Ảnh minh họa.
Theo đó, Trường PTDT nội trú Điểu Ong (Bù Đăng) thực hiện dạy tiếng S’Tiêng cho 70 học sinh khối lớp 6 của trường, trong đó có 49 học sinh người S’Tiêng, còn lại là học sinh các dân tộc khác cũng mong muốn theo học để sau này có điều kiện công tác tại các vùng đồng bào DTTS. Tài liệu giảng dạy tại trường do giáo viên đứng lớp phối hợp cán bộ địa phương biên soạn. Tài liệu biên soạn dựa theo tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc S’Tiêng đã thực hiện tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Bù Đăng, phiên âm theo tiếng S’Tiêng của đồng bào dân tộc S’Tiêng ở khu vực Bù Đăng. Hình thức tổ chức dạy học 2 tiết/tuần, vào giờ tự học của học sinh. Còn tại Trường PTDT nội trú huyện Lộc Ninh, trường thực hiện dạy tiếng Khmer cho 156 học sinh, trong đó có 64 học sinh người Khmer. Chương trình dạy theo sách giáo khoa tiếng Khmer của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT đánh giá việc giảng dạy tiếng nói và chữ viết Khmer và S’Tiêng ở 2 trường nói trên đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hùng, hiện vẫn chưa có từ điển và sách giáo khoa tiếng S’Tiêng, nên việc dạy học tiếng này phụ thuộc vào tài liệu tự biên soạn của các trường. Cái khó của tiếng này là chưa thống nhất được cách phiên âm từ vựng giữa các vùng đồng bào. Ngay trong tỉnh, đồng bào S’Tiêng ở huyện Bù Đăng phát âm từ “nước” khác so với đồng bào S’Tiêng ở huyện Hớn Quản. Muốn xây dựng được một chương trình chuẩn tiếng S’Tiêng của tỉnh cần có đề án, đội ngũ chuyên môn biên soạn, hội đồng khoa học thẩm định và phải trình Bộ GD&ĐT thông qua./.
Nhật Phong