Năm 2015, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và đưa vào sử dụng “Hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh- VAT-RS” với phân hệ doanh nghiệp bán hàng, phân hệ cơ quan Hải quan và các phân hệ trao đổi thông tin với Ngân hàng thương mại, cơ quan thuế, kho bạc nhà nước, hãng hàng không, công an cửa khẩu.
Hệ thống được xây dựng nhằm phục vụ công tác quản lý, theo dõi, phục vụ, hỗ trợ việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay đa số doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế GTGT chưa tham gia vào hệ thống, còn một số ít doanh nghiệp đã tham gia Hệ thống nhưng lại không nhập các thông tin về hàng hóa, thông tin khách nước ngoài mua hàng vào hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế trên Hệ thống.
Điều đó gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc theo dõi, quản lý, đối chiếu hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, đối chiếu hàng thật, hàng giả, và kéo dài hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh,…
Sở dĩ có những vướng mắc trên là do Thông tư số 72/2014/TT-BTC chưa có quy định cụ thể về Hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài, đối tượng được truy cập, cách truy cập, cũng chưa quy định cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ của các bên khi tham gia và xử lý thông tin trên Hệ thống này.
Thông tư 72 cũng chưa quy định việc hoàn thuế đối với hàng hóa chưa qua sử dụng, còn nguyên đai nguyên kiện. Điều này đã gây khó khăn trong việc xác định hàng hóa thật, giả đối với hàng đã sử dụng. Trên thực tế đã xuất hiện nhiều trường hợp đánh tráo hàng hóa để chiếm đoạt tiền hoàn thuế,...
Nhằm giải quyết các bật cập nêu trên, Thông tư số 92/2019/TT-BTC được ban hành giúp cho công tác quản lý giám sát của nhà nước được chặt chẽ, hàng được hoàn thuế phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam; chống thất thoát tiền hoàn thuế; đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh thực hiện hoàn thuế GTGT.
Tạo thuận lợi cho công tác quản lý
Thông tư 92 đã bổ sung một Điều khoản quy định cụ thể về Hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài (sau đây gọi là Hệ thống), các đối tượng tham gia, cách truy cập, quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia sử dụng Hệ thống.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các đối tượng được tham gia và sử dụng Hệ thống gồm: Doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế GTGT (sau đây gọi là Doanh nghiệp), Cơ quan thuế, Cơ quan Hải quan đến Ngân hàng thương mại (Ngân hàng chi trả tiền hoàn thuế GTGT). Với việc tham gia sử dụng Hệ thống được thực hiện đồng bộ như vậy sẽ giúp cho công tác quản lý, giám sát được dễ dàng, thuận tiện đồng thời cũng đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác.
Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 92/2019/TT-BTC quy định:
1. Hệ thống quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài (sau đây gọi tắt là Hệ thống) là hệ thống tích hợp, lưu trữ, trao đổi thông tin liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại Thông tư này do Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành.
2. Các đối tượng được truy cập và trao đổi thông tin với Hệ thống:
a) Cơ quan hải quan;
b) Cơ quan thuế;
c) Ngân hàng thương mại là đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài;
d) Doanh nghiệp được cơ quan thuế công nhận là doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.
3. Truy cập, trao đổi thông tin qua Hệ thống:
...
|
Với Thông tư 92, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn:
Doanh nghiệp phải đăng ký việc bán hàng đúng địa chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng. Trường hợp điều chỉnh hoặc chấm dứt bán hàng hoàn thuế, phải thực hiện điều chỉnh hoặc chấm dứt theo quy định.
Doanh nghiệp bán hàng lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế trên Hệ thống hoặc phần mềm của doanh nghiệp kết nối với Hệ thống, nhập đầy đủ thông tin theo mẫu quy định, ký số, truyền các thông tin về hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế cho cơ quan hải quan, in hóa đơn và giao cho người nước ngoài đến mua hàng. Chứng từ in ra có giá trị như chứng từ điện tử.
