TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA
DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP
Phần 1 - Phản ánh, kiến nghị một số vấn đề về hàng phi mậu dịch, thương mại điện tử và hoạt động vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam
Thực hiện nội dung Công văn số 1163/VPCP-DMDN ngày 23/02/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo tổng hợp phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội Doanh nghiệp tháng 12/2020 của Ban IV, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu và giải đáp các nội dung kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về một số vấn đề như sau:
Câu hỏi 1: Các vấn đề giấy phép, kiểm tra chuyên ngành liên quan hàng phi mậu dịch, thương mại điện tử
Quy định và giải thích về “hàng phi mậu dịch” còn rất bất cập, dẫn tới thực trạng là: hàng nhập về đơn chiếc hoặc số lượng rất ít không nhằm mục tiêu kinh doanh trong nước, hàng mua lẻ theo hình thức thương mại điện tử (một khách mua lẻ nhiều mặt hàng qua các trang thương mại điện tử nước ngoài), khi về Việt Nam vẫn yêu cầu làm kiểm tra chuyên ngành thì mới được thông quan.
- Doanh nghiệp nhập khẩu một sản phẩm về làm mẫu để tiếp thị hoặc để tự sử dụng, phải kiểm tra chất lượng theo QCVN 4:2009 và SĐ 1:2016. Nhưng sau khi thực hiện kiểm tra chất lượng (thử nghiệm và hợp quy) thì sản phẩm mẫu đã bị phá hủy trong quá trình thử nghiệm.
- Khách hàng mua hàng lẻ trên các trang thương mại điện tử nước ngoài, làm thủ tục nhập về Việt Nam qua các công ty dịch vụ logistics. Một số mặt hàng khách mua cũng bị yêu cầu làm kiểm tra chất lượng mặc dù chỉ mua lẻ một sản phẩm dẫn tới việc hạn chế loại hình thương mại điện tử tại Việt Nam và xu hướng nhập lậu lại ngày một gia tăng.
- Hiện nay chi phí thử nghiệm và chứng nhận hợp quy là tương đối cao, trong một số trường hợp thì chi phí kiểm tra chất lượng có thể gấp nhiều lần giá trị sản phẩm, dẫn tới các đơn hàng mua lẻ, số lượng ít, trị giá thấp rất khó khăn trong việc làm thủ tục đưa về Việt Nam.
- Bên cạnh thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu, các thủ tục, giấy phép dưới đây cũng không được miễn đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại hoặc tự sử dụng, Doanh nghiệp phải đáp ứng mới được thông quan: Kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu; Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng; Giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
Một số máy móc đặc thù nhập nguyên chiếc từ nước ngoài, khi phát sinh nhu cầu nhập một số thiết bị chuyên dụng để thay thế thì rất vướng các thủ tục trên.
Theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa, trong đó bao gồm trường hợp “p) Các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, việc thực hiện/ áp dụng quy định nêu trên từ phía các Bộ và cơ quan hải quan lại phát sinh một số vướng mắc sau đây:
Về phía hải quan: Thông tư số 112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan có quy định chi tiết về hàng hóa “phi mậu dịch” và loại hình “tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch”. Tuy nhiên Thông tư này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính - không có quy định về “hàng hóa phi mậu dịch” hoặc “loại hình nhập khẩu phi mậu dịch”.
Do đó, xảy ra tình trạng lúng túng khi Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 có quy định hàng hóa thuộc “loại hình phi mậu dịch” được miễn kiểm tra chất lượng nhà nước về hàng hóa nhập khẩu, nhưng không có văn bản luật hoặc dưới luật nào khác (còn hiệu lực) định nghĩa hoặc hướng dẫn chi tiết về loại hình này để thực hiện theo và dẫn tới tình huống mỗi Cục Hải quan lại áp dụng một kiểu trong thời gian dài.
Đề xuất: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật nhằm thống nhất cách hiểu và giải thích cũng như quan điểm quản lý đối với “hàng phi mậu dịch”. Trong quá trình đó, cân nhắc các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cũng như các hoạt động nhập khẩu với số lượng ít, không có mục đích kinh doanh.
Trả lời:
1. Theo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hiện đang được Tổng cục Hải quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết để thực hiện, liên quan đến giải pháp để cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, dự thảo quy định theo hướng: Miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp:
- Có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống, trừ trường hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thông báo gửi đến Tổng cục Hải quan hàng hóa không được phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành.
- Có trị giá hải quan trên 1.000.000 đồng nhưng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo số lượng/ định lượng nhất định thì được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành. Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua thương mại điện tử khác. Trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
2. Trước mắt việc miễn kiểm tra chuyên ngành đã được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản 3, Điều 22 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP; điểm p, khoản 7, Điều 3 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018).
