Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, trước ngày 28/3/2020.
Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới; đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo. Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 02 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928 nghìn tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá đạt 430.493 nghìn USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang nhiều quốc gia. Một số thị trường lớn như: Malaysia (94 nghìn tấn), I rắc (90 nghìn tấn), Trung Quốc (66 nghìn tấn), Gana (50 nghìn tấn), Philippines (357 nghìn tấn), Bờ Biển Ngà (24 nghìn tấn), Singapore (19 nghìn tấn), Hồng Kông (16 nghìn tấn), Mô dăm bích (14 nghìn tấn)…
Trong 15 ngày đầu tháng 3, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 370 nghìn tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu cả nước tính từ đầu năm đến hết 15/3/2020 lên 1.298 nghìn tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
|
Trước đó, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 23/3/2020, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020.
Thông báo nêu rõ, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều nơi, cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu, nguồn cung lương thực có nguy cơ bị suy giảm, nhiều nước tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua tăng cả số lượng và giá cả, giá lúa gạo trong nước liên tục tăng cao.
Do đó, việc đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả leo thang ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn lương thực cho chế biến, tiêu dùng và dự trữ trong nước, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, tình hình sâu bệnh để tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo năng suất, chất lượng, đủ nguồn cung lương thực theo kế hoạch sản xuất.
Tại văn bản này, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Tuy nhiên sau đó, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo kiến nghị trước đó.