Đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm giúp tổ chức, cá nhân trong đó có thanh niên nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật luôn là vấn đề quan tâm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Thời gian qua, có nhiều cơ quan, đơn vị áp dụng nhiều mô hình sáng tạo để triển khai thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục cho thanh thiếu niên như: Ngày Pháp luật, ứng dụng mạng Internet, mạng xã hội zalo, Facebook, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, diễn đàn, đối thoại… Các hình thức, mô hình này bước đầu được đánh giá cao về tính phù hợp, hiệu quả. Việc tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục cho thanh niên nhằm mục đích:
- Tạo điều kiện cho thanh niên tham gia quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; qua đó thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước theo quy định.
- Bảo đảm thực hiện quyền của công dân về tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật ngay từ trong giai đoạn soạn thảo văn bản luật. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
- Tôn trọng, góp phần thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác theo quy định của Luật Thanh niên.
- Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, giúp cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có điều kiện nắm bắt ý kiến của thanh niên về nội dung của dự thảo văn bản, chính sách hoặc những vấn đề còn phức tạp, nhạy cảm, có liên quan trực tiếp đến thanh niên hoặc có thể tạo phản ứng, dư luận xã hội theo chiều hướng không tích cực. Từ đó, hình thành thái độ, tình cảm, niềm tin pháp luật cho thanh niên, tạo tiền đề cho việc tuân thủ, chấp hành tốt pháp luật sau khi được ban hành; tạo cơ sở cho việc chỉnh lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách, pháp luật, góp phần hạn chế, phòng ngừa tình trạng văn bản chưa có hiệu lực đã nảy sinh mâu thuẫn, vướng mắc.
- Tăng cường, đa dạng hóa, đổi mới các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên nói riêng và người dân nói chung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật.