Công tác bình đẳng giới, VSTBPN được quan tâm, triển khai đạt hiệu quả

Thứ ba - 11/07/2017 09:53 790

Công tác bình đẳng giới, VSTBPN được quan tâm, triển khai đạt hiệu quả

(CTTĐTBP) - 6 tháng đầu năm 2017, công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo và được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai đạt hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt là thực hiện BĐG trong lĩnh vực chính trị được quan tâm sâu sắc, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tăng so với nhiệm kỳ trước.
 
Công tác thực hiện BĐG trong lĩnh vực chính trị được tỉnh quan tâm.
 
Theo Ban VSTBPN tỉnh, thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền BĐG, VSTBPN được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện thông qua các chuyên mục, phát thanh trên địa bàn cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức về BĐG cho lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng buôn bán, bắt cóc phụ nữ và trẻ em gái.
 
Nổi bật trong công tác BĐG và VSTBPN trên địa bàn tỉnh thời gian qua là kết quả thực hiện công tác cán bộ nữ. Theo thống kê của Ban VSTBPN tỉnh, tỷ lệ nữ lãnh đạo thuộc UBND tỉnh có 1/4 người, đạt tỷ lệ 25%; số lượng cán bộ, công chức nữ là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh có 6/70 người, đạt tỷ lệ 8,57%. Số lượng nữ lãnh đạo chính quyền cấp huyện có 3/34 người, đạt tỷ lệ 8,82%. Số lượng nữ lãnh đạo chính quyền cấp xã có 59/317 người, đạt tỷ lệ 18,61%. Số lượng cán bộ, công chức nữ là cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành tỉnh có 95/358 người, đạt tỷ lệ 26,53%. Số lượng cán bộ, công chức nữ là cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các huyện, thị xã có 114/482 người, đạt tỷ lệ 23,65%. Số lượng nữ đại biểu Quốc hội khoá 13 có 2/6 người, đạt tỷ lệ 33,3%. Đại biểu nữ trúng cử là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như sau: Tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh 23/65 người, đạt 35,4%; tỷ lệ đại biểu HĐND cấp huyện 96/374 người, đạt 25,7%; tỷ lệ đại biểu HĐND cấp xã 822/3.148 người, đạt 26,1%.
 
Theo đánh giá của Ban VSTBPN tỉnh, tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dương về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ vẫn còn thấp so với tổng số cán bộ, công chức nữ trong toàn tỉnh. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp chính quyền địa phương, giữ các chức vụ lãnh đạo tại các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vai trò và lực lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ tham gia trong lĩnh vực này.
 
BĐG trong tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm 5 chỉ tiêu. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu giảm tỷ suất tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản dưới 22/100.000 trẻ đẻ sống, toàn tỉnh không có trường hơp tử vong bà mẹ. Chỉ tiêu thứ hai là tỷ lệ phụ nữ được khám thai trong thời kỳ thai sản từ 3 lần trở lên đạt 95%, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đạt 95,1%. Chỉ tiêu thứ ba là tỷ lệ phụ nữ mang thai trong toàn tỉnh bị nhiễm HIV/AIDS thấp hơn 0,2%, toàn tỉnh có 3.501 phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV/AIDS, trong đó có 4 ca bị nhiễm HIV/AIDS, chiếm 0,11%. Chỉ tiêu thứ tư là giảm tỷ lệ phá thai xuống dưới 15/100 trẻ đẻ sống, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên ít hơn 5% trong tổng số ca nạo thai, ở chỉ tiêu này tỉnh đạt khoảng 1,3%. Chỉ tiêu cuối cùng là thay đổi cơ bản tâm lý sinh con trai của người dân, mức độ chênh lệch giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020, hiện mức chênh lệch giới tính này của tỉnh là 111,6 bé trai/100 bé gái.
Về nâng cao năng lực quản lý BĐG, Ban VSTBPN tỉnh đã bố trí cán bộ làm công tác BĐG và VSTBPN tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Đối với công tác kiểm tra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã thực hiện việc kiểm tra công tác BĐG tại 3 huyện (Hớn Quản, Phú Riềng, Bù Đăng). Qua đợt kiểm tra, công tác BĐG được 3 huyện này triển khai thực hiện tương đối tốt. Việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương các văn bản để chỉ đạo điều hành kịp thời, đẩy đủ. Việc lồng ghép các chỉ tiêu về BĐG trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triên kinh tế - xã hội của địa phương được quan tâm thực hiện. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BĐG ở các địa phương này vẫn còn những khó khăn nhất định như: Địa phương tuy đã có bố trí kinh phí cho công tác BĐG nhưng còn chưa tương xứng với nhu cầu thực tế; sự phối hợp của các ngành, thành viên Ban VSTBPN đôi khi chưa đồng bộ, hiệu quả nên việc thống kê số liệu các chỉ tiêu, mục tiêu cho các báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác BĐG còn chưa kịp thời.
Trong công tác phối hợp liên ngành triển khai hoạt động VSTBPN, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giám sát việc thực hiện chính sách thai sản đối với phụ nữ nghèo không có bao hiểm xã hội, chính sách phát triển hệ thống nhà trẻ. Ngoài ra, còn giám sát việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho người nghèo như: Hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ nghèo; các hoạt động cho vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, chương trình tiêm phòng miễn phí cho trẻ em… Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị xã và 111/111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban VSTBPN; công tác củng cố, kiện toàn tổ chức của Ban này được thực hiện thường xuyên từ cấp tỉnh đến cơ sở khi có sự thay đổi./.
 
Nhật Phong


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập962
  • Hôm nay133,140
  • Tháng hiện tại667,365
  • Tổng lượt truy cập407,409,219
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây