sct

Hoàn thiện nền tảng địa chỉ số quốc gia hướng tới xã hội số

Thứ sáu - 29/07/2022 08:43
Phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số nhằm hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chỉ số quốc gia để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) khai thác, xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu phát triển chính phủ số (CPS), kinh tế và xã hội số.

Đến năm 2025, 100% hộ gia đình có địa chỉ số

Ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia.

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có địa chỉ số; phấn đấu 100% hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) do doanh nghiệp bưu chính (DNBC) Việt Nam sở hữu; phấn đấu 100% sản phẩm giao dịch trên sàn TMĐT do DNBC Việt Nam sở hữu phải được gắn thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu phấn đấu 100% điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu theo đánh giá xếp hạng của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU)...

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược là hoàn thiện nền tảng Địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia phục vụ cho phát triển TMĐT và kinh tế số. Từ đó, sẽ hình thành Cổng dữ liệu quốc gia về bưu chính; thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở.

Cùng với đó là phát triển các sàn TMĐT của DNBC Việt Nam để các hộ SXNN và người dân có thể giao dịch mua bán sản phẩm, hàng hóa trên môi trường số. Xây dựng các nền tảng quản lý, vận hành kho bãi, chuyển phát... kết nối giữa chủ hàng, các DNBC và khách hàng.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các DNBC đầu tư, phát triển hạ tầng số có ứng dụng các công nghệ hiện đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về việc phát triển hạ tầng bưu chính, các thành phần kinh tế được khuyến khích tham gia đầu tư xây dựng, vận hành và chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính.

Về hạ tầng mạng lưới, chiến lược đặt mục tiêu xây dựng các Trung tâm bưu chính vùng, khu vực có tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại để tối ưu hóa hoạt động giao nhận vận chuyển cho hoạt động TMĐT, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về logistics; phát triển và duy trì hoạt động ổn định mạng điểm phục vụ bưu chính rộng khắp cả nước; phát triển các bưu cục thông minh cung cấp dịch vụ bưu chính số.

Bên cạnh đó, DNBC cũng được khuyến khích sở hữu phương tiện vận tải hàng không; đẩy mạnh khai thác mạng bưu chính công cộng để người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận các dịch vụ bưu chính, dịch vụ số của Chính phủ.

Trong khi đó, về hạ tầng dữ liệu, chiến lược cũng yêu cầu xây dựng và phát triển các CSDL chuyên ngành trong lĩnh vực bưu chính; ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu bưu chính, cho phép sử dụng chung.

Trước đó, ngày 02/03/2022, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Kế hoạch này cũng nhằm hình thành CSDL địa chỉ số quốc gia để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, DN khai thác, xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế xã hội; hoàn thành chỉ tiêu về địa chỉ số trong các chiến lược quốc gia về phát triển CPS, kinh tế số và xã hội số.

Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, DN tham gia sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ theo 6 nhóm nội dung chính, bao gồm: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tạo lập, cập nhật CSDL địa chỉ số quốc gia; triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số; thông báo địa chỉ số và gắn biển địa chỉ số; tổ chức đánh giá, công nhận và công bố đạt yêu cầu Nền tảng địa chỉ số quốc gia; tổ chức công tác thông tin, truyền thông về nền tảng địa chỉ số quốc gia.

Trong đó, kế hoạch yêu cầu phải thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật, website và ứng dụng di động trên Android và iOS để người dân và cơ quan, tổ chức, DN có thể tham gia khai báo, tạo lập, tra cứu và khai thác CSDL địa chỉ số. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Nền tảng bản đồ số để tích hợp với hệ thống nền tảng địa chỉ số quốc gia; cập nhật, bổ sung dữ liệu giao thông phục vụ nền tảng bản đồ số. 

Đồng thời, xây dựng hệ thống, công cụ, phần mềm, ứng dụng di động để thu thập, cập nhật, chuẩn hóa CSDL, địa chỉ số và cung cấp dịch vụ nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật cho nền tảng và CSDL địa chỉ số.

Hoàn thiện nền tảng địa chỉ số quốc gia hướng tới phát triển xã hội số - Ảnh 1.

Giao diện Nền tảng địa chỉ số quốc gia trên website.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) là đơn vị được giao chủ trì xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vận hành CSDL địa chỉ số quốc gia. Đây là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia được ưu tiên tập trung phát triển, nhằm thúc đẩy phát triển CPS, kinh tế số và xã hội số.

Với mục tiêu tăng cường việc ứng dụng nền tảng địa chỉ số, chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, DN cùng khai thác CSDL địa chỉ để xây dựng các bản đồ số chuyên biệt phục vụ cho từng ngành, lĩnh vực và hoạt động của các tổ chức, DN, Vietnam Post đã hoàn thiện thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phần mềm ứng dụng cho các đối tượng có thể dễ dàng tham gia tạo lập, tra cứu và khai thác CSDL địa chỉ số.

Với cổng giao tiếp là Website https://ndas.vn và ứng dụng mobile/app "NDAS" cung cấp đa chức năng như: đăng ký, đăng nhập, tìm kiếm địa chỉ số, tạo mới địa chỉ, cập nhật thông tin địa chỉ, yêu cầu xác minh, cấp phát địa chỉ số…

Ngoài ra, nền tảng cũng cung cấp các dịch vụ tìm kiếm, xác thực địa chỉ và các API để các cá nhân, DN, tổ chức/chính phủ có thể sử dụng cho các ứng dụng của riêng mình.