Khi Hệ thống xảy ra sự cố, doanh nghiệp không truy cập được vào Hệ thống, doanh nghiệp lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế theo mẫu, ký, đóng dấu và giao cho người nước ngoài. Chứng từ in ra là cơ sở để cơ quan hải quan kiểm tra đối chiếu với hàng hóa của người nước ngoài.
Ngay sau khi Hệ thống hoạt động bình thường, doanh nghiệp bán hàng cập nhật các thông tin đã lập tại hóa đơn giấy vào Hệ thống như trường hợp lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế trên Hệ thống. Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được cập nhật trên Hệ thống phải đảm bảo trùng khớp về số, ký hiệu, nội dung thể hiện trên hóa đơn giấy.
Trường hợp Doanh nghiệp không lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế trên Hệ thống hoặc lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế nhưng không truyền đến Hệ thống (trừ trường hợp Hệ thống xảy ra sự cố) hoặc Doanh nghiệp lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế với các thông tin không đầy đủ, chính xác theo quy định hoặc không đầy đủ, chính xác, khớp đúng với hàng hóa thực tế và trường hợp Doanh nghiệp vi phạm các quy định về việc hoàn thuế giá trị gia tăng thì cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản với Cục thuế quản lý doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp doanh nghiệp bán hàng không lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế trên Hệ thống hoặc lập hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế nhưng không truyền đến Hệ thống thì trên cơ sở thông tin của cơ quan hải quan cung cấp, cơ quan thuế lập biên bản vi phạm.
Trường hợp doanh nghiệp bán hàng không lập hóa đơn hoặc lập nhưng không truyền đến Hệ thống lần thứ hai thì cơ quan thuế thực hiện xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn (nếu có hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn),...
Việc quy định bắt buộc Doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế tham gia, sử dụng Hệ thống tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài của cả cơ quan hải quan, cơ quan thuế, kho bạc,...
Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc cập nhật kịp thời “Danh sách doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế GTGT” trên trang thông tin điện tử của ngành thuế, đồng thời truyền thông tin về doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng đến Hệ thống.
Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 92/2019/TT-BTC quy định trách nhiệm của Cơ quan thuế như sau:
Tiếp nhận hồ sơ, lựa chọn doanh nghiệp bán hàng theo đúng quy định. Thực hiện công khai Danh sách doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cục thuế nơi công nhận doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành văn bản công nhận doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng; đồng thời ký số và truyền thông tin về doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng đến Hệ thống theo phương thức điện tử
|
Thông tư cũng đã quy định cụ thể hơn việc các Ngân hàng tham gia kết nối với Hệ thống hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài của Tổng cục Hải quan. Do đó các Ngân hàng thương mại phải thiết kế các chỉ tiêu thông tin tương thích để trao đổi thông tin với cơ quan hải quan qua Hệ thống.
Quy định trách nhiệm của các bên (cơ quan thuế, ngân hàng, kho bạc,...) kết nối dữ liệu với cơ quan hải quan trên Hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài được cơ quan hải quan xây dựng nhằm giảm thủ tục, thời gian cho cơ quan hải quan cửa khẩu khi thực hiện kiểm tra, đối chiếu. Tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các bên tham gia.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người xuất cảnh
Khi tham gia bán hàng, các doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế sẽ bắt buộc phải nhập các thông tin về hàng hóa, khách nước ngoài vào hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế trên Hệ thống nên công chức Hải quan sẽ không phải nhập thủ công, nên sẽ dần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế cho khách xuất cảnh.
Hệ thống Hoàn thuế GTGT được xây dựng sẽ kết nối thông suốt giữa cơ quan hải quan, cơ quan thuế, kho bạc nhà nước, doanh nghiệp bán hàng và ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ trong hoàn thuế, tránh việc lợi dụng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước đồng thời đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoàn thuế phục vụ hoàn thuế nhanh, chính xác, đúng đối tượng.
Thông tư số 92/2019/TT-BTC được thực thi sẽ tạo ra hành lang pháp lý giúp công tác quản lý được chặt chẽ, đồng thời cũng thuận lợi hơn cho người khai hải quan và doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển cũng như tăng cường lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua khách du lịch.
Đưa tin: Trịnh Công Trung
Nguồn tin: Tổng Cục Hải quan