Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”

Thứ sáu - 08/11/2019 08:31
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 471/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” (viết tắt là Đề án).
Mục đích của Đề án nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường úng dụng công nghệ thông tin gắn với xây dựng Chính phủ điện tử là giải pháp đột phá để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin, giúp người dân và xã hội sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật được số hóa; kết nối, chia sẻ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Đề án đề ra mục tiêu tổng quát là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Cùng với đó, Đề án xác định 04 mục tiêu cụ thể:
1. Năm 2019, xây dựng Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung toàn quốc trên cơ sở nâng cấp trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp; liên kết, chia sẻ, cập nhật đầy đủ thông tin về pháp luật đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
2. Năm 2020, phấn đấu 100% bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng, hoàn chỉnh Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; liên kết, chia sẻ với Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp.
3. Năm 2021, phấn đấu xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, các sản phẩm có nội dung số hóa, các phần mềm phổ biến, giáo dục pháp luật; gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua hình thức đối thoại trực tuyến, các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp khác.
4. Huy động rộng rãi mạng viễn thông, mạng xã hội tham gia phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể nêu trên, Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm:
1. Xây dựng, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của cả nước trên cơ sở nâng cấp Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
2. Xây dựng, hoàn chỉnh Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có; quản lý, khai thác, vận hành Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
3. Xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm phổ biến, giáo dục pháp luật để đăng tải trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật.
4. Xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia.
5. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở.
6. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Đề án cũng đề ra 05 nhóm giải pháp thực hiện:
1. Giải pháp về nguồn nhân lực, tài chính.
2. Giải pháp về kỹ thuật.
3. Giải pháp về truyền thông.
4. Giải pháp về thể chế.
5. Giải pháp khác.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực của nhà nước./.


 

Tác giả:   Nguyễn Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây