Một số yếu tố tâm lý xã hội ảnh hưởng tới giao tiếp trong quá trình trợ giúp người nghiện ma túy

Thứ sáu - 08/07/2022 20:35
Ấn tượng ban đầu trong giao tiếp với người nghiện ma túy
Định nghĩa ấn tượng ban đầu: Trong quá trình con người hoạt động và liên hệ với nhau thì nhận thức về nhau là một yếu tố vô cùng quan trọng. Con người nhận thức về nhau nhờ quá trình tri giác xã hội: họ quan sát, phân tích vẻ mặt, dáng điệu, lời ăn tiếng nói, hành động,… của nhau, để từ đó mà nhận thức được người khác. Từ nhận thức đó mà chủ thể giao tiếp xác định những phương thức ứng xử của mình: cách xưng hô, thái độ, cử chỉ hành vi cho phù hợp với đối tượng giao tiếp. Kết quả của quá trình tri giác bị chi phối bởi nhiều yếu tố như ấn tượng ban đầu, sự quy gán hành vi, các định kiến định khuôn khác nhau trong mỗi cộng đồng, mỗi nền văn hoá.
Nhìn chung, tri giác của chúng ta về người khác thường dựa vào sự tìm kiếm những ấn tượng phản ánh những đặc tính chủ yếu của nhân cách. Trong quá trình tri giác đó thì những ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng, nó thường hay kéo dài và chi phối thái độ hành vi của chúng ta trong suốt quá trình giao tiếp tiếp theo.
Cũng có khá nhiều cách hiểu khác nhau về ấn tượng ban đầu: ấn tượng ban đầu là cái mà khi gặp nhau, đồng thời người ta vừa nhận xét, vừa đánh giá, vừa có ác cảm hay thiện cảm ngay từ phút đầu tiên mà không cần chờ nghiên cứu, khảo sát hay thí nghiệm lại những đánh giá ấy.
Hoặc một định nghĩa khác: ấn tượng ban đầu thường là một đánh giá, một hình ảnh, một nhận xét, một thái độ về đối tượng được hình thành ngay từ phút đầu hay lần đầu tiên gặp gỡ.
Hai định nghĩa này gần như tương tự nhau, đều chỉ ra nội dung cơ bản của ấn tượng ban đầu là sự “nhận xét”, “đánh giá” và “thái độ” của chủ thể đối với đối tượng, và điểm xuất phát của nó là “phút đầu gặp gỡ” hay “lần đầu tiên gặp gỡ”.
Cần phải xác định rõ ở đây ấn tượng ban đầu là ở “phút đầu gặp gỡ” hay “lần đầu tiên gặp gỡ”. Nếu hiểu ấn tượng ban đầu là ở “phút đầu gặp gỡ” thì có thể nói ở cuộc gặp gỡ nào cũng có, dù cho hai bên đã quen biết nhau từ lâu, gặp gỡ nhiều lần vẫn có những “ấn tượng của phút đầu gặp gỡ”. Chẳng hạn, khi bàn đến một lĩnh vực mới mà cả hai bên chưa từng bàn, hai bên sẽ có những ấn tượng mới mẻ về nhau, về sự am hiểu của nhau về lĩnh vực đó. Ở đây, cần khẳng định ấn tượng ban đầu là cái đọng lại trong chủ thể về đối tượng sau lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Với cách hiểu về ấn tượng ban đầu như thế thì định nghĩa hợp lý là: “Ấn tượng về một người nào đó là hình ảnh tổng thể trên cơ sở ta nhìn nhận họ một cách toàn diện, qua việc cảm nhận các biểu hiện như: diện mạo, lời nói, tác phong, ánh mắt, nụ cười, thái độ.… Sau lần tiếp xúc ban đầu, ta sẽ có một ấn tượng nhất định về đối tượng của mình”.
Đặc điểm của ấn tượng ban đầu:
- Có được sau lần tiếp xúc đầu tiên: Đặc điểm nổi bật của ấn tượng ban đầu là nó có được sau lần tiếp xúc đầu tiên. Nghĩa là trong hoàn cảnh hai bên chưa hề quen nhau, chưa hề gặp gỡ nhau một lần nào cả, có thể đã có một số thông tin về nhau hoặc thậm chí chưa hề có một thông tin gì về nhau. Những thông tin này có được có thể thông qua bạn bè, từ những người xung quanh, đôi khi có những trường hợp hai bên đã biết khá rõ về nhau qua nghiên cứu hồ sơ. Trên cơ sở những thông tin ấy, họ sẽ dùng làm cơ sở để đánh giá phân tích tổng hợp về đối tượng. Vì là buổi tiếp xúc đầu tiên, thời gian chỉ giới hạn trong một buổi tiếp xúc mà chủ thể có những ấn tượng rõ nét hay mơ hồ về đối tượng.
- Là ấn tượng chung, tổng thể về đối tượng: Ấn tượng ban đầu chỉ là những ấn tượng chung, tổng thể về đối tượng, là những nét khái quát nhất về đối tượng, chứ không phải là những nét riêng lẻ về đối tượng. Chẳng hạn như không phải là một nụ cười rạng rỡ hay một bộ dạng lôi thôi, mà là những nét khái quát nhất về họ, chẳng hạn như đó là một người cởi mở hay lạnh lùng, điềm đạm hay nóng nảy, thông minh hay ngốc nghếch.… Như vậy, có thể nói ấn tượng ban đầu mang tính khái quát cao, là những hình ảnh chung nhất về đối tượng sau lần tiếp xúc đầu tiên.
- Mang tính chủ quan, cảm tính: Ấn tượng ban đầu chỉ mang tính chủ quan cảm tính. Đây cũng là một nhược điểm khó tránh khỏi của ấn tượng ban đầu. Do điều kiện thiếu thông tin, thời gian tiếp xúc lại quá ngắn, cả hai bên sẽ không thể bộc lộ hết mọi tính cách của mình nên sẽ khó khăn hơn khi nhận diện lẫn nhau. Chỉ dựa vào sự quan sát bề ngoài như tác phong, cử chỉ, lời nói,… hay dựa vào kinh nghiệm của cá nhân mình mà phán đoán đối tượng thì sẽ không tránh khỏi sự chủ quan, phiến diện. Trong khi đó, đối tượng ở đây lại là con người, hết sức phức tạp, hành động với những động cơ khác nhau, lời nói và suy nghĩ đôi khi không khớp nhau, hòng đánh lừa sự cảm nhận của người khác, nhằm mục đích này hay mục đích khác. Do đó, việc đưa ra những đánh giá về người khác tốt hay không tốt, hay người này là thông minh người kia là ngây thơ,… ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên một cách chính xác thì quả thật là rất khó. Cái khó không chỉ nằm trong điều kiện chủ quan của người tri giác: kém nhạy cảm, ít kinh nghiệm, bị chi phối bởi những động cơ khác nhau,… mà nó còn nằm ở hoàn cảnh thiếu hụt thông tin về đối tượng, gò bó về thời gian để quan sát đối tượng và còn khó hơn ở chỗ các đối tượng thường cố tình nguỵ trang những khuyết điểm của mình. Thông thường những người nhạy cảm, những người có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp thường có những ấn tượng ban đầu khá chính xác, hơn là những người ít va vấp, ít từng trải trong giao tiếp.
- Có ảnh hưởng lớn đến quá trình giao tiếp về sau: Như trên đã trình bày, ấn tượng ban đầu thể hiện sự đánh giá, thái độ “ban đầu”của chủ thể về đối tượng, do vậy, nó mang đậm màu sắc chủ quan, vì chủ thể không có điều kiện soi xét đối tượng từ nhiều phía. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu chứa đựng sự nhận thức về đối tượng, kèm theo đó là những xúc cảm, tình cảm: quý mến hay ghét, thích hay không thích, hài lòng hay không hài lòng,… và tất cả những nhận thức, xúc cảm này sẽ chi phối cách ứng xử của chủ thể với đối tượng quá trình giao tiếp về sau. Nếu có ấn tượng ban đầu với đối tượng là tốt thì chủ thể sẽ hào hứng tiếp tục quan hệ, trò chuyện, còn nếu không thì quan hệ sẽ tiến triển rất khó khăn, hoặc không quan hệ nữa.