Hiện nay, nền tảng địa chỉ số đã được BĐVN ứng dụng trong xây dựng một số công cụ, phần mềm phục vụ tổ chức sản xuất kinh doanh, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức kinh doanh dịch vụ của BĐVN, đặc biệt là trong việc tối ưu vận chuyển, chuyển phát hàng hóa, xác định vi trí các bưu cục, các điểm phục vụ của Bưu điện, xây dựng các tuyến phát cho bưu tá, tích hợp vào ứng dụng phục vụ khách hàng TMĐT…

Trong thời gian tới, ngoài việc cập nhật, rà soát thường xuyên các đối tượng là địa chỉ, BĐVN sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin địa chỉ số cho các đối tượng vào CSDL địa chỉ số quốc gia. Một địa chỉ số khi thu thập, cập nhật dữ liệu sẽ phải đảm bảo tối thiểu có đủ các trường thông tin cơ bản.

Bên cạnh đó, BĐVN cũng sẽ phối hợp với các địa phương để thu thập, cập nhật các trường thông tin nâng cao để phục vụ công tác thông báo địa chỉ số và phát triển nền tảng, CSDL địa chỉ số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện nền tảng địa chỉ số quốc gia hướng tới phát triển xã hội số - Ảnh 2.

(Hình minh họa)

Các địa phương đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển nền tảng địa chỉ số

Thực hiện các quyết định của Bộ TT&TT về phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển CPS, kinh tế số, xã hội số; Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, ngày 20/4, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 126/KH-UBND về triển khai thử nghiệm Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn Hà Nội.

Trong giai đoạn thử nghiệm, TP sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: Thu thập, cập nhật bổ sung CSDL địa chỉ số quốc gia; triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số trong các lĩnh vực: Du lịch, Bưu chính, Phòng cháy chữa cháy; Thông báo địa chỉ số và gắn biển địa chỉ số; Thông tin, tuyên truyền.

Việc thử nghiệm sẽ được Hà Nội triển khai trên địa bàn các quận, huyện gồm Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đông Anh và Thạch Thất.

Theo dự kiến, trong tháng 6, BĐVN sẽ phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội; Công an TP. Hà Nội và UBND các quận, huyện tham gia triển khai thử nghiệm để thu thập, cập nhật các trường thông tin cơ bản cho một số đối tượng trong phạm vi triển khai kế hoạch thử nghiệm trên địa bàn TP. Hà Nội (nếu còn thiếu) vào CSDL địa chỉ quốc gia.

Trên cơ sở kết quả triển khai thử nghiệm, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá, đề xuất triển khai diện rộng trên địa bàn TP. Hà Nội và mở rộng ứng dụng, khai thác dữ liệu địa chỉ số trong các lĩnh vực chuyên ngành phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của TP.

Trong khi đó, ngày 9/5, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thử nghiệm Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, địa bàn thử nghiệm là các huyện, thị xã, thành phố: Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Phước Long, Bình Long.

Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ khai thác, thu thập, cập nhật bổ sung CSDL địa chỉ số quốc gia một số đối tượng như: nhà ở cá nhân, hộ gia đình; nhà ở tập thể, khu nhà trọ; nơi cư trú khác; trụ sở cơ quan, tổ chức; các cơ sở dân sinh, kinh tế - xã hội; các công trình giao thông, xây dựng… UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu nhiệm vụ được hoàn thành trong quý II/2022.

Ba lĩnh vực, dịch vụ được UBND tỉnh yêu cầu triển khai thử nghiệm bao gồm: du lịch, phòng cháy chữa cháy và bưu chính. Trong đó, lĩnh vực du lịch sẽ hình thành dữ liệu địa chỉ số về các cơ sở, địa danh du lịch trên địa bàn tỉnh; tích hợp với bản đồ số về du lịch phục vụ phát triển du lịch thông minh.

Lĩnh vực phòng cháy chữa cháy sẽ khai thác hiệu quả dữ liệu địa chỉ số hiện có của các đối tượng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tích hợp dữ liệu địa chỉ số của các đối tượng: trụ nước chữa cháy, bể nước, nguồn nước tự nhiên... với bản đồ số phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy.

Đối với lĩnh vực bưu chính, khuyến khích các DNBC trên địa bàn tỉnh khai thác và ứng dụng hiệu quả Nền tảng địa chỉ số để nâng cao chất lượng quản lý, hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong TMĐT và logistics.

Hay tại Gia Lai, UBND tỉnh cũng đã đặt ra kế hoạch triển khai với lộ trình cụ thể. Về tạo lập, cập nhật CSDL địa chỉ số quốc gia, thời gian thu thập các trường thông tin cơ bản sẽ được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7/2022; các trường thông tin nâng cao từ tháng 5 đến tháng 9/2022.

Về mục tiêu triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số, trong năm 2022 Gia Lai sẽ triển khai, đưa vào sử dụng ít nhất một ứng dụng bản đồ số trên địa bàn tỉnh.

Đối với nội dung thông báo địa chỉ số và gắn biển địa chỉ số sẽ ban hành phương án thông báo địa chỉ số cho chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của tổ chức sở hữu hoặc người đang quản lý, khai thác, sử dụng đối tượng được gán địa chỉ trên địa bàn tỉnh Gia Lai với thời gian thực hiện ban hành phương án thông báo từ tháng 5 đến tháng 6/2022; tổ chức thông báo thông tin Mã địa chỉ số và thúc đẩy triển khai gắn biển địa chỉ số từ tháng 6 đến tháng 12/2022.

Bên cạnh TP. Hà Nội, Bình Phước hay Gia Lai, nhiều tỉnh/thành khác trên cả nước như Quảng Nam, Phú Yên, Thanh Hóa, Hậu Giang, Thái Nguyên… cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số nhằm đẩy mạnh lộ trình CĐS quốc gia trên cả 3 trụ cộ chính là CPS, kinh tế số, xã hội số.

Nguồn tin: ictvietnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,395
  • Hôm nay282,028
  • Tháng hiện tại5,997,891
  • Tổng lượt truy cập489,861,329
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây