Chiều ngày 2/6/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016 NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Phó tổng cục trưởng TCTK, Nguyễn Trung Tiến chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các thành viên của Tổ soạn thảo và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan của TCTK.
Phó tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Thống kê năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Sau 05 năm (2016-2020) triển khai, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thống kê, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về thống kê của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo thu thập, tổng hợp được những thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để “siết chặt” kỷ cương trong hoạt động thống kê góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thống kê của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc theo dõi, ghi chép, tính toán các chỉ tiêu thống kê, chấp hành chế độ báo cáo thống kê kịp thời hơn, hạn chế việc can thiệp tùy tiện trong các báo cáo thống kê đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời của số liệu thống kê. Có thể nói, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP được ban hành là công cụ pháp lý quan trọng, hiệu quả để triển khai thi hành Luật Thống kê năm 2015 và các văn bản quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động thống kê.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thi hành Nghị định số 95/2016/NĐ-CP cũng bộc lộ một số hạn chế như: Đội ngũ báo cáo viên còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, nguồn kinh phí hạn hẹp; vướng mắc trong xử phạt trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm thuộc công vụ, nhiệm vụ trong lĩnh vực thống kê được giao hoặc cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thống kê được giao ảnh hưởng đến việc chấp hành Luật Thống kê; chấp hành pháp luật về thống kê của các đối tượng chưa nghiêm, ngay cả khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy định về xử lý vi phạm hành chính của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của một số cơ quan với các Cục Thống kê… Từ thực tiễn trên, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến khẳng định, để phù hợp với các quy định được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung và được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định; Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản dẫn chiếu tại khoản 7, Điều 2 của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác thanh tra chuyên ngành Thống kê, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP là cần thiết.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP gồm 3 Điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí của khoản 7 Điều 2; Bổ sung thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hành chính đã kết thúc và hành vi hành chính đang thực hiện; Sửa đổi hình thức xử phạt tại khoản 1 Điều 13; Sửa đổi hình thức xử phạt tại khoản 1 Điều 14; Sửa đổi thứ tự thẩm quyền xử phạt tăng dần tại Điều 17; Sửa đổi về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Điều 18; Bổ sung quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả. Điều 2. Quy định chuyển tiếp. Điều 3. Điều khoản thi hành.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Ban soạn thảo trình bày tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP. Về cơ bản các đại biểu nhất trì với bản dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP đồng thời cho ý kiến cần làm rõ tính logic về xử phạt hành vi của cán bộ, công chức vi phạm; Điều 20a về Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, để đảm bảo việc trích dẫn cần xem xét lại việc chọn lựa các Điều đơn cử như: Điều 20a. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Điều 20b. Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả…
Toàn cảnh Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đánh giá cao các ý kiến đóng góp đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan và hoàn thiện trước ngày 10/6 để trình lãnh đạo TCTK xem xét, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP trên cơ sở bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, kế thừa những quan điểm còn phù hợp của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP, bãi bỏ hoặc sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung, cập nhật những điều chỉnh định hướng chế tài hành chính dựa trên nguyên tắc vận dụng hợp lý các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và sự phù hợp với tình hình thực tiễn./.