Hạt điều thành phẩm của Công ty CP Hà Mỵ (Bình Phước).
Trong năm 2012, tỉnh nhập 7.000 tấn hạt điều thô, 9 tháng đầu năm nhập 6.000 tấn, chiếm 4,61% nhu cầu nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy lượng điều nhập không cao nhưng đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu điều của tỉnh. Vì một số doanh nghiệp trong tỉnh nhập điều nước ngoài chất lượng thấp về chế biến, sau đó lấy thương hiệu điều Bình Phước để xuất khẩu. Trước đó, Công ty CP Hà Mỵ cũng phản ánh: Sản phẩm hạt điều của công ty xuất khẩu sang các nước bạn đã bị một số khách hàng thay đổi nhãn, bao bì, pha trộn hàng hóa, sản phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của doanh nghiệp và của tỉnh.
Cử tri và đại biểu HĐND thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập tỏ ra quan ngại và đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp để hỗ trợ người trồng điều, bảo vệ thương hiệu điều của tỉnh. Trả lời ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND và cử tri tại kỳ họp thứ 8 khóa VIII về vấn đề này, Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý, gắn nhãn đối với mặt hàng điều Bình Phước; tập trung hỗ trợ nông dân về giống mới cho năng suất cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn đầu tư chăm sóc vườn điều; tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho ngành điều…
Việc đẩy nhanh xây dựng thương hiệu và xác định chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước hết sức cần thiết, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định chất lượng và thương hiệu hạt điều của tỉnh trên thị trường thế giới. Muốn vậy, trước hết tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu trong bản đồ chỉ dẫn địa lý; tạo liên kết giữa các hộ dân trồng điều trên địa bàn; sau đó phổ biến quy trình chăm sóc cây điều đạt tiêu chuẩn, cho năng suất và chất lượng cao. Cuối cùng là xây dựng quy chế quản lý chỉ dẫn vùng nguyên liệu, tránh tình trạng các “doanh nghiệp ma” lợi dụng chỉ dẫn vùng nguyên liệu điều Bình Phước, để xuất khẩu hạt điều kém chất lượng ra nước ngoài./.
Lê Thanh