Quyết định số 519/QĐ-BTP ngày 05/3/2019 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2019, ngày 18/4/2019 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND theo dõi tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2019 (viết tắt là Kế hoạch 103).
Kế hoạch 103 được ban hành nhằm triển khai thi hành kịp thời, thống nhất và hiệu quả Quyết định số 519/QĐ-BTP ngày 05/3/2019 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2019; đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật về thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành pháp luật về Hòa giải ở cơ sở; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Đồng thời, Kế hoạch 103 cũng đặt ra yêu cầu: Thực hiện đúng, đầy đủ các nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng đơn vị trong việc triển khai thực hiện công việc được giao; bảo đảm khách quan, hiệu quả, thực chất; có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở.
Về phạm vi theo dõi và các hoạt động theo dõi cần phải thực hiện trong năm 2019:
1. Phạm vi theo dõi tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở bao gồm: (1) Củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở; (2) Hoạt động hòa giải ở cơ sở; (3) Phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (4) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; (5) Hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên.
2. Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành:
- Phối hợp thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực Hòa giải ở cơ sở: Thu thập thông tin từ văn bản, báo cáo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện) về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở; thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân phản ánh, cung cấp.
- Tự kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở: Các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành tự kiểm tra công tác tổ chức thực hiện tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở tại địa phương mình quản lý (việc kiểm tra có thể được lồng ghép với hoạt động kiểm tra công tác Tư pháp hoặc công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở), cụ thể như: Tình hình phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; tình hình bố trí nhân lực và kinh phí trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tình hình củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở của địa phương, đặc biệt là tiêu chuẩn hòa giải viên, thành phần của tổ hòa giải; tình hình hoạt động hòa giải ở cơ sở của địa phương, các quy định liên quan đến phạm vi hòa giải, căn cứ hòa giải, việc lập biên bản hòa giải và ghi số theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Phối hợp xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở: Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp xem xét, xử lý kịp thời những hạn chế, bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở được phát hiện trong quá trình phối hợp thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở
Trong từng nội dung và phần tổ chức thực hiện, UBND tỉnh đã giao cụ thể trách nhiệm cho từng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian thực hiện để các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai và báo cáo kết quả thực hiện đúng thời gian theo quy định./.