Theo đó, thuế tự vệ đối với phôi thép sẽ tiếp tục được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có các mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00. Mức thuế tự vệ được áp dụng cụ thể như sau: Từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021 là 15,3%; Từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 là 13,3%; Từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023 là 11,3% và nếu không được gia hạn tiếp thì từ 22/3/2023 trở đi là 0%.
Đối với các sản phẩm thép dài có mã HS: 7213.10.10; 7213.10.90; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00 nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng thuế tự vệ. Mức thuế cụ thể như sau: Từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021 là 9,4%; Từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 là 7,9%; Từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023 là 6,4% và nếu không được gia hạn tiếp thì từ 22/3/2023 trở đi là 0%.
Trước đó, vào ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế tự vệ đối với các sản phẩm này sẽ trở về 0% từ ngày 22/3/2020 nếu không được gia hạn.
Theo Điều 69 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, chậm nhất 09 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hết hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Ngày 31/5/2019, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đăng thông báo công khai về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Bộ Công Thương nhận được hồ sơ của nhiều nhà sản xuất trong nước. Căn cứ quy định của Luật Quản lý ngoại thương, khi có yêu cầu rà soát của ngành sản xuất trong nước, thì Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước, những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng, khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ, tác động của biện pháp tự vệ đến các ngành sản xuất khác nếu được gia hạn.
Đến ngày 22/8/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2605/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 06 tháng kể từ ngày có Quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 06 tháng.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công Thương xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh.
Ngày 16/3/2020, Cơ quan điều tra đã hoàn thành Kết luận rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ. Theo đó, có đầy đủ cơ sở để tiếp tục gia hạn áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định để gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 22/3/2020.
Cũng trong ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.