Câu hỏi 2: Các vấn đề bất cập và rủi ro trong hoạt động vận chuyển hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam
Doanh nghiệp logistics Việt Nam nhận vận chuyển hàng quá cảnh bằng đường bộ sang nước thứ 3 qua các cửa khẩu, khi làm thủ tục quá cảnh, nếu cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa trong container là hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ thì không phạt chủ hàng (người gửi hàng/ người nhận hàng) mà phạt Doanh nghiệp vận chuyển rất nặng, thậm chí tịch thu, tiêu hủy hàng hóa. Việc này đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi phát triển hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam sang Lào/ Campuchia nói riêng và không thể hiện rõ quan điểm với việc phát triển dịch vụ cho hàng quá cảnh nói chung. Nếu hải quan tiếp tục cách thức kiểm tra thực tế hàng hóa, kết luận hàng vi phạm sở hữu trí tuệ rồi xử phạt công ty vận chuyển thì dịch vụ chuyên chở hàng quá cảnh sẽ không thể phát triển tại Việt Nam.
Thêm vào đó, rất nhiều tình huống thực tiễn, khi hải quan tháo gỡ hàng hóa ra kiểm tra thì lại không phát hiện các hàng hóa vi phạm. Trường hợp này Doanh nghiệp thường bị phạt một lỗi hành chính nào đó với mức xử phạt rất nhỏ nhưng tổn thất của Doanh nghiệp vô cùng lớn bởi mất chi phí do thời gian chở hàng, hàng hóa bị cắt niêm phong để kiểm tra dẫn tới bị chủ hàng phạt, mất các đơn hàng kế tiếp... Những tình huống rủi ro như này hiện không có cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi của Doanh nghiệp. Đồng thời, nếu tình trạng này liên tục diễn ra, các đối tác sẽ chuyển tuyến quá cảnh không tiếp tục đi qua Việt Nam và sẽ giảm sút mạnh cơ hội kinh doanh của Doanh nghiệp, đồng thời gây thiệt hại cho cả một lĩnh vực tiềm năng.
Hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan và vận chuyển quá cảnh (như Luật Hải quan) đều không có chế tài cụ thể đối với việc này. Khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan chỉ quy định: “các quy định về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Luật này không áp dụng đối với hàng hóa viện trợ nhân đạo, tài sản di chuyển, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ, hành lý, quà biếu, quà tặng trong tiêu chuẩn miễn thuế và hàng hóa quá cảnh”.
Tuy nhiên, Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ lại có một số quy định liên quan và các cơ quan quản lý nhà nước đang vận dụng để xử phạt Doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh phải tuân theo những điều ước quốc tế về hàng quá cảnh mà Việt Nam ký kết và trong đó có xác định việc xử phạt chủ hàng. Ví dụ: Điều 11 Hiệp định về Quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam - Lào cũng quy định rõ: “Bất cứ hành vi của chủ hàng hoặc người chuyên chở vi phạm pháp luật của nước cho quá cảnh trong quá trình quá cảnh sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật có liên quan của nước cho quá cảnh”. Đồng thời, tại điểm c, khoản 1, Điều 5 Luật số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 Xử lý vi phạm hành chính thì chủ hàng phải là bên chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát hiện hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ chứ không phải đơn vị vận chuyển.
Đề xuất: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) nhanh chóng xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan tới vận chuyển hàng hóa quá cảnh theo đúng quy định của Hiệp định hàng hóa quá cảnh giữa Việt Nam và các nước, trên quan điểm tạo thuận lợi cho thương mại và giảm chi phí logistics, tăng nguồn thu cho nhà nước, đặc biệt có chủ trương rõ đối với việc thu hút, đẩy mạnh nguồn hàng quá cảnh của Campuchia và các nước qua Việt Nam.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan, các quy định về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh. Tuy nhiên, trường hợp lô hàng quá cảnh có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm pháp luật khác bị cơ quan hải quan kiểm tra và không áp dụng quy định về tạm dừng làm thủ tục hải quan nêu trên, nếu phát hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Liên quan đến việc kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh để kiểm soát về sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã có giải đáp tại công văn số 7396/TCHQ-ĐTCBL ngày 20/11/2020 về việc trả lời công văn số 05/2020/CV-HH ngày 23/10/2020 của Hiệp hội kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn, đồng thời tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn và một số đề xuất, kiến nghị tại công văn số 1524/BTC-TCHQ ngày 18/02/2021.
Tài liệu tham khảo: Công văn số 2083/TCHQ-PC ngày 05/5/2021 của Tổng cục Hải quan về việc trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tháng 12/2020.
Giang Minh Thùy