Kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước sau ngày tái lập tỉnh

Thứ hai - 21/08/2023 21:03
Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể trên các mặt sau:
1. Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao
Tỉnh ủy, ĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo cơ sở cho văn hóa phát triển, xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình... tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa . Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tạo điều kiện phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và người dân trong tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, bố trí cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ được quan tâm. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa đã được triển khai thực hiện . Nguồn vốn của nhà nước được sử dụng có hiệu quả, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, từng bước phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Các hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tạo thêm không gian, điều kiện, nguồn lực, nhân lực để phát triển văn hóa. Việc sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp có những chuyển biến. Việc đầu tư nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người Bình Phước có nhiều tiến bộ. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò các ngành công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Một số tổ chức, cá nhân bước đầu đã mạnh dạn đầu tư vào một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.
2. Bước đầu hình thành các đặc tính con người Bình Phước “yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo; thanh niên xung kích, lập thân, lập nghiệp; toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; xây dựng hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Phong trào thanh niên ứng xử văn minh, lịch sự, phong trào nhân đạo từ thiện; phong trào “nghĩa tình đồng đội”… mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với nêu gương của cán bộ, đảng viên đã tạo sức lan tỏa tích cực thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, đã trở thành các hoạt động thường xuyên ở cộng đồng khu dân cư. Những đặc tính cơ bản “yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” của con người Bình Phước ngày càng được khẳng định và phát huy trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương. Nhận thức về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, trình độ hiểu biết xã hội của người dân được nâng cao; ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của công dân đối với đất nước, với cộng đồng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa bàn được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Qua đó đã góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức con người Bình Phước trong giai đoạn mới.
3. Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” trên địa bàn tỉnh được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh đã mang lại những hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội. Sự liên kết, phối hợp giữa ba yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ tiếp tục được phát huy. Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng, tổ chức, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư được quan tâm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị được quan tâm, đẩy mạnh và đạt kết quả thiết thực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tổ chức quán triệt và thực hiện. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tổ chức đám cưới được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, quy mô phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương; việc tang được tổ chức ngày càng khoa học, tiến bộ, lược bỏ được nhiều hủ tục và lễ nghi rườm rà, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm được thuần phong mỹ tục và đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. uy động các nguồn lực, đề cao tính tích cực của xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tri ân gia đình chính sách, chia sẻ với các đối tượng xã hội gặp khó khăn có bước chuyển tích cực. Xuất hiện một số phong trào, mô hình văn hóa tiêu biểu tại cơ sở.
Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được quản lý tốt hơn, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng. Qua hơn 25 năm, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống. Bước đầu gắn kết hiệu quả giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Công tác sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số được tiến hành đồng bộ và kịp thời, nhờ đó các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể được bảo tồn, lưu giữ và phát huy. Các lễ hội truyền thống trong đồng bào dân tộc được phục dựng thường xuyên, liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức 2 năm/lần từ huyện đến tỉnh; việc tổ chức các lớp truyền dạy và thực hành các nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được duy trì. Nền văn học, nghệ thuật của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang tính chuyên nghiệp hơn; hoạt động phổ biến, sáng tác, quảng bá, biểu diễn tác phẩm văn học, nghệ thuật khá có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tham gia; đội ngũ văn nghệ sĩ từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp. Hệ thống thông tin đại chúng đã đáp ứng được yêu cầu thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, phê phán các hiện tượng tiêu cực. Giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển. Phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Việc quản lý các loại hình thông tin trên internet, mạng xã hội, truyền thông số có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng văn hóa và con người Bình Phước trước yêu cầu mới. Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, thuần túy tôn giáo góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa bàn trong tỉnh. Tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống no ấm, quê hương giàu đẹp, văn minh được đồng bào theo đạo hưởng ứng tích cực. Đã có rất nhiều công trình tôn giáo được đầu tư tôn tạo như chùa, nhà thờ, nhà nguyện… được nhà nước cho phép xây dựng, nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng trở thành di tích kiến trúc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Việc giáo dục - đào tạo và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc... được quan tâm. Công tác quản lý sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học với các đề tài được thực hiện mang đậm nét văn hóa tỉnh nhà.
4. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng; tiếp tục xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Chuẩn mực văn hóa chính trị từng bước được hình thành.
5. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động
Xây dựng văn hóa trong kinh tế, trong đó quan trọng nhất là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh đã đạt được một số kết quả bước đầu. Triển khai thực hiện tốt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó một số ngành bước đầu đã hình thành như: Nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, trò chơi giải trí, du lịch văn hóa... nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng và các giá trị đặc sắc của văn hóa tỉnh nhà.
6. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Bình Phước tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi tỉnh gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay
Những đặc tính “yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”của con người Bình Phước đã được hun đúc, đắp bồi qua nhiều thế hệ. Ở giai đoạn nào cũng có những biểu hiện cụ thể, thắm thiết tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” thời gian qua, truyền thống “yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” được nhân lên, góp phần đưa đất nước, tỉnh nhà từng bước vượt qua đại dịch. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về phòng, chống đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã huy động được sự quyên góp, ủng hộ của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra cuối năm 2019 và bùng phát gây hậu quả nặng nề, đã có hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân vùng dịch20. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, sự tập hợp lực lượng của Mặt trận Tổ quốc các cấp, cả hệ thống chính trị, các lực lượng, tiêu biểu là các ngành: Y tế, quân đội, công an, công đoàn, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, nông dân, báo chí, văn hóa, văn nghệ… đã hăng hái đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn kịp thời đổi mới hình thức và phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện phòng chống dịch, đã phục vụ kịp thời cho nhân dân . Đồng thời, để động viên, khích lệ, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đã có hàng trăm tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn từ các doanh nghiệp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các doanh nhân và nhà hảo tâm.
7. Mở rộng hợp tác giao lưu trong nước và quốc tế về văn hóa
Các chính sách thu hút đầu tư, các hoạt động đối ngoại, giao lưu, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội được đặc biệt quan tâm. Bình Phước đã tổ chức thành công nhiều diễn đàn hợp tác đầu tư. Cùng với các hoạt động đối ngoại, hoạt động văn hóa đối ngoại, giao lưu văn hóa với các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực được quan tâm thông qua các chuyến thăm hữu nghị, các hoạt động giao lưu nghệ thuật văn hóa, thể thao, du lịch… Đặc biệt, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Bình Phước và các tỉnh có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia đã diễn ra sôi nổi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có rất nhiều đoàn cán bộ cấp cao, đoàn nghệ thuật tỉnh Bình Phước và các tỉnh của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ… sang giao lưu, hợp tác với nhau. Thông qua các cuộc giao lưu đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các vùng miền, khu vực và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương lên tầm cao mới và góp phần quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người và văn hóa Bình Phước với bạn bè quốc tế, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các tỉnh, các nước trong khu vực.
8. Đầu tư các nguồn lực và xây dựng thể chế, thiết chế văn hóa
- Việc xây dựng thể chế văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chính sách về quan hệ giữa kinh tế và văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa được chú trọng, các thủ tục hành chính ngày càng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân tham gia, tổ chức, hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa… Tỉnh đã phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về văn hóa cho các cấp, các ngành chức năng, có chế độ kiểm tra, giám sát cụ thể.
- Các thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
- Ngân sách nhà nước đầu tư cho sự nghiệp văn hóa được quan tâm.

Tác giả: Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,435
  • Hôm nay189,411
  • Tháng hiện tại6,902,275
  • Tổng lượt truy cập490,765,713
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây