Để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, nhất là trong dịp hè năm 2024, ngày 20/6/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1547/SLĐTBXH-QLLVXH về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo đó, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:
1. Tăng cường chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại các văn bản như Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 25/3/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực xâm hại trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Công văn số 2537/UBNDKGVX ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai Công điện số 03/CĐLĐTBXH ngày 17/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Công văn số 2696/UBND-KGVX ngày 25/9/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các văn bản khác có liên quan.
2. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao năng lực về trách nhiệm của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình về công tác phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt trang bị cho các em các kỹ năng phòng ngừa xâm hại, bảo vệ bản thân các em,.. góp phần hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các em có môi trường sống và học tập an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cho trẻ em.
3. Tăng cường phối hợp các ngành, các cấp tổ chức tổ chức thực hiện công tác phòng chống xâm hại, bạo lực cho học sinh các cấp. Phối hợp chặt chẽ, gắn kết giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, nhất là công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong công tác phối hợp, điều tra, truy tố, xét xử nhất là đối với các vụ án xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa xã hội.
4. Đẩy mạng công tác vận động nguồn lực, bố trí kinh phí hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các văn bản có liên quan.
5. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền, đoàn thể các cấp và đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em về công tác phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng,..
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thường xuyên, kịp thời báo cáo kết quả công tác phòng, chống, xử lý, can thiệp, hỗ trợ các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em theo thẩm quyền, trên địa bàn theo quy định./.