Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố, là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.Tính đến hết năm 2022, dân số của tỉnh ước 1.034.667 người và có 41 dân tộc sinh sống. So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là một vùng đất trẻ, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử chói lọi cùng với các địa danh như: Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo, Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài, Tượng đài chiến thắng Phước Long, Bồn xăng kho nhiên liệu VK96, VK98 (thuộc Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh), Điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh - 1973, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô.
Thanh niên trong độ tuổi từ 16-30 có 176.435 người (tính số liệu đến tháng 11/2023), chiếm 17,1% dân số của tỉnh. Đa số thanh niên tỉnh Bình Phước có tinh thần tình nguyện xung kích, ý thức trách nhiệm cộng đồng, năng động, biết vươn lên làm giàu, làm chủ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, phong trào đoàn, hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11//9/2009 của Chính phủ, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, các Nghị định của Chính phủ có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện theo từng giai đoạn và cụ thể theo từng năm.
Đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đến giáo dục và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho thanh niên; quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát huy vai trò xung kích, tiên phong và làm nồng cốt trong mọi mặt công tác, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Tuy nhiên bên cạnh đó trong thực hiện công tác thanh niên cũng còn không ít những khó khăn: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với thực hiện chính sách cho thanh niên một số thời điểm chưa sâu sát; việc quán triệt thực hiện Luật Thanh niên, các chủ trương liên quan của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên chưa thật sự thường xuyên sâu rộng, hiệu quả đối với địa phương có thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số và số thanh niên yếu thế dễ tổn thương. Trình độ và nhận thức của một bộ phận thanh niên còn có những hạn chế nhất định, nhiều thanh niên còn chưa biết về quyền lợi, nghĩa vụ của mình được quy định trong Luật Thanh niên hiện nay.
Xác định việc thực hiện Nghị quyết, Kết luận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, Kết luận thông qua những nhiệm vụ, đề án phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết nhằm tuyên truyền sâu rộng tinh thần của Nghị quyết, Kết luận đến các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh.
Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết, Kết luận, UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai Chiến lược, Kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết, Kết luận và tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện vào ngày 19/7/2012và triển khai Kế hoạch thi hành Luật Thanh niên, ban hành Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền Luật Thanh niên. Đã có 11/11 huyện, thị xã, thành phố và ngành Giáo dục vàĐào tạo đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Chương trình phát triển thanh niên của địa phương, đơn vị; các sở, ban, ngành phổ biến, quán triệt, triển khai Chiến lược phát triển thanh niên lồng ghép trong “Ngày pháp luật” và sinh hoạt Đoàn, Hội của cơ quan.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo đồng thời in ấn, cấp phát 2.000 cuốn tài liệu và 200.000 tờ gấp để phục vụ tuyên truyền. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản trên nhiều kênh, trong đó, tuyên truyền qua hệ thống Phát thanh - Truyền hình và báo chí, kịp thời thông tin đến khán, thính giả và độc giả trên 04 loại hình báo chí. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử. Ngoài ra, Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố hàng tuần đều phát nội dung tuyên truyền văn bản, chính sách về thanh niên trong chuyên mục “Thanh thiếu nhi”.