LTS. Trong hai ngày, từ 10-11/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác ngành Thống kê năm 2022. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã có bài phát biểu tóm tắt Báo cáo kết quả công tác Thống kê năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện trích đăng nội dung Báo cáo về kết quả công tác ngành Thống kê thực hiện trong năm 2021.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Đây cũng là năm đầy khó khăn, năm thứ hai bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, làm cho các hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Dịch Covid-19 đã khiến một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải áp dụng giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có công tác thống kê ở Trung ương và địa phương.
Trong bối cảnh đó, ngành Thống kê đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ; sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Với phương châm “Chủ động kết nối và thích ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động thống kê”, toàn ngành Thống kê đã quyết tâm đổi mới, khắc phục khó khăn và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm và bước đầu thực hiện thành công các nhiệm vụ chiến lược đặt ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch công tác năm 2021.
Những kết quả chủ yếu:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, hoàn thành các văn bản pháp lý quan trọng của ngành Thống kê; thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các đề án lớn của Ngành
Trong năm 2021, với sự chủ động của Ngành, công tác xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về hoạt động thống kê đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm về tiến độ và chất lượng. Tổng cục đã xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2015 và đã chính thức được thông qua vào ngày 12/11/2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Hoàn thành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Nghị định số 100/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Báo cáo quốc gia tổng kết Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê logictics và kinh tế số, đã được Bộ trưởng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT và Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 phục vụ đánh giá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tiếp tục thực hiện Đề án 715, biên soạn số liệu GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và GDP theo quý, 6 tháng, cả năm; Triển khai Đề án ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục đã xây dựng và trình Bộ trưởng các Dự án “Xây dựng Hệ thống sản xuất thông tin thống kê điện tử “, ‘Xây dựng và vận hành kho dữ liệu đặc tả thống kê và hệ thống kho dữ liệu thống kê vi mô”.
Thứ hai, ngành Thống kê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế
Năm 2021 là năm thứ hai đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải áp dụng tình trạng giãn cách toàn xã hội làm đình trệ các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội của nhân dân. Trước tình hình đó, với tinh thần “Chủ động kết nối và thích ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động thống kê”, toàn Ngành đã đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ công tác quản lý, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh việc ước tính các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2021, Tổng cục Thống kê còn triển khai thu thập thông tin phiếu điều tra Covid-19 và báo cáo về công tác phòng chống dịch từ các Bộ, ngành và địa phương; xây dựng và cập nhật các kịch bản kinh tế năm 2021 và năm 2022.
Đồng thời, Tổng cục Thống kê cung cấp số liệu phục vụ công tác quy hoạch tại các địa phương; hỗ trợ một số tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1727/CĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2021 về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2021, sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công văn nhắc nhở các đơn vị chậm nộp báo cáo theo yêu cầu của Công điện.
Tại địa phương, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố cũng tập trung thu thập thông tin, rà soát số liệu về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn phục vụ biên soạn số liệu GRDP; phối hợp với các sở, ngành thu thập, tổng hợp số liệu về tình hình dịch bệnh Covid-19 và việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tại tỉnh Yên Bái, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thống kê trên địa bàn tỉnh, quán triệt đến các chi bộ.
Thực hiện tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành Trung ương như: Cung cấp thông tin một số chỉ tiêu thống kê cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý Vốn Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương... phục vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoặc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của Bộ, ngành và địa phương.
Năm 2021, Tổng cục đã hoàn thành 26 ấn phẩm và báo cáo quan trọng như: “Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020”; “Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020”; “Sách Trắng doanh nghiệp năm 2021”; “Sách trắng Hợp tác xã năm 2021”...
Thứ ba, thực hiện thành công Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và các cuộc điều tra thường xuyên, đột xuất trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được triển khai trong hoàn cảnh đặc biệt, khi dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TP.HCM phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai cũng như tiến độ thực hiện Tổng điều tra. Tuy nhiên, với sự chỉ sát sao của Lãnh đạo Tổng cục cùng với sự quyết tâm của các đơn vị trong toàn Ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, Tổng điều tra đã được tiến hành với các phương thức thu thập thông tin linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của các tỉnh, thành phố và vẫn đảm bảo chất lượng thông tin được thu thập.
Tổng điều tra đã áp dụng tối đa ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bảng hỏi trực tuyến, hạn chế phiếu điều tra giấy để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị điều tra trong cung cấp thông tin, cũng như tiết kiệm chi phí điều tra trong ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các cuộc điều tra thường xuyên và đột xuất khác cũng được hoàn thành để đáp ứng yêu cầu biên soạn các chỉ tiêu thống kê – kinh tế xã hội phục vụ báo cáo thống kê tháng, quý, năm.
Thứ tư, công tác phương pháp chế độ Thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê và công tác chỉ đạo điều hành được chú trọng thực hiện.
Công tác phương pháp chế độ thống kê tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thống kê Việt Nam, tập trung nghiên cứu phương pháp luận thống kê mới, hiện đại, giảm thiểu vùng trống thông tin thống kê phản ánh công tác chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Tổng cục Thống kê đã thẩm định, nhiều phương án điều tra, chế độ báo cáo thống kê, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản khác liên quan tới chế độ báo cáo thống kê và góp ý các chương trình điều tra, quyết định, phương án điều tra, PA chọn mẫu do TCTK chủ trì thực hiện và các văn bản khác theo yêu cầu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, xây dựng các phần mềm phục vụ chuyển thu thập thông tin các cuộc điều tra từ hình thức phiếu giấy sang hình thức CAPI và Webform; kết nối dữ liệu thuế với các nguồn dữ liệu lịch sử và dữ liệu khác để kiểm tra và hoàn thiện dữ liệu Tổng điều tra.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác điều hành, quản lý của ngành Thống kê: Áp dụng đến 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hệ thống họp trực tuyến, hệ thống xử lý văn bản điện tử, chữ ký số..; Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác văn phòng, xây dựng hệ thống điều hành tác nghiệp của Tổng cục Thống kê, hoàn thiện lắp đặt và đưa vào sử dụng Hệ thống hội nghị trực tuyến tại 110 Chi cục Thống kê cấp huyện nâng tổng số điểm cầu tại Chi cục Thống kê cấp huyện lên 270 điểm cầu.
Tổng cục Thống kê làm việc đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất và chế độ làm việc thủ trưởng; ban hành 11 Quy chế và hướng dẫn liên quan tới các nội dung công việc của ngành.
Đặc biệt, công tác phòng chống Covid-19 rất được chú trọng, ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các đơn vị trong Ngành thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19, tổ an toàn và Kế hoạch ứng phó với Covid-19. Đến nay, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành cơ bản đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin; 09/63 Cục Thống kê đã hoàn thành mũi thứ 3 và có 114 trường hợp nhiễm Covid-19 trong toàn ngành, chiếm khoảng 1,9% nhân sự của Ngành.
Thứ năm, công tác hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê ngày càng được tăng cường, mở rộng; triển khai các hoạt động hợp tác song phương với cơ quan thống kê các nước, kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác nhằm nâng cao năng lực thống kê Việt Nam.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động đối ngoại, công tác hợp tác quốc tế được thực hiện theo kế hoạch phê duyệt từ đầu năm và có những điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả.
Lãnh đạo Tổng cục, công chức, viên chức trong toàn ngành đã tham dự nhiều cuộc họp, hội thảo quốc tế, khóa đào tạo thông qua hình thức trực tuyến do các tổ chức quốc tế, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, Cơ quan thống kê khu vực tổ chức nhằm nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác thống kê. Trong năm, có 172 Hội nghị/hội thảo quốc tế (chiếm 29,6% các hội nghị, hội thảo của Tổng cục).
Tổng cục tiếp tục triển khai hoạt động hợp tác song phương với Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, Nhật Bản và thực hiện ký kết hợp tác với cơ quan Thống kê Đan Mạch về cải thiện chất lượng thống kê chính thức ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động kêu gọi hỗ trợ để nâng cao năng lực thống kê từ các đối tác quốc tế khác.
Thứ sáu, công tác pháp chế, tuyên truyền và thanh tra thống kê ngày càng được chú trọng.
Xây dựng Nghị định 100/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 sửa đổi đổi một số điều của Nghị định 95/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Thực hiện tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê với nhiều tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội thảo, đăng tin, bài trên trang thông tin điện tử các cấp và đặc biệt là công tác tuyên truyên đến các Đoàn đại biểu quốc hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Cụ thể: 02 Hội thảo tuyên truyền cấp Trung ương; 56 tin, phóng sự; 101 bài viết đăng tin trên báo in và báo điện tử; 322 tin, bài trên trang thông tin điện tử các cấp).
Năm 2021, Tổng cục Thống kê đã xây dựng trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra; ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động thống kê để triển khai thực hiện. Năm 2021, thực hiện 351/486 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát và đạt trên 72% kế hoạch (trong đó thanh tra 227/261 cuộc, đạt 87%; kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê 111/131 cuộc, đạt 85%; các cuộc kiểm tra khác đạt trên 13% kế hoạch); 34 cuộc thanh tra và 81 cuộc kiểm tra không thực hiện được do dịch Covid-19.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật. Tổng cục đã xây dựng nội quy tiếp công dân và đưa vào sử dụng phòng tiếp công dân tại trụ sở Tổng cục Thống kê.
Trong năm 2021, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai công việc vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Dịch Covid-19 đã ảnh hướng đến tiến độ thực hiện Tổng điều tra kinh tế và các cuộc điều tra thường xuyên; nhân lực, tài lực hạn chế; sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành chưa kịp thời, đầy đủ .... Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế tồn tại, tiếp tục xem xét để có những giải pháp tháo gỡ.
Năm 2022 được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, Lãnh đạo Tổng cục Thống kê yêu cầu tập thể và từng cá nhân đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, luôn đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân trong quá trình triển khai công việc.
Do vậy, ngành Thống kê cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chỉnh phủ, các kế hoạch hành động theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần tự lực, dựa vào nội lực khai thác điều kiện thuận lợi từ biên ngoài. Tăng cường kết nối, huy động mọi nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác với chủ đề đã được lựa chọn của năm 2022 là: “Chủ động đổi mới và thích ứng, tạo động lực đột phá cho hoạt động thống kê”./.