Nội dung nhận thức của ấn tượng ban đầu: Hoạt động nhận thức của con người là hoạt động phản ánh hiện thực khách quan, phản ánh bản thân sự vật, hiện tượng, quá trình, nhằm phát hiện ra tất cả các thuộc tính bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng, quá trình đó, tiến tới cải tạo chúng. Ấn tượng ban đầu, do vậy, cũng là kết quả của quá trình nhận thức lẫn nhau giữa các chủ thể và đối tượng giao tiếp.
Quá trình nhận thức của con người gồm hai giai đoạn: giai đoạn nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lý tính.
 - Giai đoạn nhận thức cảm tính lại chia làm hai mức độ: cảm giác và tri giác.
+ Cảm giác là giai đoạn nhận thức ở mức độ thấp. Cảm giác phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của đối tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của chủ thể.
+ Tri giác là giai đoạn nhận thức ở mức độ cao hơn cảm giác.Tri giác phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta (chủ thể). Sản phẩm của quá trình này là hình ảnh về sự vật, về hiện tượng, nhờ đó mà ta có những dữ liệu cho những ấn tượng ban đầu.
- Giai đoạn nhận thức lý tính: Những ấn tượng ban đầu không chỉ là sự sao chép lại nguyên xi hình ảnh về đối tượng mà nó còn phải trải qua một giai đoạn nhận thức cao hơn, đó là giai đoạn nhận thức lý tính. Tức là ấn tượng ban đầu phải là kết quả của sự nhận thức trọn vẹn về đối tượng. Nó không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận xem là áo quần người đó ra sao, nụ cười của người đó như thế nào, mà phải nhận diện được những thuộc tính bản chất bên trong của đối tượng, tức là trả lời câu hỏi “Đó là người như thế nào?”. Tức là phải có sự tư duy và tưởng tượng, trong đó có sự phán đoán, suy luận, so sánh, liên tưởng về đối tượng.
Từ việc phân tích, tổng hợp tất cả những thuộc tính bề ngoài do quá trình nhận thức cảm tính đem lại: lời nói, cử chỉ, hành vi, trang phục, ánh mắt, nụ cười,… mà người ta đưa ra những phán đoán, những suy luận xem người đó có tính cách như thế nào, trình độ chuyên môn, trình độ văn hoá ra sao, tức là phải nhận diện những đặc tính nhân cách của đối tượng.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên, chủ thể sẽ có sự tưởng tượng lại về đối tượng, hình thành nên biểu tượng về đối tượng, hay đó cũng chính là những ấn tượng ban đầu của chủ thể về đối tượng, tức là những hình ảnh khái quát nhất, chung nhất về đối tượng.
Tuy nhiên, trình độ nhận thức không ai giống ai, năng lực quan sát, tư duy, tưởng tượng không ai giống ai và đặc biệt kinh nghiệm, vốn sống mỗi người một khác, cho nên ấn tượng ban đầu về cùng một ai đó (đối tượng) của mỗi người (chủ thể) là rất khác nhau, nó còn phụ thuộc vào mô hình nhân cách ngầm ẩn về người khác, hoặc các hiệu ứng tri giác chi phối. Bản thân quá trình hình thành ấn tượng ban đầu là quá trình nhận thức về chủ thể, cho nên nội dung ấn tượng ban đầu chứa đựng những hiểu biết, nhận thức về đối tượng. Ở đây, nhận thức đã đi đến trình độ cao nhất, cho chủ thể những hiểu biết chung nhất, khái quát nhất về đối tượng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần đặc điểm của ấn tượng ban đầu, do điều kiện hạn chế thông tin, hạn chế thời gian, do sự chi phối của động cơ giao tiếp của cả hai bên giao tiếp, cho nên những nhận thức đó mang đậm màu sắc chủ quan, không đầy đủ, thậm chí đôi khi chủ thể còn có nhận thức sai lầm về đối tượng sau ấn tượng ban đầu.
 Nội dung xúc cảm, tình cảm của ấn tượng ban đầu: Xúc cảm, tình cảm là một trong những trạng thái tâm lý của con người, biểu hiện về thái độ của con người đối với sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Trên cơ sở nhận thức về người nào đó mà chủ thể có thái độ với họ, có những cảm xúc, rung cảm đối với họ.
Xúc cảm, tình cảm phản ánh mối quan hệ giữa sự vật, hiện tượng với nhu cầu của chủ thể. Phạm vi phản ánh hiện thực khách quan của xúc cảm, tình cảm hẹp hơn phạm vi phản ánh của nhận thức: tất cả những sự vật hiện tượng tác động vào ta hầu hết đều được phản ánh bằng nhận thức, nhưng xúc cảm, tình cảm chỉ phản ánh một cách rất chọn lọc, chỉ phản ánh những hiện tượng nào có liên quan đến nhu cầu của chủ thể. Ấn tượng ban đầu cũng vậy, nó có tính chọn lọc, khái quát, không phải tất cả những gì tác động đến ta đều được lưu giữ lại, mà nó mang tính chọn lọc rõ rệt, chỉ lưu giữ lại những hình ảnh tiêu biểu nhất, việc giữ lại hình ảnh nào dựa trên cơ sở thái độ đánh giá của chủ thể về đối tượng.
Xúc cảm, tình cảm được biểu hiện ra dưới hình thức rung cảm. Các rung cảm tiêu cực hay tích cực tuỳ thuộc vào việc đối tượng có thoả mãn nhu cầu của chủ thể hay không. Chẳng hạn như giám đốc một công ty đang cần tuyển một trợ lý. Sau buổi phỏng vấn một ứng viên, anh ta (chủ thể) thấy ứng viên này (đối tượng) đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của anh ta: thông thạo ngoại ngữ, vi tính, chuyên môn của doanh nghiệp, giao tiếp ứng xử linh hoạt,…Từ đó, những “ưu điểm” này của ứng viên sẽ đem lại cho anh ta (giám đốc) những rung cảm tốt đẹp, cũng chính là những ấn tượng tốt đẹp của anh ta về đối tượng.
Khi nhắc đến ấn tượng ban đầu, bao giờ cũng đi kèm với các tính từ: “tốt”, “xấu”; “ấn tượng tốt”, “ấn tượng xấu”, chính là thể hiện nội dung xúc cảm, tình cảm của ấn tượng ban đầu. Những rung cảm càng mạnh thì ấn tượng ban đầu càng rõ nét, càng lâu bền và ngược lại, rung cảm nhạt nhoà thì cũng chỉ để lại những ấn tượng thoáng qua, mơ hồ.
Nói tóm lại, nội dung của ấn tượng ban đầu thể hiện những nhận thức, những hiểu biết ban đầu của chủ thể về đối tượng. Những nhận thức này được cô đúc, rút gọn ở những nét đặc trưng nhất, trên cơ sở đó chủ thể có được những xúc cảm, tình cảm về đối tượng, biểu thị ra bằng thái độ đánh giá “xấu” - “tốt” về đối tượng đó, từ đó chủ thể sẽ tìm cách điều chỉnh, lựa chọn phương thức hành vi của mình trong những buổi giao tiếp tiếp theo.
Vai trò của ấn tượng ban đầu trong giao tiếp nói chung: Như đã phân tích (ở trên), ấn tượng ban đầu là một hình ảnh tổng thể về người khác (đối tượng) trên cơ sở nhìn nhận họ một cách toàn diện từ hình dáng, tác phong bề ngoài cho tới đặc điểm nhân cách bên trong mà chủ thể có được từ buổi tiếp xúc đầu tiên với đối tượng. Do vậy, ấn tượng ban đầu có vai trò rất quan trọng trong giao tiếp.
- Thứ nhất, nó là điều kiện quan trọng để tiến hành những cuộc giao tiếp tiếp theo. Trong cuộc sống hàng ngày, có vô số các cơ hội để gặp gỡ người này hay người khác, cho nên nếu trong lần tiếp xúc đầu tiên mà đối tượng không gây được cảm tình đối với ta thì sẽ khó có thể có lần giao tiếp tiếp theo và như vậy mối quan hệ giữa hai người sẽ không thể thiết lập; nhưng nếu có ấn tượng tốt, người ta sẽ có mong muốn được gặp lại đối tượng và như thế là một yếu tố quan trọng để người ta (cả chủ thể và đối tượng) xây dựng các mối quan hệ với nhau.
- Thứ hai, nó định hướng cho việc tìm kiếm những những thông tin về đối tượng trong những cuộc giao tiếp tiếp theo. Vì ấn tượng ban đầu cho ta ý niệm chặt chẽ về đối tượng, nó là cơ sở để cho ta chọn lọc những thông tin phù hợp với những gì ta đã biết về đối tượng và định giá những thông tin không phù hợp,…
- Thứ ba, ấn tượng ban đầu giúp ta nắm bắt được những đặc trưng của người khác, nắm bắt được những phản ứng của chúng ta và quyết định những hành vi sắp tới của chúng ta với đối tượng mà không sợ mắc quá nhiều sai lầm. Khi làm việc với người nghiện, chúng ta cũng nên vận dụng những kiến thức và kỹ năng trên để tạo được mối quan hệ tốt với đối tượng.
Quy gán xã hội
Định nghĩa: Việc chúng ta giải thích các sự kiện xã hội hay nhận định về người khác bằng cách gán những nguyên nhân ổn định, nằm trong kinh nghiệm của bản thân, được gọi là quy gán xã hội. Quy gán xã hội là quá trình suy diễn nhằm hiểu ý nghĩa hành động của người khác, bằng cách tìm những nguyên nhân hợp lý để giải thích cho các sự kiện, hành động luôn biến đổi trong xã hội.
Nguyên tắc của quy gán xã hội: Quy gán xã hội tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau:
- Nguyên tắc tâm lý ngây thơ: chúng ta luôn tìm cách khám phá nguyên nhân hành vi để hiểu và dự đoán sự kiện sắp tới, với mong muốn có thể giám sát được môi trường và mọi vật xung quanh. Heider (nhà tâm lý học Mỹ) gọi xu thế này là tâm lý ngây thơ vốn có ở mỗi người.
- Nguyên tắc suy diễn tương ứng: Khi quan sát hành vi của người khác, ta luôn tìm cách suy diễn ý nghĩa của hành vi đó tương ứng với những gì ta thấy. Nếu chúng ta càng có nhiều thông tin về mục đích hoạt động của đối tượng thì sự suy diễn tương ứng càng chính xác. Sự suy diễn tương ứng nhằm đi đến một quy gán nào đó bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố sau:
+ Chuỗi hành vi không thống nhất;
+ Hành vi xã hội được mong đợi hay hành vi không được mong đợi;
+ Những hành vi được tự do lựa chọn dễ suy diễn hơn hành vi bắt buộc. Cách suy diễn tương ứng để tìm nguyên nhân hành vi không phải lúc nào cũng chính xác. Sự suy diễn tương ứng chỉ phản ánh được lượng thông tin chúng ta có về đối tượng. Khi cá nhân chủ thể không có thông tin chi tiết, cụ thể về đối tượng, họ hay dựa vào một điều bất kỳ mà chủ thể đã biết để quy gán hoặc cho đối tượng là thế này, hoặc thế kia.
- Nguyên tắc suy diễn nhân quả: thường biểu hiện bởi 3 yếu tố: chủ quan, khách quan, đối tượng.
- Theo một quy luật chung: Khi ta thành công thì thường quy gán là do năng lực, phẩm chất của ta. Ngược lại, khi ta thất bại, ta thường đổ lỗi cho khách quan. Còn đối với người khác, thì khi họ thành công, chúng ta hay quy gán cho là do khách quan, nhưng khi họ thất bại, ta lại quy gán là do chủ quan của họ.
- Trong quá trình quy gán, chúng ta hay cho thái độ và hành vi của mình là chuẩn, còn thái độ, hành vi của người khác là không chuẩn. Từ đó, chúng ta thường lấy mình để đối chiếu cho người khác, ép người khác theo chuẩn của mình.
- Một trong những nhược điểm của con người khi quy gán nguyên nhân hành vi là ảo tưởng rằng mình có khả năng kiểm soát được mọi yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Khi làm việc với người nghiện, chúng ta cũng tránh sử dụng quy gán cho đối tượng, việc quy gán sẽ dẫn đến những sai lầm trong quá trình can thiệp.
Định kiến xã hội

Khái niệm định kiến xã hội:
 - Về định nghĩa thế nào là định kiến xã hội, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau do mỗi tác giả khi xem xét định kiến xã hội ở góc độ riêng của mình lại đưa định nghĩa về nó sao cho phù hợp với vấn đề mà họ đang nghiên cứu. Ví dụ:
 - Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên soạn thì, định kiến là ý kiến riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được.
Như chúng ta đã biết, định kiến cùng với khuôn đúc là một trong những dạng thức của tri giác xã hội. Sự phân tích khái niệm định kiến (prejudice) - một khái niệm cổ điển của tâm lý học xã hội, sẽ góp phần cho phép ta nắm được một trong những dạng thức biểu hiện các hệ thống tri giác của chúng ta, cũng như góp phần cho phép ta cụ thể hoá các cơ chế xây dựng các hiện thực về mặt tinh thần và xã hội, sự vận hành của những dư luận và sự tin tưởng xã hội.
- Một số định nghĩa của các nhà Tâm lý học xã hội về định kiến xã hội
+ Định khuôn xã hội. Thuật ngữ Định khuôn xã hội do Lippman (người Mỹ) đưa ra, nhằm nói đến những biểu tượng bền vững được đơn giản hoá, khái quát hóa và sơ đồ hoá mỗi khi nhìn nhận đối tượng mà chủ thể còn thiếu hụt thông tin. Định khuôn là biểu tượng xã hội của cá nhân trong cùng một nhóm. Định khuôn xã hội có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Trong tri giác xã hội, định khuôn xã hội trở thành định kiến xã hội khi nó mang sắc thái tiêu cực.
+ Định kiến xã hội: Được hiểu là thái độ tiêu cực của một cá nhân trong từng nhóm  xã hội đối với người khác, nhóm xã hội khác trong quan hệ với nhau. Có nhiều loại định kiến xã hội như: định kiến chủng tộc, định kiến giới tính, định kiến tôn giáo, định kiến giai cấp,…
Theo Fischer: Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác, tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Nói cách khác, định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm 2 thành tố chính là nhận thức và ứng xử. Theo Godefroid: Định kiến là sự phán xét “tốt” hay “xấu” của chúng ta đối với người khác, ngay cả trước khi ta biết rõ họ hoặc biết được lý do hành động của họ.
Theo J. P. Chaplin: Định kiến là thái độ tích cực hoặc tiêu cực được hình thành trên cơ sở của yếu tố cảm xúc. Là niềm tin hoặc cách nhìn thường không thiện cảm của chủ thể với đối tượng, từ đó chủ thể sẽ có một cách nghĩ hoặc cách ứng xử tương tự với người khác (đối tượng).
Theo Rosenberg: Định kiến xã hội là một định hướng được tiếp thụ có mục đích thiết lập một sự phân biệt xã hội. Như vậy, có thể nói rằng định kiến là một sự phân biệt đối xử. Quan điểm này của ông cho phép phân biệt hai thành tố căn bản của định kiến: thành tố nhận thức và thành tố ứng xử.
Như vậy, tuy có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh khái niệm định kiến, nhưng suy cho cùng, các tác giả đều nhìn nhận giống nhau một cách cơ bản trong một số điểm. Hầu hết họ đều thừa nhận định kiến là một kiểu thái độ tiêu cực - bất hợp lý đối với người khác (đối tượng) dựa trên những nhận thức thiếu căn cứ, phiến diện và một chiều của chủ thể (là người mang định kiến) đối với đối tượng.
Người nghiện ma túy cũng thường xuyên phải đối mặt với định kiến xã hội. Xã hội coi họ như là tội phạm, những người lệch chuẩn về mặt đạo đức. Trong cuộc sống, những đối tượng này (người nghiện) phải đối diện với những thái độ tiêu cực từ những người xung quanh. Bởi vậy, những người làm việc với người nghiện ma túy cần có những nhận thức đúng đắn, không ắp đặt những định kiến cá nhân khi làm việc với đối tượng. Việc định kiến với đối tượng sẽ gây cản trở trong việc can thiệp với đối tượng, đồng thời, những nhận xét và đánh giá cũng sẽ không mang tính khách quan./.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,246
  • Hôm nay184,764
  • Tháng hiện tại7,319,539
  • Tổng lượt truy cập452,714,661
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây