Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ngày 28/8/2019. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 2462/UBND-NC về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022” trong năm 2019, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt một số nhiệm vụ và báo cáo kết quả thực hiện, cụ thể.
1. Sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
2. Tổ chức giới thiệu, quán triệt Đề án cho công chức tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên trên địa bàn bằng hình thức phù hợp (như tổ chức hội nghị quán triệt, phát tài liệu, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở,…);
3. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh (từ 03- 05 người) từ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và các luật gia, luật sư, trợ giúp viên pháp lý có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở (danh sách đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh gửi về Bộ Tư pháp (Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật) trước ngày 31/10/2019 để tổng hợp).
4. UBND cấp huyện chỉ đạo:
(1) Xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp huyện (từ 04- 08 người/huyện) từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Phòng Tư pháp; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị- xã hội cấp huyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật và các cá nhân khác có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở; (2) Tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên, vận động, thuyết phục đội ngũ luật sư, luật gia, người đang và đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; tiến hành bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải; (3) Căn cứ tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, lựa chọn một số đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm, ưu tiên các xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; (4) Cân đối nguồn lực, bố trí bổ sung kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án tại địa phương trong năm 2019./.