“Tín dụng đen” (TDĐ) là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không cần thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, sử dụng công nghệ cao để cho vay trực tuyến, vay ngang hàng biến tướng để tiếp cận người vay. Tình trạng đòi nợ thuê, nhắn tin đe dọa, sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người đi vay còn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều nhóm đối tượng chuyển sang hoạt động không cần cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến dạng sang hình thức lưu động, tìm khách hàng trên nhiều địa bàn. Đối tượng cho vay cũng được lựa chọn kỹ, tập trung vào những hộ gia đình, kinh doanh, sản xuất gặp khó khăn cần vốn khẩn cấp hoặc thanh niên hư hỏng, ăn chơi, đánh bạc.
* Nguyên nhân:
- Do quy trình duyệt vay đơn giản, không cần thế chấp về tài sản, thời gian giải ngân nhanh, đáp ứng được nhu cầu của một số cá nhân khi không đủ điều kiện vay vốn từ các kênh chính thức. Một nhóm người có nguồn tiền nhàn rỗi nghe theo sự xúi giục của một số tổ chức, ham lãi cao nên đã cấu kết với các tổ chức để cho vay nặng lãi dưới hình thức trực tiếp hoặc qua vai trò trung gian. Mặt khác, do quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài chưa đủ sức răn đe, việc duyệt vay của một số tổ chức tín dụng có thủ tục rườm rà, quy trình phức tạp. Bên cạnh đó, hệ lụy của đại dịch Covid-19 để lại đã khiến cho một số người lao động bị mất việc làm, cuộc sống gặp khó khăn nên dễ dẫn đến tình trạng tìm đến TDĐ để duy trì cuộc sống.
* Hệ lụy:
- Người dân chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt của TDĐ như thủ tục duyệt vay đơn giản, có tiền liền, không cần quá nhiều giấy tờ, thủ tục,…chấp nhận vay với mức lãi suất cao mà không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng. Việc cho vay với lãi suất rất cao, vượt quá mức lãi suất theo quy định của Nhà nước để bên cho vay có nhiều lợi nhuận nên định kỳ hàng tháng hoặc theo thời gian thỏa thuận, người đi vay phải trả một số tiền gồm cả gốc lẫn lãi và lãi tăng cao dần, nếu không trả nợ đúng hạn thì người vay sẽ phải trả thêm các khoản chi phí phát sinh ngoài gốc dẫn đến dần mất khả năng chi trả. Mặt khác, việc không được pháp luật thừa nhận và bảo hộ mang lại rủi ro rất cao cho các cá nhân tham gia, nhất là khi phát sinh tranh chấp. Từ đó, quyền lợi của các chủ thể tham gia đều không được đảm bảo và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
Đối với người đi vay:
- Người đi vay là người gặp khó khăn về vấn đề tài chính nên việc được giải ngân cho số tiền ban đầu chỉ giúp chi trả nợ nần, trang trải bước đầu cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài việc trả nợ cả gốc lẫn lãi cao dẫn đến việc mất khả năng chi trả.
- Do thủ tục duyệt vay đơn giản, chỉ cần một số giấy tờ tùy thân kèm theo số điện thoại nên một số người nhầm tưởng là sau khi lấy được tiền có thể đổi thông tin liên hệ, “báo mất” để làm lại giấy tờ mới thì sẽ không bị TDĐ làm phiền và không phải trả nợ nhưng khi người vay không trả nợ đúng hạn hoặc bị mất liên hệ thì bên cho vay sẽ xâm nhập, sử dụng dữ liệu danh bạ của người vay để nhắn tin, gọi điện đòi nợ người bất kỳ trong danh bạ dù không liên quan đến khoản vay. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, công việc của bản thân người đi vay và những người liên quan.
Đối với người cho vay:
- Việc cho vay lãi suất cao và rất cao là hành vi vi phạm pháp luật nên tâm lý của họ luôn sợ sệt bị phát hiện. Hệ lụy của TDĐ kéo theo nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội như: giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,…
- Việc nhắm đến các đối tượng là người cần tiền gấp, khó khăn, người gặp các vấn đề về giấy tờ nhân thân nên không được duyệt vay ở Ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác, thanh niên hư hỏng, ăn chơi, cờ bạc,…mà không có tài sản thể chấp nên họ thường không có khả năng chi trả nên dễ dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình thu hồi nợ.
- Để duy trì hoạt động thì các chủ thể cho vay TDĐ phải có đội ngũ hỗ trợ hùng hậu, bảo kê, nhắc nợ,…nên chi phí chi trả cho các đối tượng này khá cao.
Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ trên địa bàn tình Bình Phước đã có nhiều diễn biến tích cực. Tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay giảm đáng kể; hoạt động cho vay nặng lãi; sử dụng các đối tượng hình sự có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để siết nợ, đòi nợ không còn công khai, manh động; nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động TDĐ bị triệt phá, nhiều vụ án “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Việc quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ nói riêng và sự kết hợp giữa các cơ quan chức năng và người dân đã giúp công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên dưới sự “biến tướng” ngày càng phức tạp, tinh vi của loại tội phạm này thì các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn hậu quả của TDĐ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đồng thời người dân cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, báo ngay với chính quyền khi phát hiện tội phạm để kịp thời ngăn chặn, cùng xây dựng một xã hội ngày càng phát triển, “sạch” tội phạm.
Ngọc Trang