Với mục đích hỗ trợ công tác xác định trọng điểm hàng hóa là các chất cần kiểm soát, tăng cường hiệu quả kiểm soát của các Nhóm Kiểm soát cảng, UNODC trao tặng 3 thiết bị quang phổ Trunarc Raman phát hiện ma túy cầm tay cho các đơn vị kiểm soát cảng.
Đây là thiết bị quang phổ kế cầm tay sử dụng phương pháp quang phổ raman, hoạt động bằng điện, dùng để xác định các chất gây nghiện, á phiện (tổng hợp) và ma túy. Thiết bị này phù hợp và hữu ích cho công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan cho các PCU tại khu vực cảng biển, hỗ trợ xác định gần 500 loại chất gồm ma túy, chất kích thích, chất gây ảo giác và các loại chất trái phép một cách nhanh chóng và an toàn. Bên cạnh đó, thư viện dữ liệu của thiết bị sẽ thường xuyên được cập nhật, bổ sung thông tin về các loại chất nguy hiểm mới.
Trên cơ sở trang thiết bị do UNODC trang cấp từ trước đến nay, Tổng cục Hải quan sẽ phân bổ các thiết bị này cho các đơn vị kiểm soát cảng thuộc các cục hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và phối hợp với UNODC tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng thiết bị cho các PCU vào thời gian phù hợp.
Thay mặt Tổng cục Hải quan, bà Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế tiếp nhận thiết bị từ UNODC.
Chương trình kiểm soát container (CCP) là sáng kiến hợp tác chung giữa UNODC và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được đưa ra nhằm hỗ trợ chính phủ các nước tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật để nâng cao hiệu quả kiểm soát container tại các cảng biển, giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, vũ khí… thực hiện hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và những dạng hoạt động khác của thị trường bất hợp pháp.
CCP là chương trình được thực hiện và đã thành công tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong khuôn khổ Chương trình, gần 100 đơn vị kiểm soát cảng (PCU) đã được thành lập tại các khu vực châu Phi (Kenya, Ma Rốc, Ghana…), châu Mỹ (Ac-hen-tina, Brazil, Chi Lê…), Trung Đông (Ai Cập, Iran…), Châu Á (Ấn Độ, Bangladesh) và từ năm 2015, chương trình đã mở rộng ra khu vực Đông Nam Á bao gồm các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, được sự phê duyệt của Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tham gia CCP từ tháng 2 năm 2015. Hiện nay, CCP được triển khai tại các Cục hải quan TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu với sự thành lập của 4 PCU làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Các nhóm PCU được thành lập với mục đích phản ứng nhanh, nhằm xác định trọng điểm một cách có hệ thống và hiệu quả những container có nguy cơ rủi ro cao để kiểm tra. Nhóm đã được đào tạo bài bản và nâng cao để có thể kết hợp và sử dụng thành thạo kỹ thuật phân tích nguy cơ rủi ro cùng các thiết bị do UNODC trang cấp và nghiệp vụ kiểm soát để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến luồng thương mại tự do hợp pháp.