CÔNG TÁC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THÔNG QUAN HÀNG HÓA TRONG THỜI KỲ DỊCH BỆNH COVID - 19
Ngày 11/8/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 3980/TCHQ-GSQL về việc hỗ trợ thông quan hàng hóa phòng chống dịch Covid-19 nhằm xử lý các vướng mắc về thủ tục hải quan và hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 16/7/2021, công điện số 1068/CĐ-TTg và công văn số 1070/TTg-KGVX ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Nộp hồ sơ hải quan của tờ khai hải quan điện tử:
Người khai hải quan khai và nộp đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 16, điểm a khoản 1 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, khoản 7 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính cho cơ quan hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để giải quyết thủ tục hải quan.
Trường hợp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định người khai hải quan phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực... khi làm thủ tục hải quan, nếu người khai hải quan khai thông tin đề nghị được chậm nộp thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan hướng dẫn người khai hải quan khai thông tin đề nghị chậm nộp tại chỉ tiêu thông tin “phần ghi chú” trên tờ khai hải quan điện tử gửi cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và nộp bản chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) cho cơ quan hải quan. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ để xem xét quyết định gia hạn thời gian nộp bản giấy theo quy định các chứng từ này trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ chứng từ điện tử do người khai hải quan nộp thông qua hệ thống để giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp người khai hải quan nộp chưa đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định, việc yêu cầu nộp bổ sung phải được Lãnh đạo Chi cục phê duyệt.
Đối với giấy phép, khi tiếp nhận bản scan do người khai gửi kèm tờ khai hải quan, công chức tiếp nhận phải thực hiện cập nhật thông tin theo dõi trừ lùi trên hệ thống E-Customs5 theo hướng dẫn tại công văn số 8175/TCHQ-GSQL ngày 31/12/2019 của Tổng cục Hải quan. Khi kiểm tra hồ sơ, công chức tiếp nhận phải kiểm tra đối chiếu thông tin bản scan giấy phép do người khai hải quan gửi qua hệ thống với thông tin trừ lùi giấy phép trên hệ thống E-Customs5 đảm bảo còn đủ số lượng như khai báo trên tờ khai. Trường hợp phát hiện lượng hàng ghi trên giấy phép đã được sử dụng để nhập khẩu hết hoặc không còn đủ số lượng để nhập khẩu thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Người khai hải quan phải nộp bổ sung bản giấy các chứng từ được chậm nộp nêu trên cho cơ quan hải quan trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Riêng đối với trường hợp bất khả kháng doanh nghiệp hoặc Chi cục Hải quan có địa chỉ thuộc khu vực giãn cách/cách ly/phong tỏa theo chỉ thị của Chính phủ hoặc của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, người khai hải quan không thể nộp đúng thời hạn nêu trên thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi hết thời gian giãn cách/cách ly/phong toả theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền, người khai hải quan phải nộp bản giấy các chứng từ nêu trên cho cơ quan hải quan.
Trường hợp quá thời hạn nêu trên, người khai hải quan chưa nộp bản giấy các chứng từ nêu trên thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai chuyển thông tin cho đơn vị kiểm tra sau thông quan thuộc Cục để thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định và chuyển thông tin cho đơn vị quản lý rủi ro thuộc Cục thực hiện áp dụng tiêu chí phân luồng đỏ để kiểm tra đánh giá việc chấp hành pháp luật của người khai hải quan.
Giao Cục Hải quan các tỉnh thành phố chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, quản lý rủi ro thuộc Cục và các Chi cục trực thuộc tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá rủi ro đối với các trường hợp chậm nộp bản giấy các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nêu trên để kịp thời kiểm tra xử lý các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch covid-19 như: vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm,...)
a) Tại cấp Chi cục Hải quan: Thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Lãnh đạo Chi cục làm Tổ trưởng và triển khai ngay một số công việc sau:
- Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện ngay thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất nhập khẩu.
Thời hạn hoàn thành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa không được vượt quá thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan (không quá 02 giờ đối với kiểm tra hồ sơ và không quá 08 giờ đối với kiểm tra thực tế hàng hóa).
Trong thời hạn nêu trên, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan báo cáo ngay Lãnh đạo Cục (thông qua Tổ giải quyết vướng mắc của Cục) để được hướng dẫn xử lý.
- Tiếp nhận, xử lý 24/7 các vướng mắc của người khai hải quan liên quan đến thủ tục hải quan đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng quy định.
- Chi cục Hải quan cửa khẩu thường xuyên rà soát thông tin Bản lược khai hàng hóa, nếu có thông tin về các lô hàng nhập khẩu là vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm,... thì thông báo và hướng dẫn thủ tục hải quan cho người nhập khẩu biết để kịp thời thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Niêm yết công khai tại Chi cục Hải quan và trang website của Cục danh sách, số điện thoại cán bộ công chức hỗ trợ thủ tục thông quan gồm: Lãnh đạo Chi cục, 3-5 cán bộ công chức theo các mảng nghiệp vụ: thủ tục hải quan, xuất xứ, trị giá, mã số, kiểm tra chuyên ngành…
b) Tại cấp Cục Hải quan: Thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Chi cục Hải quan do Lãnh đạo Cục làm Tổ trưởng và triển khai ngay một số công việc sau:
Trong thời hạn 03 giờ kể từ khi nhận được thông tin vướng mắc do Chi cục Hải quan báo cáo, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải hướng dẫn và xử lý ngay các vướng mắc phát sinh.
Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay Lãnh đạo Tổng cục (thông qua Tổ giải quyết vướng mắc của Tổng cục) để được hướng dẫn xử lý.
3. Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan của các công chức đảm bảo các yêu cầu sau:
Cán bộ, công chức kiểm tra hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lộc Thịnh
- Thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa đảm bảo đúng thời gian theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của công chức tại các Chi cục Hải quan, trường hợp phát hiện công chức vi phạm kỷ luật, thực hiện không đúng quy trình nghiệp vụ, có thái độ gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa thì tạm đình chỉ công tác trong thời hạn 15 ngày để xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định.
- Người khai hải quan không phải in, nộp tờ khai hải quan và các chứng từ khác thuộc bộ hồ sơ hải quan mà các chứng từ này đã được người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, không phải cung cấp thông tin, chứng từ không đúng quy định của pháp luật.
Ngày 13/8/2021, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 202/QĐ-HQBP về việc thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Bình Phước kèm theo danh sách tổ hỗ trợ.
Dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh, thành phía Nam trong đó có Bình Phước. Do đó, Cơ quan Hải quan luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; vừa đảm bảo tình hình hoạt động kinh doanh sản xuất cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Giang Minh Thùy