồng lấn trong cách hiểu.
     - Ban hành công văn hướng dẫn thống nhất đối với các mặt hàng khó, phức tạp, các mặt hàng có ý kiến của Tổ chức Hải quan thế giới để đảm bảo việc áp dụng Danh mục HS tuân thủ đúng mô tả và cách hiểu thống nhất với các nước ASEAN và các thành viên WTO.
     - Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các Danh mục quản lý chuyên ngành, thống nhất việc áp dụng mã số đối với hàng hóa quản lý chuyên ngành, phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, và đảm bảo đủ tiêu chí để phân loại hàng hóa.
     - Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để tra cứu, thống nhất trong thực hiện phân loại. Hệ thống đang tiếp tục được nâng cấp/ xây dựng mới để tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp có thể sử dụng tra cứu, tham khảo trong quá trình khai báo mã số HS, đồng thời để thống nhất trong thực hiện phân loại.
     - Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong lĩnh vực phân loại hàng hóa.
     Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để nghiên cứu, rà soát để sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
     Câu hỏi 5: Các vấn đề liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính
     Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực hải quan đang gây phản ứng mạnh và tức thì từ phía Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và đặc biệt các Doanh nghiệp logistics nói riêng do bất cập ở cả khâu quy định và thực thi liên quan đến Điều 8, Điều 9 Nghị định này.
     Cụ thể Doanh nghiệp cho rằng “Việc phạt theo quy định tại điểm a, b, c khoản 4, Điều 8 và điểm d khoản 6, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là chưa phù hợp với hoạt động thực tế.
     1. Mức phạt liên quan tới lỗi sai trong khai báo bản lược khai hàng hóa (Manifest) trên cổng thông tin một cửa quốc gia (VNSW) trước khi tàu cập cảng đích chưa hợp lý.
     Từ trước đến nay, việc khai báo muộn vận đơn và sửa vận đơn trên E-Manifest đã từng xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan (do thời gian khai E-Manifest, do cùng lúc có quá nhiều mã vận đơn mà Doanh nghiệp phải nhập thủ công nên xảy ra sai sót, do múi giờ làm việc các nước khác nhau ...). Việc triển khai thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP hiện gây áp lực rất lớn cho Doanh nghiệp và gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động ở vị trí nhân viên khai báo. Hiện nay, chi phí phát sinh khi nhập sai hồ sơ hoặc nộp muộn hồ sơ đều do chính người lao động chịu trách nhiệm và chi trả. Mức lương trung bình Doanh nghiệp trả cho nhân viên khai báo chứng từ dao động từ 6 đến 7 triệu đồng. Nếu thực hiện mức phạt như khoản 4, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng một lần khai sai thì vô tình đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh túng quẫn vì đối diện mức phạt cao hơn một tháng lương của bản thân.
     2. Việc xử phạt vi phạm hành chính khi khai báo thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu không phân biệt giữa xuất nhập khẩu lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý ...
     Theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì thực hiện sửa tờ khai và bị phạt cho dù việc sửa đổi không làm thay đổi về thuế hay bản chất tên hàng, chủng loại mà chỉ là sửa lỗi chính tả, hoặc thêm các thông tin phụ khác nhằm làm rõ nội dung khai báo cũng đều bị phạt. Trong thực tế, việc sửa tờ khai có rất nhiều nguyên nhân, cũng có nguyên nhân khách quan và chủ quan (do Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lần đầu, do lỗi đánh máy của nhân viên khai báo...).
     Ngoài ra, tại điểm a, khoản 1 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định rất rõ việc khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, giá trị hải quan, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ chỉ bị xử phạt trong trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ 500.000 đồng/ tờ khai hải quan đối với vi phạm do cá nhân thực hiện, từ 2.000.000 đồng/ tờ khai hải quan đối với vi phạm do tổ chức thực hiện. Điều này không thống nhất với quy định tại Điều 8.
     Đề xuất: Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan):
     - Xem xét lại mức phạt đối với vi phạm do cá nhân thực hiện tại Điều 9 Nghị định để phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay.
     - Xem xét lại quy định tại Điều 8 của Nghị định, cho phép nếu Doanh nghiệp khai báo cho mặt hàng lần đầu hoặc việc sửa đổi không ảnh hưởng đến thuế thì sẽ không bị phạt.
     - Có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cán bộ Hải quan ở tất cả các Chi cục Hải quan thống nhất khi thực thi các quy định tại Nghị định 128 và có góc nhìn hợp lý về hành vi vô tình hay cố ý để có mức xử phạt hợp lý.
     Trả lời:
     1. Kiến nghị quy định mức phạt phù hợp với hành vi vô ý và cố ý:
     Khoản 1, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
     Theo quy định này, việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện khi cá nhân, tổ chức có lỗi, không phân biệt là lỗi cố ý hay vô ý. Do đó, việc quy định chế tài xử phạt, mức tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc trên.
     2. Kiến nghị xem xét quy định lại mức tiền phạt:
     Về kiến nghị xem xét quy định mức phạt tại khoản 4, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Tổng cục Hải quan ghi nhận sẽ xem xét thực tiễn quá trình thi hành quy định này để có đánh giá cụ thể và sẽ nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thực tế áp dụng.
     3. Về kiến nghị áp dụng mức phạt của cá nhân cho tổ chức vi phạm:
     Khoản 2, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chínhđiểm a, khoản 3, Điều 5 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Mức phạt tiền quy định tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với tổ chức. Việc xác định mức tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo quy định nêu trên, do đó đề nghị của các Công ty, các Hiệp hội chỉ áp dụng mức tiền phạt của cá nhân tại Điều 8 là trái quy định của pháp luật trên và không có cơ sở xem xét.
     4. Về phân loại hàng hóa và kiến nghị không xử phạt vi phạm hành chính:
     - Về việc không xử phạt vi phạm hành chính:
     Điểm c, khoản 2, Điều 18 Luật Hải quan quy định nghĩa vụ của người khai hải quan trong việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình.
     - Để đảm bảo nghĩa vụ nêu trên của người khai hải quan, Luật Hải quan đã quy định các quyền của người khai hải quan:
     + Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa, sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của tổ chức giám định (điểm c, khoản 1, Điều 18 Luật Hải quankhoản 3, Điều 3 Thông tư 14/2015/TT-BTC).
    + Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số hàng hóa (Điểm b, khoản 1, Điều 18 Luật Hải quanĐiều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP)).
     Do đó, doanh nghiệp có thể căn cứ quy định nêu trên để chủ động sử dụng các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của pháp luật để đảm bảo tính chính xác trong việc khai hải quan. Tránh sai sót khi lần đầu khai báo và làm thủ tục hải quan.
     Căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chínhĐiều 6 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì trường hợp vi phạm lần đầu không thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, kiến nghị về việc không xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm xảy ra do vi phạm lần đầu là không có cơ sở xem xét.
     Tài liệu tham khảo: Công văn số 2083/TCHQ-PC ngày 05/5/2021 của Tổng cục Hải quan về việc trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tháng 12/2020.
Giang Minh Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,086
  • Hôm nay586,085
  • Tháng hiện tại10,016,224
  • Tổng lượt truy cập469,908,911
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây