Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua Covid-19

Thứ hai - 29/11/2021 14:54 2174
Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua Covid-19

Sáng ngày 15/11/2021, Tổng cục Hải quan phối hợp với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua Covid-19” để lắng nghe ý kiến, giải đáp vướng mắc, kiến nghị doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Về phía Tổng cục Hải quan, tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Cục Giám sát quản lý, Cục Thuế XNK, Cục Kiểm định hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục CNTT & Thống kê HQ, Vụ Pháp chế, Vụ Thanh tra kiểm tra, Ban CCHĐH, Cục HQ TP Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Về phía doanh nghiệp có Chủ tịch VBF, trưởng nhóm thuế Hải quan, các đại diện VBF và hơn 90 doanh nghiệp FDI.

 

 HoiNghi.jpg
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua Covid-19.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị hải quan đã giải đáp vướng mắc, trả lời các kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách thuế liên quan đến miễn thuế nhập khẩu hoặc hoàn thuế nhập khẩu đã nộp khi doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sản phẩm do DNCX gia công cho doanh nghiệp nội địa; hoàn thuế đối với hàng hóa được xuất khẩu tại chỗ, trao đổi các nội dung liên quan đến quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất; liên quan đến hàng hóa tiêu hủy hang hóa sản xuất xuất khẩu; chậm hoàn thuế theo chương trình ưu đãi thuế sản xuất linh kiện lắp ráp xe ô tô CKD; Thủ tục hải quan đối với việc cho đối tác nhận gia công thuê mượn máy móc thiết bị của doanh nghiệp chế xuất, chứng từ phải nộp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thuốc, dược liệu; liên quan đến phân loại rủi ro đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (luồng xanh, đỏ, vàng);...

Bên cạnh đó, đại diện cơ quan hải quan cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, khi có vướng mắc đến chính sách pháp luật hải quan thì đúng bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp nơi phát sinh vướng mắc trực tiếp gửi văn bản về Tổng cục Hải quan để được trả lời cụ thể. Đồng thời, trong quá trình soạn thảo văn bản, các doanh nghiệp cần tích cực đề xuất, tham gia ý kiến để được cơ quan hải quan xem xét, trình lãnh đạo các cấp có thẩm quyền.

Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến trong bối cảnh hiện nay được các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ của Tổng cục Hải quan nói riêng và ngành hải quan nói chung đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. 

Tổng cục Hải quan ghi nhận các ý kiến và sẽ tổng hợp, trả lời đầy đủ các vướng mắc trước, trong và sau hội nghị lần này. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ sẵn sàng tiếp tục tổ chức các hội nghị trực tuyến/trực tiếp khi doanh nghiệp có kiến nghị, đề xuất để giải đáp các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp được tốt nhất. 

Tại Hội nghị, các đơn vị của Tổng cục Hải quan đã thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp những kết quả hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể như sau:

1. Về chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong tình hình dịch bệnh bùng phát.

Trước khó khăn do sự bùng phát của bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại đặc biệt là các chính sách đặc thù giải quyết vướng mắc trong quá trình nhập khẩu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch. Đồng thời, Tổng cục đã tổ chức nhiều hoạt động (như hội nghị, trao đổi, tọa đàm theo hình thức trực tuyến) để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời ban hành nhiều Công văn chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp, phương án nhằm giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi song vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan, chống buôn lậu gian lận thương mại và phòng chống dịch bệnh, cụ thể:

1.1. Các giải pháp về cơ chế chính sách 

Ngày 09/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Nghị quyết cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá, thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm. Hướng dẫn các cục, Chi cục Hải quan địa phương bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thông quan liên tục, kịp thời, an toàn trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng dịch. ...

Tham mưu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó quy định đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, không chịu thuế giá trị gia tăng.

Đến nay, Cơ quan Hải quan đã thực hiện miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch là: 7,91 tỷ đồng. Miễn thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất máy thở và áo choàng y tế với số tiền là: 7,02 tỷ đồng. Không thu thuế GTGT đối với lô hàng 2.000 máy thở và 170.600 áo choàng y tế với số tiền là 20,19 tỷ đồng.

1.2. Giải pháp về kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu 

- Trình Bộ ban hành Công văn số 10491/BTC-TCHQ ngày 13/9/2021 gửi UBND tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ hoạt động hải quan trên địa bàn nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan, phòng chống buôn lậu gian lận thương mại; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, nhập cảnh của doanh nghiệp.

- Áp dụng hình thức miễn kiểm tra thực tế đối với các lô hàng vắc xin ngừa Covid-19; Cho phép doanh nghiệp được đưa hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt như thuốc, vắc xin, sinh phẩm có yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản; Chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế tạo điều kiện thuận lợi, thông quan trong ngày các lô hàng vắc-xin nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch; Chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan nhằm đảm bảo chất lượng của hàng hóa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tình hình dịch bệnh bùng phát…

- Tháo gỡ và giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư "scan" bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và bổ sung bản gốc sau… Sử dụng một số kho bãi, cảng khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các cảng cạn/ICD thuộc hệ thống Tổng công ty như ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch, ICD Tân Cảng - Sóng Thần, cảng Tân Cảng Hiệp Phước để thay đổi cảng đích, toàn bộ chi phí vận chuyển hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái và chi phí nâng hạ 2 đầu (nơi đi và nơi đến) do Tân cảng Sài Gòn chi trả, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

- Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả.

- Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng hàng nông sản đặc biệt là khi mặt hàng hoa quả vào chính vụ, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có công điện chỉ đạo các đơn vị Hải quan phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh cho xuất khẩu hàng nông sản và có giải pháp tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

- Áp dụng CNTT để triển khai phương án truy cập hệ thống để làm việc từ xa đối với cán bộ, công chức, viên chức hải quan đảm bảo hiệu quả công việc trong thời gian giãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính phủ. 

- Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch, cơ quan Hải quan đã triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp. 

2. Công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại 

2.1. Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN 

Đến ngày 15/10/2021, có 235 TTHC của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với hơn 4,1 triệu hồ sơ của trên 50 nghìn doanh nghiệp tham gia. Lũy kế đến ngày 15/10/2021: số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 426.339 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.101.343 C/O.

2.2. Ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến 

Cùng với nỗ lực xây dựng Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số. Đồng thời xây dựng và trình Bộ Tài chính Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT của Ngành Hải quan giai đoạn 2021 -2025 . 

- Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 DVCTT mức độ 3, 4 (~ 91% tổng số TTHC do cơ quan Hải quan thực hiện), trong đó có 209 TTHC được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%).

- Về công tác quản lý vận hành hệ thống CNTT; hạ tầng CNTT và công tác đảm bảo an ninh thông tin: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo quản lý, vận hành hệ thống CNTT ngành Hải quan hoạt động ổn định, an ninh, an toàn, Tổng cục Hải quan đã xây dựng phương án làm việc đảm bảo Quản lý vận hành hệ thống CNTT an toàn, thông suốt 24/7 trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính phủ.

2.3. Công tác kiểm tra, giám sát hải quan 

Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song vẫn đảm bảo yêu cầu về kiểm tra, giám sát hải quan như: Tổ chức hội nghị trực tuyến với các Hiệp hội doanh nghiệp để hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP; ban hành công văn số 4440/TCHQ-GSQL ngày 15/9/2021 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai một số biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho phép lùi thời gian hoàn thiện kho bãi địa điểm đến sau thời điểm công bố hết dịch bệnh…

Kết quả, tính đến hết tháng 10 tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 538,96 tỷ USD, tăng 22,5%, tương ứng tăng 99,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 269,53 tỷ USD, tăng 17,3%, tương ứng tăng 39,78 tỷ USD; Nhập khẩu là 269,42 tỷ USD, tăng 28,2%, tương ứng tăng 59,3 tỷ USD.

Nhìn chung trong 10 tháng, xuất khẩu có 41/46 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có tới 20 nhóm đạt tốc độ tăng trị giá xuất khẩu trên 30% và chỉ có 5 nhóm giảm (đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 74%; quặng và khoáng sản giảm 11,5%; …). Nhập khẩu cũng ghi nhận 52/54 nhóm hàng chính tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 22 nhóm tăng trên 30%.  

Tác giả bài viết: Tổng cục Hải quan

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,143
  • Hôm nay272,729
  • Tháng hiện tại7,338,727
  • Tổng lượt truy cập414,080,581
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây