Chính phủ ban hành Nghị định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN

Thứ tư - 15/04/2020 15:42
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 46/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

Ngày 16/12/1998 Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước thành viên ASEAN ký kết với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định khung quy định việc xây dựng và ký kết các Nghị định thư có liên quan trong đó có Nghị định thư 7 về chế độ quá cảnh hải quan.

Theo đó, Nghị định thư 7 được xây dựng với mục tiêu chung là nhằm đơn giản hoá và hài hoà hoá các quy định về việc di chuyển, thương mại và hải quan; thiết lập một hệ thống quá cảnh hiệu quả, tối ưu, tích hợp hài hoà trong ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống quá cảnh ASEAN được thiết kế nhằm hỗ trợ và kiểm soát hoạt động quá cảnh của hàng hoá, từ điểm này tới điểm khác, trong số các chuyển động quá cảnh giữa các nước thành viên với nhau. 

Theo Nghị định thư 7,  thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước thành viên ASEAN sẽ được thực hiện trên một hệ thống điện tử duy nhất từ nước xuất phát đến nước quá cảnh và đến nước cuối cùng là điểm đích của hành trình quá cảnh.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 17, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền ký Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN và 10/10 nước ASEAN đã ký kết Nghị định.

Để đảm bảo cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư 7, Nghị định số 46/2020/NĐ-CP về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN đã được Chính phủ ban hành ngày 09/4/2020.

Nghị định số 46/2020/NĐ-CP gồm 7 Chương, 39 Điều, quy định về thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (sau đây gọi là Hệ thống ACTS); chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Theo Khoản 1, Điều 3 của Nghị định: “Hệ thống ACTS là hệ thống công nghệ thống tin tích hợp do các nước thành viên ASEAN thiết lập và kết nối, trao đổi thông tin với nhau để thực hiện thủ tục quá cảnh điện tử, kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ của các nước thành viên ASEAN, hỗ trợ cơ quan hải quan các nước thành viên ASEAN tính tiền thuế hải quan, tiền bảo lãnh và trao đổi thông tin thu hồi nợ thuế hải quan trên cơ sở quy định tại Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan”.

Theo Nghị định, hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS  bao gồm: (i) Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS xuất phát từ Việt Nam, quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của nước quá cảnh; (ii) Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS qua các nước thành viên ASEAN khác và nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của các nước thành viên khác và chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của pháp luật có liên quan của Việt Nam; (iii) Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS qua Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chi cục trưởng Chi cục hải quan căn cứ kết quả phân luồng của Hệ thống ACTS và các thông tin liên quan đến hàng hóa quá cảnh (nếu có) để quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, trường hợp Chi cục hải quan chưa được trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật hoặc việc kiểm tra bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật chưa đủ cơ sở xác định được thực tế hàng hóa hoặc hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì công chức hải quan trực tiếp thực hiện kiểm tra thực tế.

Việc thu phí, lệ phí tại Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS qua lãnh thổ Việt Nam chuyển tiêu thụ nội địa tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định hiện hành của pháp luật về hải quan.

Thời hạn thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.

Về địa điểm thực hiện thủ tục hải quan, Nghị định quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS được thực hiện tại:

- Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên, Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS kết thúc tại Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên.

- Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, Chi cục hải quan cửa khẩu xuất đối với hàng hóa xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác.

- Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN.

- Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và Chi cục hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN khác.

- Chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam để tiếp tục vận chuyển đến các nước ngoài ASEAN. Thủ tục quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS kết thúc tại cửa khẩu nhập. Thủ tục hải quan để vận chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh đến các nước ngoài ASEAN được thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS chỉ được đưa từ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN hoặc đưa từ các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế: Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh).

Nghị định 46/2020/NĐ-CP được ban hành đã góp phần tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN và Việt Nam, vừa góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoạt động quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế, quốc tế, vừa đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.

Nghị định cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hóa, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa quá cảnh nhằm mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho vận tải hàng hoá quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực.

Nghị định 46/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2020.

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập931
  • Hôm nay111,071
  • Tháng hiện tại8,008,782
  • Tổng lượt truy cập491,872,220
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây