PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Thứ sáu - 19/08/2022 08:17
    I. Đặc điểm bệnh sốt xuất huyết
    Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc đốt và hút máu của muỗi. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người.
    Muỗi truyền bệnh SXH là muỗi Aedes aegypty (còn gọi là muỗi vằn), có đặc tính sinh sản ở những nơi nước đọng, sạch ở xung quanh nhà (chai, lọ, mảnh vỡ…), trong nhà (dụng cụ chứa nước sinh hoạt, lọ cắm hoa, chân chén…), thường trú ngụ trong nhà, đốt người vào ban ngày (sáng sớm, chiều tối). Vòng đời của muỗi vằn gồm 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng, trưởng thành. Tuổi thọ trung bình của một con muỗi trưởng thành từ 2 tuần đến 1 tháng (tùy thuộc vào điều kiện môi trường có thuận lợi hay không).
    Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy (ấu trùng của muỗi) và phòng muỗi đốt. Bệnh SXH xuất hiện quanh năm ở nhiều nơi của nước ta và cả trên thế giới với các mức độ khác nhau. Riêng ở các tỉnh, thành phía Nam nước ta, bệnh xuất hiện cao điểm vào các tháng 7, 8, 9, 10 do mưa nắng thất thường, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.
    II. Triệu chứng sốt xuất huyết

    SXH thường có biểu khởi phát ban đầu là sốt cao, đột ngột, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Theo chuyên môn, SXH được chia làm 3 cấp độ là SXH Dengue, SXH Dengue cảnh báo và SXH Dengue nặng. Tuy nhiên, để chúng ta dễ hiểu, tùy theo tình trạng bệnh, có thể chia thành 02 mức độ là:
    1. Sốt xuất huyết nhẹ
    Triệu chứng SXH thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của SXH thể nhẹ bao gồm: sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…
    Người bệnh bị SXH sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu SXH thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.
    2. Sốt xuất huyết thể nặng
    Khi bị SXH thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm  các triệu chứng dưới đây:
    - Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.
    - Chảy máu mũi hoặc ở chân răng.
    - Xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
    - Nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).
    - Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.
    - Người mệt mỏi li bì, choáng.
    Khi người bệnh chuyển biến sang SXH thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.
    3. Sốt xuất huyết ở trẻ em
    SXH ở trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.
    4. Các dấu hiệu cần biết để đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế
    Bệnh SXH thường nhẹ và được chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên khi phát hiện người bệnh có các biểu hiện sau, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế:
    - Đau bụng.
    - Nôn ói liên tục.
    - Chảy máu lợi, chân răng.
    - Nôn rá máu.
    - Thở nhanh.
    - Mệt mỏi, bồn chồn (Vật vã, lừ đừ, li bì)
    - Một số trường hợp, người bệnh có thể hạ thân nhiệt, ngủ vùi…
    Khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu trên, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
    III. Sốt xuất huyết và Covid-19

    Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, phần lớn người dân khi có triệu chứng sốt, đau đầu… thường chỉ quan tâm xét nghiệm Covid-19, chủ quan với bệnh SXH, nên khi phát hiện được bệnh SXH thì thường bệnh đã chuyển sang SXH thể nặng, dẫn đến khó khăn trong xử lý, điều trị.
    Bệnh nhân SXH nếu có tiền sử mắc Covid-19 và đang có các biến chứng hậu Covid-19 sẽ làm bệnh SXH nguy hiểm hơn.
    IV. Phòng bệnh sốt xuất huyết         
    Hiện tại ở miền Nam mưa nắng thất thường đang là yếu tố thuận lợi để muỗi phát triển, dịch bệnh SXH tăng theo. Theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, tính đến 10/07/2022, tại 20 tỉnh, thành phía Nam có 84.828 trường hợp mắc (tăng 380% so cùng kỳ 2021) và 63 trường hợp tử vong (tăng 5,7 lần so cùng kỳ 2021). Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tính đến 09/08/2022, toàn tỉnh ghi nhận mắc/chết 3.405/06 trường hợp SXH (tăng 77%, chết tăng 02 ca so cùng kỳ năm 2021 mắc/chết 1924/04), (Lưu ý khi thực hiện tuyên truyền: cập nhật tình hình thực tế tại địa phương và tình hình chung đến thời điểm gần nhất).
    Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh sau:
    - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
    - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
    - Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... để không cho muỗi đẻ trứng.
    - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
    - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.
    - Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,761
  • Hôm nay275,218
  • Tháng hiện tại2,709,813
  • Tổng lượt truy cập448,104,935
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Bqlkkt_phong chong covid
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây