Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Thứ hai - 12/10/2020 10:35
Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Ngày 15/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2018/QH14), Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29/11/2018 (Lệnh số 8/2018/L-CTN). Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ bí mật nhà nước, trên cơ sở kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 và bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 28 điều, với một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, làm rõ khái niệm bí mật nhà nước, theo đó, “bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Như vậy, theo khái niệm này, bí mật nhà nước có 3 thuộc tính cơ bản:
Một là, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng;
Hai là, bí mật nhà nước phải do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này;
Ba là, bí mật nhà nước là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa đựng bí mật nhà nước bao gồm tài liêu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Như vậy, bí mật nhà nước không chỉ là tài liệu mà nó còn bao gồm vật, địa điểm, lới nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Ngoài ra, Luật còn quy định “bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước”.
“Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước”.
 “Mất bí mật nhà nước là trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không còn thuộc sự quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý”.
Thứ hai, Luật bổ sung 05 nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước:
Một là, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hai là, bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân,
Ba là, việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bốn là, chủ động phòng ngừa; kịp thời pháp hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Năm là, bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Luật còn quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước nhằm phòng ngừa lộ, lọt bí mật nhà nước và làm căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, như các hành vi: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu trữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước; sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho  phép; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.
Thứ tư, Luật quy định phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong đó, Luật giới hạn trong 15 lĩnh vực Thông tin về chính trị; thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp; thông tin về đối ngoại; thông tin về kinh tế; thông tin về tài nguyên và môi trường; thông tin về khoa học và công nghệ; thông tin về giáo dục và đào tạo; thông tin về văn hóa, thể thao; lĩnh vực thông tin và truyền thông; thông tin về y tế, dân số; thông tin về lao động, xã hội; thông tin về tổ chức, cán bộ; thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thông tin về kiểm toán nhà nước.
Danh mục bí mật nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành bao gồm 03 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật, Mật,  trên cơ sở đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước theo khoản 2, điều 9  của Luật này và gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định (trừ danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng). Quy định này đã thống nhất một chủ thể ban hành danh mục quy định cả ba độ mật và bí mật nhà nước được quy định theo ngành, lĩnh vực áp dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Thứ năm, thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; bổ sung một số đối tượng được cho phép sao, chụp tài liêu, vật chứa bí mật nhà nước cho phù hợp với thực tế, Chính phủ quy định việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Quy định này là để tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời thực hiện công việc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Việc ủy quyền được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền. Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chữa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho người khác.
Thứ sáu, quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước. Để khắc phục thực trạng lộ bí mật nhà nước qua các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước. Luật bảo vệ bí mật nhà nước đã xây dựng 2 điều về "hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam" và “hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước". Nội dung 2 điều này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc một số quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước về tổ chức hội nghị, hội thảo, trong đó quy định chặt chẽ thẩm quyền, thành phần, địa điểm, sử dụng phương tiện, thiết bị, phương án bảo vệ, việc sử dụng tài liệu bí mật nhà nước và trách nhiệm của các chủ thể tham gia, tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Thứ bảy, bổ sung quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau đây: 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật, 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật. Quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là quy định tiến bộ của Luật, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về hoạt động có thể ngắn hơn thời hạn nêu trên và phải xác định cụ thể tại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ Mật. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về địa điểm kết thúc khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không sử dụng địa điểm đó để chứa bí mật nhà nước.
Về gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì chậm nhất 60 ngày trước ngày hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật quy định. Bí mật nhà nước sau khi gia hạn phải được đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc gia hạn. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày gia hạn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi nhận được thông báo về việc gia hạn có trách nhiệm đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc gia hạn đối với bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Thứ tám, quy định về giải mật, Luật quy định giải mật là xóa bỏ độ mật của bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian gia hạn bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập, hợp tác quốc tế hoặc bí mật nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Luật đã quy định việc đương nhiên giải mật đối với trường hợp bí mật nhà nước chỉ cần bảo vệ trong khoảng thời gian nhất định hoặc đã hết thời hạn bảo vệ theo quy định của Luật mà cơ quan có thẩm quyền không quyết định gia hạn và trường hợp bí mật nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Thứ chín, về trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức: Chính phủ, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng và Ban đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng và Đảng ủy trực thuộc Trung ương; cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng chủ tịch nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn đại biểu quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban cơ yếu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Ngoài ra, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước và trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trừ các quy định của Luật liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Tác giả: Liễu Thị Na

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây