Theo đó, đối với mặt hàng khẩu trang xuất khẩu, căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ thì mặt hàng “khẩu trang y tế” không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải xin giấy phép của cơ quan chức năng. Do vậy, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc giải quyết thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin khai trên tờ khai hải quan, công chức hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện việc khai báo đơn vị tính là “Chiếc” theo quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Trường hợp khai báo không thống nhất thì hướng dẫn người khai hải quan thực hiện việc quy đổi để đảm bảo thống kê hải quan.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, thực hiện theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết thủ tục hải quan theo quy định, trong đó, lưu ý phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ việc di chuyển phương tiện vận chuyển và người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) trong địa bàn hoạt động hải quan đảm bảo phòng ngừa các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên) thành lập các Tổ công tác hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, phòng ngừa dịch bệnh và làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan khi cần thiết.
Trước đó, ngày 31/01/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản số 587/TCHQ-GSQL yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra và để đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Trong đó, các đơn vị chủ động mua sắm, trang bị cho cán bộ công chức trực tiếp thực hiện các công việc có tiếp xúc với hành khách, phương tiện vận tải, hàng hóa, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh; cán bộ công chức làm công tác tuần tra, kiếm soát tại các khu vực biên giới các phương tiện, thiết bị, vật dụng cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.
Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải phải đeo khẩu trang, mang găng tay đúng tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; Bố trí các khu vực cách ly tại các địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa để thực hiện việc kiểm tra đối với hàng hóa là động vật sống hoặc và thực phẩm chế biến từ động vật nhập khẩu từ Trung Quốc; Thực hiện việc sát khuẩn, vệ sinh cá nhân sau khi hoàn thành công việc.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của Bộ Y tế trên các trang mạng điện tử; theo dõi diễn biến, tình hình và thông báo của chính quyền các nước có chung đường biên giới về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà có ảnh hưởng đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh hành khách, phương tiện vận tải; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam, kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo tại công văn 808/VPCP-KTTH ngày 05/02/2020 nhằm đảm bảo hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch virus corona gây ra, hoạt động thông quan hàng hóa được thực hiện trở lại tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Đây cũng là giải pháp gỡ vướng cho hàng nông sản còn tồn đọng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ sau tết nguyên đán Canh Tý đến hết ngày 4/2/2020.
Tính đến 18 giờ chiều ngày 5/2/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã làm thủ tục thông quan cho 60 xe hàng. Trong đó, chủ yếu là hàng nông sản của Việt Nam XK và một số hàng linh kiện điện tử nhập khẩu.
|