Các hỗ trợ xã hội cần thiết cho người nghiện ma túy

Thứ bảy - 09/07/2022 17:42
Để người nghiện ma túy có thể được điều trị, đặc biệt là phục hồi, công tác hỗ trợ xã hội cần có đối với họ chủ yếu bao gồm:
- Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông qua khích lệ động viên một cách có hiểu biết về các vấn đề sức khỏe có liên quan;
- Hỗ trợ cá nhân: học nghề, tìm - tạo việc làm...;
- Hỗ trợ gia đình người nghiện ma túy: giảm bớt căng thẳng cho gia đình, nâng cao vai trò của gia đình trong việc giúp đỡ người thân nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện và phục hồi;
- Hỗ trợ các nhóm, bao gồm các nhóm có cùng đặc điểm và sở thích (nhóm đồng đẳng) trong điều trị, phục hồi, hỗ trợ pháp lý, huy động sự tham gia của cộng đồng,....
Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong điều trị người, người nghiện ma túy điều trị Methadone và người có HIV
Mục đích: Động viên, khích lệ và hỗ trợ giải quyết các vấn đề gia đình, bản thân họ để tăng cường tham gia điều trị và hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả điều trị nghiện ma túy.
Nội dung hỗ trợ: Gần gũi động viên tinh thần; Gắn kết các dịch vụ xã hội để hỗ trợ giải quyết các khó khăn về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình bao gồm cả hoàn cảnh của cha mẹ, vợ con họ nếu đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị cắt cơn giải độc
Mục đích: Cung cấp các hỗ trợ bằng vật chất và tinh thần cho người nghiện ma túy khi họ tham gia cắt cơn, nhằm giảm bớt các khó khăn, đồng thời giúp họ có thêm động lực điều trị.
Nội dung hỗ trợ: Chăm sóc trong quá trình cắt cơn: xoa bóp, an ủi động viên, chia sẻ cảm xúc lo âu, có thể bao gồm cả hỗ trợ các bữa ăn, nước uống;  Hỗ trợ xử lý các khó khăn của gia đình khi người đó là lao động chính của gia đình hoặc gia đình chưa thực sự tạo điều kiện cho họ, như: giúp trông coi con cái, bố mẹ già hay chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình; Trông coi, chăm sóc ban đêm nếu gia đình họ neo người hoặc chưa biết cách hỗ trợ.
Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần
Mục đích:  Hỗ trợ việc chẩn đoán sớm và dự phòng các chứng bệnh về tâm thần; Giảm tác hại rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy như: trầm cảm, lo âu, ngộ độc; Tăng cường việc tuân thủ điều trị và tăng hiệu quả điều trị;...
Nội dung hỗ trợ: Thông qua nhân viên y tế để biết được tình trạng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy để sớm ngăn ngừa, vận động điều trị và trợ giúp trong quá trình điều trị. Các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy, đặc biệt sử dụng ma túy tổng hợp như trầm cảm, lo âu, hoang tưởng, ảo giác, kích động..; Chăm sóc hỗ trợ tinh thần và vật chất cho người có nhu cầu điều trị; Sử dụng một số liệu pháp chăm sóc với kỹ thuật không chuyên sâu như luyện tập thư giãn; Liệu pháp nhận thức không chuyên sâu thông qua trao đổi nhóm theo kinh nghiệm, giải thích về tác hại của sử dụng ma túy và những yếu tố có thể áp dụng để từ bỏ sử dụng ma túy; Tìm bạn mới; Khen thưởng khi có hành vi tích cực; Phê bình khi có các vi phạm; Tiếp cận gia đình để có kế hoạch giải quyết cũng như tham gia xử lý các trở ngại trong quá trình điều trị.
Hỗ trợ chuyển gửi điều trị các bệnh có liên quan
Mục đích: Giúp người nghiện ma túy tiếp cận sớm, tham gia dịch vụ điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với các bệnh dễ lây lan và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như HIV, viêm gan B, C; lao phổi... do bản thân người nghiện ma túy thường ít quan tâm đến tình trạng sức khỏe hay các bệnh có liên quan của bản thân.
Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chuyển gửi, nhân viên hỗ trợ có thể đi kèm với người nghiện đến cơ sở điều trị theo phiếu chuyển gửi hay cung cấp thông tin về cơ sở điều trị mà đã biết trước, như địa chỉ, thủ tục tiếp nhận vào điều trị; Tìm nguồn hỗ trợ cho người nghiện ma túy khi họ vào điều trị nội trú (từ cá nhân và tổ chức thiện nguyện ...);  Hướng dẫn, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm
Tình trạng việc làm là một trong các chỉ số đánh giá mức độ phục hồi của người nghiện ma túy, vì vậy đây là một hỗ trợ rất cần thiết. Tuy nhiên hỗ trợ việc làm là một việc gặp nhiều khó khăn, do một số yếu tố sau:
- Các hình thức việc làm phù hợp với người nghiện ma túy là không sẵn có;
- Sức khỏe của họ còn hạn chế;
- Rủi ro do môi trường việc làm với dự phòng tái nghiện; - Sự kỳ thị của cộng đồng;
- Các chế độ, chính sách, nguồn lực cho hỗ trợ việc làm còn rất hạn chế.
Căn cứ vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu của người nghiện ma túy và các quy định cụ thể tại địa phương, nhân viên hỗ trợ xã hội có thể hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy thông qua một số hoạt động sau:
Hỗ trợ đánh giá khả năng, kinh nghiệm đã có và nhu cầu: Đánh giá khả năng và kinh nghiệm của người nghiện ma túy liên quan đến việc làm có thể bao gồm trình độ đào tạo, chuyên môn nghề nghiệp, các công việc đã làm nhiều năm nhất, các diện đối tượng chế độ chính sách…
Hỗ trợ tìm việc làm: Cung cấp thông tin về các chỗ việc làm phù hợp với đối tượng; Trực tiếp giới thiệu, liên hệ với các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng lao động để hỗ trợ xin việc làm; Thường xuyên nắm bắt tình hình liên quan đến việc làm để động viên, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm duy trì ổn định việc làm.
Hỗ trợ tiếp cận các chế độ hỗ trợ học nghề, tạo việc làm từ các quy định của Nhà nước: Nắm bắt các quy định chính sách hiện hành, bao gồm chính sách của địa phương và các quy định cụ thể của Bộ Tài Chính, Bộ LĐTBXH để hỗ trợ thủ tục, tiếp cận với các cơ quan chức năng ở địa phương như Ủy ban nhân dân xã, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện để đối tượng được nhận các hỗ trợ của Nhà nước. Các chế độ hỗ trợ này hầu hết đều được làm thủ tục từ các xã, phường, thị trấn, do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và đề nghị.
Ví dụ: Theo thông tư liên tịch số 121/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về chế độ Hỗ trợ học nghề và Chế độ hỗ trợ tìm việc làm cho người sau cai nghiện ma túy:
Người sau cai nghiện ma tuý nếu có nhu cầu học nghề được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét hỗ trợ một lần kinh phí học nghề trình độ sơ cấp nghề: 1.000.000 đồng/người/ khóa học nghề.
Hỗ trợ thông qua các nhóm tự lực
Các nhóm tự lực của người nghiện ma túy được thành lập bởi những người nghiện ma túy có chung mục đích như: Dừng sử dụng ma túy, có việc làm, ổn định cuộc sống, có bạn bè cùng tiến, tự nguyện và cam kết tham gia các hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau.
Các nhóm này có thể có nhiều tên gọi khác nhau, như: Nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng, nhóm bạn giúp bạn...
Khi tham gia sinh hoạt nhóm, các thành viên có thể chia sẻ cảm xúc, quan điểm cá nhân về vấn đề nghiện ma túy cũng như các vấn đề khác trong cuộc sống theo mục tiêu của nhóm. Ví dụ, nhóm dự phòng tái nghiện tập trung thảo luận, hỗ trợ nhau về kiến thức và kỹ năng dự phòng tái nghiện (đối phó với cơn thèm nhớ, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian…); giới thiệu và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ chuyển tiếp như: tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị lao, tư vấn điều trị nghiện ma túy…Các chủ đề sinh hoạt nhóm do nhóm quyết định và được người điều hành nhóm, tư vấn viên, hoặc người khác do nhóm mời hỗ trợ. Nhân viên công tác xã hội có thể hỗ trợ các nhóm này tổ chức các buổi sinh hoạt theo chủ đề; các buổi học tập như thăm quan các di tích lịch sử, bảo tàng văn hóa, nghệ thuật, dã ngoại… lồng ghép thảo luận các chủ đề mà nhóm quan tâm; đồng thời hỗ trợ nhóm tiếp cận, kết nối các nguồn lực, sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức để có thêm điều kiện, chi phí tổ chức các hoạt động định kỳ./.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập779
  • Hôm nay239,638
  • Tháng hiện tại8,537,486
  • Tổng lượt truy cập492,400,924
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây