sct

Vấn đề đặt ra cho nguồn nhân lực ICT trong xu thế phát triển kinh tế số

Thứ sáu - 29/07/2022 08:38
Việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là tất yếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay. Đi kèm với đó là những vấn đề đặt ra với nguồn nhân lực ICT.

Nền tảng đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số

Kinh tế kỹ thuật số (hay còn gọi là kinh tế số) bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford, kinh tế số là "một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số", đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.

Theo Ths. Trần Thị Bích Hòa, Trường Đại học Công nghệ và Thông tin truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng, đặc trưng của kinh tế số có thể được tập hợp trong ba quá trình xử lý chính đan xen với nhau, bao gồm: Xử lý vật liệu, xử lý năng lượng, xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất.

Về bản chất, kinh tế số là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Theo các chuyên gia công nghệ, nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao; các ngành công nghiệp có bước chuyển đột phá trong mô hình kinh doanh; hoạt động thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các mạng xã hội (Facebook, Instagram), giải trí (Netflix, Pimterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab), cho đến phân phối, bán buôn, bán lẻ (Lazada, Shoppe)… đều phát triển. Ở tầm vĩ mô hơn, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

Trên thế giới, kinh tế số dần được phổ cập khi mật độ điện thoại thông minh đạt mức trên 50%. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào cuối những năm 2010.

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, kinh tế số đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

"Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), hiện nay, Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có 37% dân số sử dụng mạng xã hội (trong đó 73% có tương tác phục vụ công việc); người tiêu dùng số mới tăng trưởng đều đặn trung bình 63% mỗi năm; thời gian sử dụng Internet trung bình khoảng 4 giờ/ngày; giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông tăng đều đặn hàng năm…Điều này tạo nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số", Ths. Trần Thị Bích Hòa nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra với nguồn nhân lực ICT

Mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Hơn nữa trong bất kỳ thời kỳ phát triển nào của xã hội, con người luôn là yếu tố trọng tâm và với đặc thù của nền kinh tế số thì nguồn nhân lực ICT đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thành công và bền vững của nền kinh tế này.

Nguồn nhân lực ICT là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và nền kinh tế số đang và sẽ cần để huy động vào quá trình lao động, sáng tạo. Nguồn nhân lực này cần được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sang tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế.

"Yêu cầu của nguồn nhân lực ICT được thể hiện trên các phương diện như: Có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác cuả hoạt động kinh tế; có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động với tiến bộ khoa học công nghệ mới; có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc và có khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Đây được xem như điều kiện đủ và tiêu chí đặc trưng của nguồn nhân lực ICT", Ths. Trần Thị Bích Hòa nêu quan điểm.

Như vậy, để chuyển đổi thành công nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số, nhất thiết phải có nguồn nhân lực ICT đáp ứng được các yêu cầu trên. Chính vì vậy, song hành với sự chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế số ở nước ta là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế, theo đó, nguồn nhân lực ICT ngày càng chiếm vai trò chủ đạo trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Cho nên, việc phát triển nguồn nhân lực ICT là tất yếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay.

Nguồn tin: ictvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập849
  • Hôm nay80,891
  • Tháng hiện tại1,347,035
  • Tổng lượt truy cập437,150,654
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây