sct

Chuyển đổi số liên tục đổi mới với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Thứ tư - 28/09/2022 10:02
Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Sáng 8/8, tại Phiên họp thứ ba Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới, các thành viên Ủy ban đã thảo luận, phân tích về những kết quả đạt được, cũng như các khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng qua cho thấy công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)…

Bên cạnh đó, hạ tầng số tiếp tục được cải thiện, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29Mbps, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông.

Cả nước đã phát triển 35 nền tảng số quốc gia, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bên cạnh đó các bộ, ngành phối hợp phát triển 50 nền tảng số khác, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…

Hiện nay đã có hơn 900/3.000 hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin. Công tác xây dựng Chính phủ số được quan tâm, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển. Đến nay đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả. Cơ sở dữ liệu quốc gia được phát triển; nhiều dịch vụ công trực tuyến được thực hiện. Kinh tế số tiếp tục có bước phát triển vượt bậc. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ước tính đạt 10,41%...

So với cùng kỳ năm 2021, hoạt động của người dân trên môi trường số 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người dùng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển.

[Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 3, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số]

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng ghi nhận không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở; kinh phí dành cho chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số...

Các thành viên Ủy ban cũng phân tích rõ hơn về những kết quả, khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số như như hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số vẫn chậm được hoàn thiện và triển khai. Việc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chậm.

An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng khó khăn, phức tạp. Việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến có những lúc, những nơi, với một bộ phận người dân còn khó khăn; tiếp cận các nền tảng còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị thiếu chặt chẽ, còn tâm lý “cát cứ”...

 
Chuyen doi so lien tuc doi moi voi tu duy dot pha, tam nhin chien luoc hinh anh 2
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Phiên họp, Ủy ban cũng công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021.

Theo đó, nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (cấp bộ) có cung cấp dịch vụ công bao gồm 17 cơ quan; không thực hiện đánh giá có 4 bộ, cơ quan. Ngoài ra, 2 cơ quan ngang bộ được xếp vào nhóm cấp bộ không cung cấp dịch vụ công.

Trong bảng xếp hạng DTI và các chỉ số chính của các bộ cung cấp dịch vụ công, các bộ, ngành được xếp hàng đầu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương; các bộ, ngành xếp cuối gồm Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Xây dựng.

Đối với cấp tỉnh, khác với năm 2020, điểm DTI 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.

Các tỉnh, thành phố xếp hạng cao gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn; các tỉnh, thành phố xếp hạng cuối gồm Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Cao Bằng.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phạm Minh Chính khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình chuyển đổi số đạt những kết quả cơ bản.

Theo đó, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.

Chuyen doi so lien tuc doi moi voi tu duy dot pha, tam nhin chien luoc hinh anh 3
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số: tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Thủ tướng chỉ rõ các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Về phát triển kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng cho biết tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số; thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đặc biệt gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy công tác chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; phát huy tối đa sức mạnh sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam; tránh tình trạng cát cứ, cục bộ.

Công tác chuyển đổi số phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, nhất là hợp tác công tư, song không theo cách "trăm hoa đua nở"; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

"Không đánh trống bỏ dùi; không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên quan điểm đó và để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh; không chậm trễ.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lột lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước.

Chuyen doi so lien tuc doi moi voi tu duy dot pha, tam nhin chien luoc hinh anh 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao. Khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết/chỉ thị/văn bản về chuyển đổi số theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, và các ý kiến chỉ đạo; liên tục đôn đốc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Mặt khác, cần phối hợp với các bộ, ngành để ban hành các kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức; có nhiệm vụ định tính, định lượng; nhiệm vụ định lượng phải cân đong đo đếm được, phải luôn cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư phát triển cho triển khai chuyển đổi số năm 2023 và đến 2025. Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước cho triển khai chuyển đổi số năm 2023; xem xét thu thuế dịch vụ ăn uống.

Bộ Giáo dục và Đào trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn thí điểm mô hình tại 5 trường đại học trước ngày 30 tháng 8 năm 2022.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm người có công, người nghèo, người khuyết tật, đối tượng yếu thế, người lao động, sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ cũng phải triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Trên cơ sở mục tiêu, phạm vi và nội dung của Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ khẩn trưởng nghiên cứu chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân lực tham gia thực hiện chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, khoa học, công nghệ tích cực đầu tư, tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; cung cấp nhiều dịch vụ số thuận tiện phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành theo Quy chế làm việc của Chính phủ; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt và sớm xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Ủy ban: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Ủy ban là lãnh đạo các bộ, ngành; các tập đoàn kinh tế liên quan lĩnh vực chuyển đổi số./.

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,431
  • Hôm nay169,830
  • Tháng hiện tại6,882,694
  • Tổng lượt truy cập490,746,132
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây