Các lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 11.292 tỷ đồng

Thứ hai - 07/09/2020 14:52
​6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 11.292 tỷ đồng, khởi tố 1.128 vụ. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý 9.619 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.453 tỷ đồng; khởi tố 18 vụ; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 32 vụ.

 
6 tháng đầu năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp trên toàn tuyến. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật...
Các lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 11.292 tỷ đồng

Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ buôn bán, vận chuyển ma túy, pháo nổ vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp

Tuyến biên giới phía Bắc, địa bàn trọng điểm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Do lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị địa phương... tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng. Nhưng khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường mới thì tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm tuyến này chủ yếu là quần áo, đồ chơi, máy móc linh kiện điện tử.

Đáng chú ý, địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn,... tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy, pháo nổ vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp. Các lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc.
 
Tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đà Nẵng… hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa chủ yếu mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm (vẩy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi...) và xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào. Dọc theo tuyến sông Sêpôn vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ Lào về Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, thời gian đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với số lượng lớn với phương thức, thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để bỏ chạy.
 
Tuyến biên giới Tây Nam, địa bàn trọng điểm: Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang… để phòng ngừa dịch Covid-19 tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương đã phối hợp cắm chốt, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giảm mạnh. Mặc dù vậy, vẫn còn số ít các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, thuốc lá ngoại...
Gần cuối tháng 6, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19 thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng nóng trở lại, mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử điện lạnh cũ, thuốc lá ngoại, ma túy…Đáng chú ý mặt hàng thịt lợn, do lượng cung không đủ cầu, giá cả tăng đột biến, nên có hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn từ Campuchia về Việt Nam tăng.

Tuyến đường biển, cảng biển buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp
 
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, xuất nhập khẩu thông qua hệ thống các cảng biển nước ta diễn ra rất phức tạp, địa bàn trọng điểm là khu vực Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam bộ. Mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh, máy móc đã qua sử dụng, sản phẩm động vật thuộc danh mục CITES, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ... Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng cơ chế thông thoáng trong lĩnh vực Hải quan như kiểm hóa (luồng xanh, vàng, đỏ), kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro… để khai sai mặt hàng, chủng loại, số lượng.
Tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp mặc dù giá xăng dầu trong nước liên tục giảm nhưng vẫn cao hơn giá xăng dầu thế giới và khu vực. Do đó, các đối tượng lợi dụng các doanh nghiệp làm hậu cần nghề cá ở các tỉnh ven biển đã hoán cải tàu vỏ sắt mua dầu lậu của các tàu nước ngoài để bán cho các tàu đánh cá.

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các tuyến bay nội địa và quốc tế bị gián đoạn, ngưng trệ nên hoạt động buôn lậu trên tuyến này có chiều hướng giảm. Hoạt động buôn lậu chủ yếu diễn ra vào thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý, đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như: vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà...
 
Tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh, hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng tiếp tục diễn biến phức tạp. Hàng lậu được vận chuyển về tập kết tại kho hàng của bưu điện, kho hàng hóa nội địa của các công ty dịch vụ hàng không, kho hàng của các các công ty Logistic sau đó hàng sẽ được chuyển đến các bưu cục để giao cho khách hàng. Mặt hàng chủ yếu là: Quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử,... 

Trong thị trường nội địa hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về nguồn gốc xuất xứ còn diễn biến phức tạp
 
Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các đơn vị chức năng xiết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu nên tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới giảm.  Tuy nhiên, trong  nội địa hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh.
 
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịp Tết và dịch bệnh, một số đối tượng đã đầu cơ, nâng giá, gây bất ổn thị trường, nhiều vụ việc đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Mặt khác thương mại điện tử đang có xu thế gia tăng,  hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về nguồn gốc xuất xứ còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, thiệt hại đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vị việc hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.
 
6 tháng đầu năm 2020, với sự cố gắng, quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm (giảm 12 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước gần 11.292 tỷ đồng (tăng 83 % so với cùng kỳ), khởi tố 1.128 vụ (giảm 14 % so với cùng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Trong đó, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Hải quan và Tổng cục thuế nắm chắc tình hình vụ việc. Kết quả, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý 9.619 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.453 tỷ đồng; khởi tố 18 vụ; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 32 vụ. Tổng cục Thuế đã phát hiện, xử lý 21.863 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước gần 9.545 tỷ đồng.
 
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển xây dựng nhiều kế hoạch, chuyên đề, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tuyến biên giới đường bộ, đường biển. Kết quả, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý 1.078 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 22 tỷ đồng; khởi tố 279 vụ, 328 đối tượng; cảnh sát biển đã phát hiện, đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 52 tỷ đồng; khởi tố 63 vụ.
 
Bộ Công Thương, đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữ trí tuệ trong thị trường nội địa. Kết quả, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 33.154 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 145 tỷ đồng.
 
Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình tình tuyến, địa bàn, đối tượng để lập hồ sơ đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả đã phát hiện, xử lý 9.255 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng; khởi tố 768 vụ, 1.018 đối tượng.
 
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải... cũng đã tích cực chỉ đạo các cơ quan Thanh tra chuyên ngành xây dựng và triển khai có hiệu quả các Kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Kết quả, các cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 134 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước gần 6 tỷ đồng.
 
Có được kết quả đó là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành thị trường cũng như đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kinh doanh hàng giả kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…
 
Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, đã thường xuyên phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các lực lượng chức năng trung ương làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành địa phương, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác này.
 
Đồng thời, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ động tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm A (H5N1); tăng cường phối hợp liên ngành, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid -19. Tiếp nhận nhiều tin báo qua đường dây nóng, kịp thời đánh giá, phân loại và chuyển các cơ quan chức năng căn cứ thẩm quyền xử lý theo quy định.
 
Một số vụ việc điển hình
 
- Ngày 7/7/2020, Tổng cục Quản lý Thị trường chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai, thu giữ hơn 160.000 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ vi phạm pháp luật...
- Tháng 3/2020, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp các lực lượng phát hiện, thu giữ 473 kg ma túy tổng hợp, bắt giữ 07 đối tượng. 
- Tháng 3/2020, Cục Cảnh sát môi trường- Bộ Công an vụ bắt giữ 20 tấn lợn nhập lậu tại Long An. 
- Tháng 3/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã phát hiện và bắt giữ 1 tàu nước ngoài buôn lậu hơn 3 triệu bao thuốc lá ngoại trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, hiện vụ việc đã bị khởi tố.
- Ngày 12/01/2020 tại vùng biển Hà Tĩnh, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ 01 tàu nước ngoài đang sang mạn trái phép gần 2 triệu lít xăng RON 92, trị giá hàng hóa trên 26 tỷ đồng.
- Tháng 3/2020 Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện vụ xuất lậu gần 800.000 khẩu trang y tế.
- Tháng 6/2020, lực lượng Quản lý Thị trường TP. HCM  và Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ hơn 4 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ tại kho hàng quốc nội của VietnamAirline tại sân bay Tân Sơn Nhất và hơn 40 kiện hàng với gần 1.900 sản phẩm tại kho hàng nội địa Công ty dịch vụ hàng hóa Nội Bài.
- Tháng 3/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với phòng PC03 - Công an Thành phố Hà Nội phát hiện Công ty Đức Anh đóng gói hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ y tế mua trôi nổi trên thị trường, dán nhãn một số công ty có thương hiệu tại Hà Nội để bán ra thị trường./.
 
TCT TC QLTT Tran Huu Linh phat bieu tai HN Tong ket 6m dau 2020.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh phát biểu tại 
Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020.
 
 
 

Tác giả: Tổng cục Hải quan

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,263
  • Hôm nay639,741
  • Tháng hiện tại10,069,880
  • Tổng lượt truy cập469,962,567
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây