Những nội dung chính sách, quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường

Chủ nhật - 20/11/2022 11:00
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, Luật quy định những nội dung chính sách, quy định mới sau:
1. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT
- Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc thu thập, cung cấp thông tin về BVMT; tham gia đánh giá kết quả BVMT của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật BVMT năm 2014 chưa quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT, vì vậy chưa đẩy mạnh, phát huy được vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT. Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong công tác BVMT, Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT, qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.
- Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật BVMT năm 2020 theo các nội dung cụ thể về BVMT, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Cụ thể, Luật đã bổ sung nguyên tắc hoạt động BVMT phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.
 
2. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính
- Luật BVMT 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước
- Nội dung sức khỏe môi trường tuy không có quy định riêng nhưng đã được định chế trong toàn bộ Luật BVMT 2020, thông qua việc bảo vệ các thành phần môi trường, qua đó bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Luật đã bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường với sức khỏe con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với các loại bệnh dịch mới.
- Riêng ô nhiễm không khí và môi trường nước mặt đang là vấn đề bức xúc tại các lưu vực sông và đô thị lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý chưa đầy đủ để quản lý chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường nước và thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp với tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.
4. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, Luật BVMT 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 03 loại: (i) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (ii) chất thải thực phẩm; (iii) Chất thải rắn sinh hoạt khác. Bộ TN&MT đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện rất thành công việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác.
5. Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương
Việc thực hiện song song thủ tục cấp giấy phép, giấy xác nhận về môi trường (do cơ quan quản lý nhà nước về BVMT thực hiện) với cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi thực hiện) trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: một đối tượng là nước thải của doanh nghiệp xả thải vào công trình thủy lợi tiếp tục phải thực hiện hai TTHC có nhiều nội dung tương đồng; không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước; phân tán chức năng quản lý nhà nước đối với đối tượng là nước thải xả vào công trình thủy lợi; việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào công trình thủy lợi do các cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi không được kịp thời, thường xuyên, hiệu quả (do pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi không có chế tài xử lý hành vi này).
Để khắc phục vấn đề này, Luật BVMT 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong GPMT nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm TTHC mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Song song với chế định này, Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn ĐTM cho đến khi cấp GPMT đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan.
6. Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp
- Tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT, Luật BVMT 2020 đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán.
Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.
- Luật cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
7. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó BĐKH, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước
- Chương IV Luật BVMT 2014 đã quy định về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, một số nội dung đang chồng lấn với các điều khoản trong các chương khác của Luật (nghiên cứu khoa học, quản lý chất thải, …), chưa cụ thể nội dung thích ứng BĐKH, do vậy, Luật BVMT 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn.
- Đặc biệt, Luật đã lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH. Trong đó, quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên trong trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
8. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế
Theo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước di sản thế giới), di sản thế giới được chia làm 02 loại bao gồm: di sản thiên nhiên và di sản văn hóa có các đặc điểm, tiêu chí hoàn toàn khác nhau (tiêu chí của di sản thiên nhiên gắn với các yếu tố của tự nhiên, trong đó tiêu chí của di sản văn hóa gắn với yếu tố con người). Việt Nam đã tham gia Công ước này từ năm 1987, tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quản lý di sản thiên nhiên chưa nội luật hóa đầy đủ và tương thích với nội dung của Công ước. Các quy định về đối tượng là di sản thiên nhiên của Việt Nam đang được quy định tản mạn trong một số pháp luật chuyên ngành như Luật Đa dạng sinh học (khu bảo tồn đất ngập nước), Luật Lâm nghiệp (khu bảo tồn là rừng đặc dụng), Luật Thủy sản (khu bảo tồn biển), thậm chí còn được quy định trong pháp luật về di sản văn hóa (Luật Di sản văn hóa quy định di sản văn hóa còn bao gồm cả danh lam thắng cảnh là một đối tượng của di sản thiên nhiên), do đó, chưa bao quát được toàn bộ các đối tượng là di sản thiên nhiên cần bảo vệ (như công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar –khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, vườn di sản ASEAN), đồng thời thiếu quy định về việc xác lập cũng như chế độ quản lý các di sản thiên nhiên cấp quốc tế này. Điều này tạo ra rào cản trong quá trình hội nhập và thực hiện Công ước di sản thế giới mà Việt Nam đã tham gia cũng như phát sinh nhiều vấn đề chưa được xử lý trong thực tiễn quản lý hiện nay.
9. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên
Phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải các-bon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển. Các mô hình này tập trung vào việc đầu tư sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và chất thải, thân thiện với môi trường; đầu tư vào vốn tự nhiên.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,371
  • Hôm nay20,702
  • Tháng hiện tại19,197,208
  • Tổng lượt truy cập479,089,895
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây