Vai trò của nhân viên hỗ trợ xã hội

Thứ bảy - 09/07/2022 17:43
Vai trò tạo điều kiện thuận lợi
Với triết lý của việc hỗ trợ là nâng cao năng lực cho người được hỗ trợ, do vậy nhân viên hỗ trợ xã hội có vai trò là người đồng hành cùng người nghiện ma túy và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người nghiện ma túy giải quyết các vấn đề của họ.
Trong vai trò này, nhân viên xã hội cần thực hiện các hoạt động cụ thể, như: Tác động, gỡ bỏ các rào cản đang ngăn người sử dụng ma túy tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện; huy động các nguồn lực hỗ trợ người nghiện về sức khỏe, nghề nghiệp, việc làm...; hỗ trợ người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện và vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ họ giải quyết các thủ tục hành chính mà họ cần:
Ví dụ, khi người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công và có nguyện vọng muốn tìm việc làm, nhưng việc khai hồ sơ, giấy tờ khá phức tạp, lúc này, nhân viên hỗ trợ xã hội có thể cùng người nghiện ma túy hoàn thiện các giấy tờ, hồ sơ, thủ tục... để họ có đủ điều kiện nhận việc làm.
Vai trò kết nối
Trong vai trò này, nhân viên hỗ trợ xã hội sẽ dựa trên những nhu cầu thiết thực của người nghiện ma túy để kết nối và hỗ trợ họ tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ xã hội mà họ có nhu cầu.
Nhân viên hỗ trợ xã hội như “chiếc cầu” kết nối giữa những nhu cầu thiết thực của người nghiện ma túy và những dịch vụ đang được cung cấp.
Trên thực tế, nhiều người nghiện ma túy, do không biết thông tin hoặc do ngại ngần và chưa hiểu đúng ý nghĩa, chưa có đủ những thủ tục, điều kiện nhất định... nên họ đã không tiếp cận được các dịch vụ - mặc dù họ đang có nhu cầu. Đối với các trường hợp như vậy, nhân viên hỗ trợ xã hội cần tìm hiểu lý do, các khó khăn, cản trở...và từ đó có kế hoạch hỗ trợ tối đa để người nghiện ma túy tiếp cận được những dịch vụ cần thiết cho việc giải quyết vấn đề, cũng như lợi ích trong cuộc sống của họ.
Vai trò tư vấn
Trong quá trình điều trị nghiện, người nghiện ma túy phải đương đầu với rất nhiều vấn đề. Sự hỗ trợ tư vấn sẽ giúp họ tự tin và giải quyết các vấn đề của họ tốt hơn:
Ví dụ: Tư vấn về pháp luật, tư vấn về các mô hình cai nghiện, tư vấn về một số phương pháp cai nghiện cơ bản, cũng như tư vấn về những vấn đề có liên quan khác đều rất hữu ích đối với họ.
Ngoài ra, trong những trường hợp cấp bách hoặc người nghiện ma túy đang rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng, khủng hoảng… việc tư vấn có thể giúp họ vượt qua dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về mặt quan điểm thì hỗ trợ xã hội để đi cùng họ, giúp họ nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề, việc liên tiếp đưa ra các lời khuyên (qua tư vấn) sẽ có thể làm cho người nghiện ma túy ỷ lại, lệ thuộc vào sự hỗ trợ của chúng ta. Do đó, nhân viên hỗ trợ xã hội cần cân nhắc trong việc vận dụng vai trò này khi hỗ trợ người sử dụng ma túy (xem thêm các bài về tư vấn ở phần trên).
Vai trò huy động nguồn lực
Trong quá trình điều trị nghiện, ngoài những nỗ lực của bản thân, người nghiện ma túy còn cần rất nhiều các nguồn lực khác để hỗ trợ họ. Nhân viên hỗ trợ xã hội là người giúp họ tìm kiếm, tiếp cận...những nguồn lực này (xem thêm mục kết nối ở trên).
Nguồn lực ở đây bao gồm cả những nguồn lực vật chất và tinh thần, pháp luật và đạo đức..., từ phía gia đình, hàng xóm, cộng đồng và xã hội. Trên thực tế, việc huy động nguồn lực, ngoài việc mang lại sự hỗ trợ cho người nghiện ma túy còn tạo ra được những nhận thức chung, cũng như sự đoàn kết trong cộng đồng, trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy.
Vai trò biện hộ
Trong vai trò này, nhân viên hỗ trợ xã hội là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người nghiện ma túy, để họ được hưởng những dịch vụ, chính sách, quyền lợi của họ, đặc biệt trong những trường hợp họ bị từ chối những dịch vụ hay chính sách mà đáng lẽ ra họ được hưởng.
Xét trên quan điểm tiếp cận dựa vào Quyền, rõ ràng người nghiện ma túy là con người, họ có quyền và cũng cần được tiếp cận những dịch vụ , cần được đảm bảo những lợi ích chính đáng của họ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự kỳ thị, thiếu hiểu biết và những thủ tục hành chính... nên trong nhiều trường hợp, người nghiện ma túy không được đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Điều đó làm hạn chế khả năng phục hồi cũng như hòa nhập cộng đồng của họ.
Vai trò truyền thông
Việc hiểu đúng đắn về người sử dụng/nghiện ma túy là điều rất quan trọng để giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử với họ, đồng thời tăng sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ của gia đình và cộng đồng xã hội đối với họ, đặc biệt trong quá trình tham gia các chương trình điều trị nghiện.
Khi người nghiện ma túy được sống trong một môi trường lành mạnh (không kỳ thị, phân biệt đối xử...), được nhận sự hỗ trợ tối đa từ cộng đồng và những người xung quanh thì việc điều trị nghiện của họ mới đạt được hiệu quả.
Muốn có được một môi trường như vậy, nhân viên hỗ trợ xã hội cần thực hiện tốt vai trò truyền thông trong cộng đồng và xã hội. Mặt khác, để thực hiện vai trò này, nhân viên hỗ trợ xã hội cần nắm chắc các kiến thức, kỹ năng về truyền thông cũng như biết cách làm việc với các bên liên quan mục đích truyền thông đạt hiệu quả.
Vai trò là người giáo dục
Người giáo dục là người cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan tới vấn đề về ma túy: cách thức chăm sóc người sử dụng ma túy; Cách thức vượt qua khỏi những vấn đề khó khăn mà họ cần giải quyết; nâng cao năng lực cho cá nhân, gia đình, nhóm hay cộng đồng qua tập huấn, giáo dục cộng đồng thêm hiểu biết, tự tin và tự mình nhìn nhận, đánh giá, phân tích và tìm kiếm nguồn lực cho vấn đề cần giải quyết… Giáo dục giúp họ thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi từ tiêu cực sang tích cực./.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập799
  • Hôm nay243,502
  • Tháng hiện tại8,541,350
  • Tổng lượt truy cập492,404,788
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây