Một số nội dung, chính sách mới nổi bật của Luật Thỏa thuận quốc tế

Chủ nhật - 20/11/2022 14:58 523
Luật Thỏa thuận quốc tế có một số nội dung mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
- Thứ nhất, Luật đã mở rộng chủ thể ký kết TTQT, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết TTQT của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Để so sánh, Pháp lệnh 2007 chỉ điều chỉnh các chủ thể ký kết gồm cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức.
Đối với các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ nhưng không phải là điều ước quốc tế theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (như các tuyên bố chung, chương trình hành động,…) thì việc ký kết cũng sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế. Trước đây, các thoả thuận loại này được coi là Điều ước quốc tế nên không được Pháp lệnh 2007 điều chỉnh. Sau khi Luật Điều ước quốc tế năm 2016 có hiệu lực, việc ký kết loại thỏa thuận này được thực hiện theo Quyết định 36/2018/QĐ-TTg.
Đối với việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến Ủy ban nhân dân cấp xã, trong quá trình thảo luận về dự án Luật, Chính phủ và Quốc hội đã có xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế, hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, đơn vị tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do vậy việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT cần được cân nhắc thận trọng là lẽ đương nhiên. Mặt khác, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế về nhu cầu và hiệu quả của việc ký kết và thực hiện các văn bản này. Thời gian qua, việc triển khai ký kết văn bản hợp tác quốc tế được thực hiện ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, việc ký kết của các xã biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Điều khó khăn khi xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế là phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, nâng cao chất lượng công tác thỏa thuận quốc tế bằng cách đưa các loại thỏa thuận quốc tế này vào Luật để tạo cơ sở quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp xã và để đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, Luật đã quy định chỉ mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm yêu cầu về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, Luật đã giới hạn một số nội dung Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được ký như về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên (khoản 6 Điều 3) và quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, cho phép và chịu trách nhiệm về việc ký kết thỏa thuận quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới (khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 47). Quá trình xây dựng thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới cũng phải tuân thủ trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết về vấn đề này.
- Thứ hai, do Luật Thỏa thuân quốc tế mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ (cũng là chủ thể ký kết điều ước quốc tế) nên Luật đã bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất của TTQT để phân biệt với điều ước quốc tế và với các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư. Theo đó, thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế (khoản 1 Điều 2). Nội dung này không đặt ra đối với Pháp lệnh 2007 một mặt do Pháp lệnh chưa đề cập đến chủ thể Nhà nước, Chính phủ, mặt khác do thời điểm đó chưa phát sinh tranh chấp liên quan đến đầu tư giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với một số nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến việc một số tập đoàn lớn nước ngoài khởi kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam.
- Thứ ba, Luật đã bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ. So với Pháp lệnh 2007, đây là nội dung hoàn toàn mới, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và vận dụng quy định về trình tự, thủ tục rút gọn tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (Chương VII) và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là Điều ước quốc tế để điều chỉnh phù hợp với các loại TTQT được quy định tại Luật này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức chủ động, tích cực thực hiện hội nhập quốc tế theo đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn TTQT dưới một số điều kiện nhất định và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Thứ tư, Luật bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết TTQT nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; TTQT liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư. Đối với việc ký kết TTQT nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức thì các cơ quan, tổ chức đó thống nhất bằng văn bản chỉ định cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết trước khi tiến hành các trình tự, thủ tục thông thường; trong trường hợp không thống nhất được cơ quan, tổ chức làm đầu mối ký kết thì báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định (khoản 1 Điều 24). Đối với các TTQT liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, Luật quy định cơ quan ký kết ngoài việc tuân theo trình tự, thủ tục chung còn có trách nhiệm xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điều 25), nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm TTQT loại này. Hồ sơ trình về việc ký kết nhóm thỏa thuận quốc tế này cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (khoản 2 Điều 28). Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh năm 2007 nhằm đáp ứng nhu cầu phát sinh trên thực tế, cũng như đảm bảo chặt chẽ hơn trong quy trình, thủ tục đối với một số loại TTQT đặc thù.

Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,457
  • Hôm nay415,012
  • Tháng hiện tại2,361,400
  • Tổng lượt truy cập388,904,453
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây