Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen”
Nguyễn Thanh
2019-10-17T09:25:56+07:00
2019-10-17T09:25:56+07:00
https://binhphuoc.gov.vn/vi/stp/tuyen-truyen-pho-bien/phuong-thuc-thu-doan-hoat-dong-cua-toi-pham-lien-quan-den-hoat-dong-cho-vay-nang-lai-siet-no-doi-no-thue-tin-dung-den-103.html
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/stp/2019_03/vaynanglai.jpg
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 06/03/2019 15:54
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen” trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng có những diễn biến rất phức tạp
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen” trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng có những diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT (Theo thống kê trong 4 năm từ 2015 - 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có nhiều vụ dẫn đến hậu quả chết người và gây thương tích; trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra một số vụ việc gây thương tích liên quan đến hoạt động này), gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Nguyên nhân làm phát sinh tội phạm là do nhu cầu vay tín dụng của người dân là có thật và rất lớn, chỉ cần chứng minh thư nhân dân (hoặc căn cước công dân) và sổ hộ khẩu; ngoài ra còn một bộ phận người dân, nhất là thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cá độ cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi không chính đáng của bản thân, khi cần lên thì bất kể một lãi suất nào họ cũng vay; mặt khác một bộ phận người dân hám lợi nhuận có tiền dư dật không gửi ngân hàng mà đem cho các đối tượng vay với lãi suất cao;…
Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi “tín dụng đen" đã lợi dụng danh nghĩa các cơ sở kinh doanh dịch vụ (công ty đòi nợ thuê, công ty mua bán nợ, công ty tài chính,…); các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới các hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư, đầu tư trái phiếu với lãi suất cao…; các cá nhân cho vay tài chính bất hợp pháp như cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, “vay nóng” tiêu dùng…; các cơ sở, cá nhân huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp….để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức như: Phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, cột điện, tường rào, nơi có nhiều người qua lại hoặc quảng cáo qua mạng xã hội như zalo, febook, cấu kết thành lập những nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở tất cả các huyện, thành phố.
Tờ rơi, quảng cáo ghi các thông tin cho vay tiền. Ảnh: ST
Thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi là in tờ rơi, quảng cáo ghi các thông tin cho vay tiền nhanh gọn, không cần thế chấp, phát hoặc dán tại các địa điểm công cộng như tường rào, trụ điện... Khi đến vay tiền, người dân chỉ cần đưa bản photo chứng minh nhân dân, hộ khấu, giấy phép lái xe... Sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất mà pháp luật quy định. Hợp đồng này có chữ ký của người vay tiền nhưng nhóm các đối tượng cho vay sẽ giữ hợp đồng mà không đưa cho người vay….Ngoài ra, một số trường hợp cần tiền kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, thua tiền đánh bạc... sẵn sàng "vay nóng" hoặc mượn tiền trả góp theo ngày (với lãi suất 15-30%/tháng). Nếu không trả đủ lãi, họ sẽ cộng số lãi này vào tiền gốc. Cứ như vậy, số tiền nợ càng nhiều, đến khi người vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng cho vay tiền sẽ đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ.
Hậu quả của hoạt động “tín dụng đen" là hết sức nặng nề:
- Đối với người cho vay, do hám lợi nên cho các đối tượng vay với lãi suất cao sẽ dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Đối với người đi vay, khi không có khả năng chi trả sẽ bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, cưỡng đoạt tài sản khiến người vay nợ khiếp sợ, không dám tố cáo hoặc khong dám hợp tác với cơ quan công an để điều tra.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, vô hiệu hóa và xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, người dân cần hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen" và hậu quả của nó gây ra cho bản thân, gia đình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, không tiếp tay hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động; người dân tích cực tham gia tố giác, hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen"; Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động “tín dụng đen" đòi nợ, siết nợ thuê.
Đối với các cơ sở lưu trú, nhà trọ, nhà dân cần cảnh giác không cho các đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen" thuê nhà để làm cơ sở hoạt động.
Người dân tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen". Đối với những người đang tham gia vào hoạt động “tín dụng đen" bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản cần đến ngay Cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gọi điện theo đường dây nóng của lực lượng Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn biện pháp xử lý./.