Mô hình truyền thông hội tụ của Trung Quốc và ứng dụng trong hoạt động truyền thông cấp huyện của Việt Nam

Thứ bảy - 04/11/2023 19:42
Cuộc cách mạng công nghệ số đã từng bước tạo nên thói quen mới trong cách tiếp cận thông tin của người dân, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mọi người có thể đọc, xem, nghe tin tức về những vấn đề mình quan tâm ở mọi nơi, mọi lúc và có thể phản hồi ngay lập tức đối với thông tin vừa tiếp nhận được. Xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện trong kỷ nguyên kỹ thuật số và các nguyên nhân về kinh tế - xã hội đã dẫn đến sự hình thành xu hướng truyền thông hội tụ.
Mô hình truyền thông hội tụ ở cấp huyện của Trung Quốc
Trung Quốc xác định truyền thông cấp huyện là truyền thông cơ sở, là một kênh thông tin quan trọng để các chính sách được truyền tải đến gần người dân hơn và có thể lắng nghe nhu cầu của người dân tốt hơn. Phát biểu tại Hội nghị công tác tư tưởng và tuyên truyền toàn quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng “phải nắm vững việc xây dựng trung tâm truyền thông cấp huyện, hướng dẫn quần chúng và phục vụ quần chúng tốt hơn” và đưa ra phương hướng phát triển chiến lược quốc gia xây dựng các trung tâm truyền thông cấp huyện.
Việc xây dựng các trung tâm truyền thông cấp huyện tích hợp các nguồn lực như: đài phát thanh, truyền hình cấp huyện báo chí và các phương tiện truyền thông mới, tích hợp các dịch vụ truyền thông, dịch vụ sinh kế của người dân và các dịch vụ của Chính phủ, để hàng trăm triệu người có thể tận hưởng nhiều lợi ích hơn khi chia sẻ thành quả phát triển Internet trở thành một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực tuyên truyền tại Trung Quốc, thực hiện giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.
Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Quốc gia ban hành một số văn bản chuyên sâu để hỗ trợ xây dựng Trung tâm truyền thông cấp huyện 3 . Trên cơ sở đó, công tác thí điểm xây dựng Trung tâm truyền thông cấp huyện được triển khai trên toàn quốc. Kết quả của việc thí điểm đã hình thành một số mô hình hoạt động gồm:
 - Mô hình hệ thống báo chí: Thực hiện theo cấu trúc “Nhà bếp trung tâm” của Nhân dân Nhật báo và tích hợp các tài nguyên truyền thông như: báo, truyền hình, phát thanh, trang web. Chẳng hạn: Thành phố Bắc Kinh, tỉnh Hồ Nam, tỉnh Giang Tây, tỉnh Tứ Xuyên và một số tỉnh khác lấy tờ báo của tỉnh/thành phố làm người dẫn đầu và ra mắt nền tảng đám mây truyền thông bao phủ các huyện, thành phố trong tỉnh. Một số ví dụ như:
Nhật báo Bắc Kinh ra mắt loạt video ngắn 10 tập “Giải mã một xã hội thịnh vượng trên mọi phương diện”, áp dụng hình thức sáng tạo của pingshu (một nghệ thuật kể chuyện truyền thống của Trung Quốc) và hoạt hình, để thể hiện các chiến lược và nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc lãnh đạo người dân xóa đói, giảm nghèo và đạt được sự phát triển thịnh vượng.
Nhật báo Quý Châu thành lập Ban biên tập phương tiện truyền thông hội tụ trực tuyến để phục vụ 96 trung tâm truyền thông cấp huyện trong tỉnh, hỗ trợ quá trình xử lý thứ cấp và phổ biến nội dung, thúc đẩy sự hợp tác trong việc tạo nội dung, công nghệ, ý tưởng sáng tạo và lập kế hoạch phát triển chung.
- Mô hình hệ thống phát thanh và truyền hình: Một số tỉnh như Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc dựa vào các đài phát thanh, truyền hình tỉnh để xây dựng các nền tảng hỗ trợ công nghệ truyền thông hội tụ cấp huyện. Trong khi tỉnh Cam Túc, Tân Cương, Phúc Kiến xây dựng phương tiện truyền thông hội tụ cấp tỉnh là trung tâm điều hành với mạng lưới phát thanh truyền hình làm nòng cốt.
- Mô hình hợp tác: Tỉnh Sơn Tây, Quảng Tây và một số tỉnh khác yêu cầu các tờ báo của tỉnh hợp tác với các đài phát thanh, truyền hình và các mạng lưới truyền thông khác trong tỉnh để cùng phát triển nền tảng đám mây thông minh của tỉnh và đảm nhận các chức năng của nền tảng công nghệ cấp tỉnh.
- Mô hình công ty: Để chủ động hơn trong thời đại công nghệ và tránh những ràng buộc của cách làm truyền thống, một số huyện đã chọn hợp tác với các công ty công nghệ truyền thông mới để tạo ra một nền tảng hội nhập khu vực với mức độ xã hội hóa cao. Tuy nhiên, sự phát triển tiếp theo của mô hình này phụ thuộc vào thực lực của công ty công nghệ và thái độ quan tâm của chính quyền địa phương.
Động thái nổi bật của chuyển đổi kỹ thuật số và hội tụ phương tiện truyền thông chuyên sâu được thực hiện bởi báo chí các cấp là tương tác với công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau trên các trang web và nền tảng truyền thông xã hội bằng cách sử dụng các sản phẩm đa phương tiện. Các trung tâm truyền thông cấp huyện đã thực hiện tích hợp các tài nguyên truyền thông như: báo, đài phát thanh, truyền hình, trang web…thông qua các nền tảng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo mục đích của việc cung cấp thông tin đến người dân.
Trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, mở rộng các mô hình ứng dụng như: tin tức chính quyền, tin tức văn hóa, dịch vụ tin tức, hoạt động tin tức… Từ đó xây dựng nội dung chương trình phù hợp, thể hiện hình ảnh tích cực của Đảng và Chính phủ, tăng cường sự giao tiếp giữa Chính phủ và người dân thông qua hoạt động của các trung tâm truyền thông cấp huyện.
Sự phát triển nhanh của số người dùng Internet ; đồng thời thực hiện chiến lược quốc gia xây dựng truyền thông từ cấp huyện; các trung tâm truyền thông cấp huyện tại Trung Quốc không chỉ tập trung thay đổi, cập nhật nội dung thông tin trên những kênh thông tin chính thống như báo chí, phát thanh, truyền hình mà còn thực hiện truyền thông dưới nhiều hình thức trên các trang web, nền tảng truyền thông xã hội (Weibo, Wechat…) sử dụng các sản phẩm đa phương tiện (video clip ngắn, livestream…)  , đây là động thái nổi bật của chuyển đổi kỹ thuật số và hội tụ phương tiện truyền thông.
Việc đổi mới công nghệ và ứng dụng trong hoạt động truyền thông đã góp phần đa dạng hóa nội dung thông tin, giúp tiếp cận được nhiều đối tượng và có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Một số công nghệ được ứng dụng như:
- Những tiến bộ trong 5G, DTS (dịch vụ truyền dữ liệu toàn cầu) và các công nghệ truyền dẫn kỹ thuật số khác đã thúc đẩy đáng kể khả năng sản xuất nội dung của các phương tiện truyền thông. Trung Quốc là quốc gia đang đẫn đầu về xây dựng mạng 5G độc lập lớn nhất thế giới phủ sóng toàn quốc. Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc cũng nghiên cứu, thí nghiệm để phát triển các ứng dụng của công nghệ 5G trong lĩnh vực truyền phát, sản xuất video . Trên cơ sở đó, các đài phát thanh, truyền hình địa phương từng bước ứng dụng 5G trong hoạt động của mình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Đông phối hợp với 21 đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh khác phát động Chương trình truyền thông hội tụ “Bay qua Quảng Đông”. Theo đó, họ đã sử dụng tính năng phát trực tiếp 5G, trường quay ảo, đóng gói trực tuyến và các công nghệ sản xuất và truyền dẫn khác để sản xuất các sản phẩm truyền thông mới bao gồm H5, truyện tranh cuộn dọc và các video ngắn sáng tạo về các chủ đề như xóa đói; giảm nghèo; kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc... Đài Phát thanh và Truyền hình Tứ Xuyên đã triển khai các dự án phát trực tuyến chậm và DouTV sử dụng công nghệ 5G để cung cấp dịch vụ phát trực tiếp 24/7 và cho phép chèn cảnh báo .
- Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phát triển các giải pháp đa phương tiện thông minh: Trí tuệ nhân tạo đã được tích hợp rộng rãi vào các hoạt động truyền thông và nhiều sản phẩm AI đã ra mắt. Một số ứng dụng như rô bốt có chức năng phỏng vấn, sản xuất được hỗ trợ bởi AI và theo dõi tin tức được hỗ trợ bởi 5G, người dẫn chương trình ảo . Ngày càng có nhiều đài truyền hình áp dụng hệ thống phát sóng ngôn ngữ tín hiệu AI làm cho việc trình bày tin tức trở lên thú vị và sắc nét hơn.
- Các công nghệ nền tảng đa dạng như Creatvie Brain, tự động hóa CI/CD… trao quyền cho toàn bộ quy trình sản xuất phương tiện truyền thông.
Creative Brain cung cấp nhiều chức năng khác nhau, tập trung vào các nhân vật quan trọng trong phát trực tiếp, giám sát chủ đề nóng đa kênh và cảnh báo sớm cũng như phân tích tệp đa chiều được hỗ trợ bởi AI, để cho phép sản xuất nội dung đa phương tiện dựa trên nền tảng một cách toàn diện; sử dụng công nghệ VR để trình bày thông tin trực quan. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid19 với sự phối hợp của Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Nhà nước, 07 nền tảng InternetTV, 6 nền tảng nghe nhìn trực tuyến và nền tảng IPTV của tỉnh Hồ Bắc đã cung cấp cho khán giả nội dung nghe, nhìn miễn phí.
Các công nghệ video khác nhau đã thúc đẩy sự đổi mới của các hình thức trình bày tin tức, các công nghệ phát trực tiếp và video ngắn đã phát triển nhanh chóng. Việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong ngành phát thanh và truyền hình đã thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi của ngành từ hoạt động kết nối mạng sang hoạt động dựa trên công nghệ thông minh và kỹ thuật số, cho phép các đài phát thanh, truyền hình cung cấp cho người dùng khả năng nghe nhìn hiệu quả và tương tác được cải thiện.
Ứng dụng truyền thông hội tụ trong hoạt động truyền thông cấp huyện của Việt Nam
Việc ứng dụng truyền thông hội tụ trong hoạt động truyền thông cấp huyện ở nước ta hiện nay không chỉ đơn giản là bước tiến sử dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ trong công tác thông tin, tuyên truyền để cung cấp thông tin đến người dân nhanh, kịp thời và đa dạng, mà còn đổi mới mô hình tổ chức hoạt động theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông.
- Thay đổi phương thức cung cấp thông tin đến người dân theo hướng hội tụ về nội dung
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, người dân có thể tiếp cận thông tin thông qua rất nhiều nền tảng ứng dụng như thông qua mạng xã hội, internet và các ứng dụng khác. Các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện thực hiện hội tụ về nội dung, có nghĩa là cùng một nội dung chương trình nhưng được trình bày dưới dạng đa phương tiện kết hợp chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, liên kết đến các website, audio trực tuyến…. Bên cạnh đó, kết nối và chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của địa phương dưới những hình thức chia sẻ khác nhau (mặc định, đặc thù, dữ liệu mở…) nhằm thu hút được sự quan tâm, khai thác của người dân, cộng đồng, từ đó tiếp nhận được thông tin, khai thác thông tin, xây dựng nội dung chương trình phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, miền, khu vực.
Từ việc hội tụ về nội dung tiến đến việc thay đổi, đa dạng hóa các phương tiện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện đặc thù của vùng, miền, khu vực để thông tin đến được với người dân một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Bên cạnh phương thức truyền thống đang hoạt động hiệu quả là phát thanh, sử dụng các phương tiện, hình thức tuyên truyền “phi truyền thống” như thông qua App (điện thoại hoặc máy tính bảng), website, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên internet… Nhằm tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân, từ đó nắm bắt được dư luận xã hội về các vấn đề thời sự trên địa bàn để xây dựng nội dung gắn với nhu cầu thông tin của người dân.
Một số địa phương đã có những nỗ lực trong việc thay đổi cách tiếp cận truyền thông đến người dân trên địa bàn, như: Ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể tiếp cận với thông tin về thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống thông tin cơ sở thông qua việc truy cập tại Cổng thông tin điện tử của Quận hoặc quét mã QR trên điện thoại di động. Một số địa phương đã sử dụng đồng bộ hệ thống hệ thống thông tin điện tử (từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã), mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên internet như một công cụ quan trọng để vừa cung cấp thông tin, truyền thông chính sách đến người dân, vừa tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân như: huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang); quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng); quận Hà Đông, huyện Mê Linh, huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội); huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), tích hợp đa phương tiện cả bản tin phát thanh, truyền hình…
Thông qua việc thay đổi phương thức cung cấp thông tin đến người dân, các địa phương đã từng bước xây dựng môi trường tương tác số (cho phép thay thế ở mức độ cao hơn và dễ dàng hơn các hình thức tương tác cá nhân - cá nhân, cá nhân - cộng đồng). Trên cơ sở đó, có thể sáng tạo, tổ chức cung cấp thông tin với những hình thức khác nhau phù hợp với độ tuổi, giới tính, vùng miền… Đồng thời cũng có thể tiếp nhận những thông tin phản ánh của người dân một cách dễ dàng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản xuất nội dung chương trình phù hợp với điều kiện thực tế.
- Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất nội dung thông tin theo hướng hội tụ trong hoạt động tác nghiệp
Trong thực tế, sau khi sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, hoặc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa (gọi tắt là Trung tâm), nhân sự làm công tác truyền thông (phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên) giảm nhiều so với trước. Với đặc thù của đơn vị truyền thông cấp huyện, mỗi người kiêm nhiệm 03 - 04 vai trò, từ viết tin, bài, quay phim, dựng phim đến phát thanh viên, dựng chương trình phát thanh, chương trình truyền hình; thực hiện các công việc khác như: hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt các cụm loa truyền thanh đài truyền thanh xã; hỗ trợ kỹ thuật truyền thanh trực tiếp các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện… Bên cạnh đó, do đặc thù ở cơ sở nhiều nơi điều kiện chưa thuận lợi (giao thông, thời tiết…) 01 phóng viên đơn vị truyền thông huyện khi tác nghiệp phải mang theo nhiều thiết bị (máy quay, micro, máy ảnh…) để đảm bảo vừa ghi hình, thu thập thông tin, ghi âm phỏng vấn…Với một khối lượng công việc lớn như vậy việc thực hiện hội tụ trong hoạt động tác nghiệp theo hướng “một người thích ứng được nhiều việc” là một yêu cầu tất yếu. Thay vì chỉ sử dụng các thiết bị truyền thống như phòng dựng, kết hợp trường quay, phòng bá âm; máy dựng chương trình phát thanh; máy dựng chương trình truyền hình; máy ảnh; máy camera các loại; bộ lưu trữ dữ liệu; máy tính…để xây dựng chương trình phát thanh, hoặc chương trình truyền hình. Cần kết hợp và từng bước sử dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ để chủ động trong việc xây dựng nội dung như:
 - Podcast (là một phương tiện hội tụ kết hợp âm thanh, web người dùng có thể truy cập bằng máy tính hay thiết bị thông minh để phát các tập tin đa phương tiện). Hình thức này đã được một số cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương thực hiện như Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân… Ở cấp cơ sở, mặc dù chưa phổ biến nhưng việc sử dụng Podcast cũng bước đầu được triển khai có hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền. Ví dụ như kênh “Toàn dân Podcast” của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã xuất bản được 22 bản tin, thu hút hơn 1.720 lượt tải xuống và được phân phối trên 12 nền tảng khác nhau. Người dân có thể lưu lại những chương trình quan tâm và nghe lại ngay trên điện thoại cá nhân. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông phối hợp với Công an huyện phát các tin, bài tuyên truyền qua đài truyền thanh các xã, thị trấn với các nội dung về chủ đề pháp luật và cuộc sống...
- Trong lĩnh vực truyền thông, việc ứng dụng AI hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí thuê biên tập viên, thu âm… đặc biệt việc sử dụng AI trong việc chuyển văn bản, tài liệu, hình ảnh thành giọng nói đa ngôn ngữ một cách chính xác, chuyên nghiệp sẽ giúp những người làm công tác truyền thông ở cơ sở có thể đơn giản hóa việc xây dựng, biên tập, xây dựng nội dung thông tin.
- Việc sử dụng các công cụ sửa ảnh, video trên điện thoại thông minh như: Midjourney, Imovie, Capcut…để tạo ra các hình ảnh và video độc đáo, chuyên nghiệp cũng giúp những người làm sản xuất, biên tập nội dung tăng cường khả năng sáng tạo và phát triển nội dung đa phương tiện. Góp phần vào việc từng bước đơn giản hóa việc sản xuất nội dung thông tin thông qua các ứng dụng công nghệ.
Kiến nghị, đề xuất:
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tham khảo mô hình trung tâm truyền thông hội tụ ở cấp huyện của Trung Quốc để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong quá trình chuyển đổi hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện thành đơn vị truyền thông đa phương tiện.
Con người là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm thành công của quá trình thực hiện truyền thông hội tụ. Phần lớn phóng viên, biên tập viên của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện chưa được đào tạo chuyên nghiệp, chủ yếu là tự học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn qua thực tiễn tác nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu tác nghiệp trên môi trường số. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức và ứng dụng công nghệ số cho lực lượng này để xây dựng cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện thành đơn vị truyền thông đa phương tiện.
(Theo Báo cáo số 20/BC-TTCS ngày 26/9/2023 của Cục Thông tin cơ sở về thao khảm mô hình truyền thông hội tụ của Trung Quốc; ứng dụng trong hoạt động truyền thông cấp huyện của Việt Nam).

Tác giả: Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập844
  • Hôm nay127,132
  • Tháng hiện tại6,827,321
  • Tổng lượt truy cập452,222,443
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây