Sáng 11/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Cùng dự hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, các chuyên gia, nhà khoa học dự và tham luận tại hội nghị: GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương; GS.TS. Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương; PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Hội nghị đã nghe trình bày 10 tham luận đề cập tới các nội dung: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong bối cảnh hiện nay; Xây dựng và phát triển con người Bình Phước thông qua các phong trào yêu nước, các cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Khai thác nguồn lực văn hóa Bình Phước trong sự nghiệp phát triển bền vững...
Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã thông báo cáo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước từ năm 1997 đến 2023. Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt được những kết quả tích cực, quan trọng cả về quản lý nhà nước, phát huy và giữ gìn những giá trị lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, thể chế, thiết chế văn hóa; hình thành các đặc tính con người Bình Phước “Yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh thông qua báo cáo tại hội nghị
Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực, lan tỏa rộng khắp các phong trào như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo; thanh niên xung kích, lập thân, lập nghiệp; toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; xây dựng hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Phong trào thanh niên ứng xử văn minh, lịch sự, phong trào nhân đạo từ thiện; phong trào “nghĩa tình đồng đội”… mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với nêu gương của cán bộ, đảng viên đã tạo sức lan tỏa tích cực thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, đã trở thành các hoạt động thường xuyên ở cộng đồng khu dân cư. Nhận thức về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, trình độ hiểu biết xã hội của người dân được nâng cao; ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của công dân đối với đất nước, với cộng đồng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa bàn được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Qua đó đã góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức con người Bình Phước trong giai đoạn mới.
Đến năm 2022, toàn tỉnh có 66/86 “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 19/25 “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. 230.968 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 95,93%), 823/843 được công nhận “khu phố, thôn, ấp văn hóa” (đạt 97,62%)... Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh vận động, hỗ trợ xây dựng và bàn giao được 12.811 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo; 1.062 căn nhà, sửa chữa và nâng cấp 593 căn nhà tình thương và xây dựng 43 công trình dân sinh thuộc Chương trình 167... Toàn tỉnh đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phục dựng được 8 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao, biểu dương lãnh đạo, chính quyền tỉnh Bình Phước, ngành văn hóa, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh đã quan tâm và thực hiện tốt công tác văn hóa, tạo nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả; chủ động tổ chức hội nghị văn hóa cấp tỉnh đầu tiên ở miền Nam kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị
Để phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, phát huy những bản sắc văn hóa trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu tỉnh Bình Phước tiếp tục đổi mới nhận thức, xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân; có nhiều giải pháp, hình thức sáng tạo, phong phú trong xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa; đẩy mạnh công tác bảo tồn, đầu tư thích đáng cho việc tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế…