Theo đó, các sản phẩm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia sẽ bị áp dụng mức thuế tuyệt đối trong khoảng từ 2.889.245 đồng/tấn đến 6.385.289 đồng/tấn. Cụ thể như sau:
Nếu bột ngọt nhập khẩu không xuất trình được C/O thì áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 6.385.289 VNĐ/Tấn.
Nếu xuất trình được C/O từ các nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Trung Quốc Hoặc Indonesia thì không phải nộp thuế chống bán phá giá tạm thời.
Nếu hàng hóa nhập khẩu xuất trình được C/O từ Indonesia thì áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 5.289.439 VNĐ/Tấn.
Nếu C/O của bột ngọt xuất trình là từ Trung Quốc mà không xuất trình được Giấy chứng nhận của công ty sản xuất hoặc có Giấy chứng nhận của công ty sản xuất không trùng với công ty sản xuất tại Cột 1 Điều 3 của Thông báo thì nộp mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 6.385.289 VNĐ/Tấn.
Nếu bột ngọt có C/O Trung Quốc, có Giấy chứng nhận công ty sản xuất từ Trung Quốc trùng với tên các công ty nêu tại Cột 1 Điều 3, đồng thời tên công ty xuất khẩu trên hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại trùng với tên công ty sản xuất, xuất khẩu tại Cột 1 hoặc tên công ty thương mại liên quan tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 thì nộp mức thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng theo hàng ngay tại Cột 3 Điều 3 của Thông báo này với các mức: 3.832.982 VNĐ/Tấn hoặc 2.889.245 VNĐ/Tấn hoặc 5.045.576 VNĐ/Tấn.
Nếu bột ngọt có C/O Trung Quốc, có Giấy chứng nhận công ty sản xuất từ Trung Quốc trùng với tên các công ty nêu tại Cột 1 Điều 3, nhưng tên công ty xuất khẩu trên hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại không trùng với tên công ty sản xuất, xuất khẩu tại Cột 1 hoặc tên công ty thương mại liên quan tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 thì nộp mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 6.385.289 VNĐ/Tấn.
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với bột ngọt xuất phát từ kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của một số doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất bột ngọt trong nước, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc này từ tháng 10/2019.
Qua quá trình điều tra sơ bộ được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc và Indonesia cũng như các tác động, ảnh hưởng của sản phẩm bột ngọt đối với ngành sản xuất trong nước và người tiêu dùng.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù thuế tự vệ đang được áp dụng trong giai đoạn từ ngày 25/3/2019 đến ngày 24/3/2020 là 3.201.039 đồng/tấn nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu sau khi áp thuế tự vệ có dấu hiệu bán phá giá với lượng khá lớn, từ 2,88 triệu đồng/tấn đến hơn 6,3 triệu đồng/tấn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia.
Mức độ bán phá giá như vậy cho thấy hàng hóa nhập khẩu đang tiếp tục đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước.
Do đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định chống bán phá giá tạm thời đối với bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2020.