Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 13 năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lý lịch tư pháp cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt là trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tại một số địa phương trong một số thời điểm có tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây ùn ứ, ách tắc trong việc tiếp nhận hồ sơ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua hình thức trực tuyến chưa được thực hiện hiệu quả, đa số trường hợp người dân vẫn phải đến trực tiếp hoặc thực hiện qua dịch vụ bưu chính, …
Thực tiễn triển khai Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, công tác xác minh thông tin lý lịch tư pháp trước ngày 01/7/2010 tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án… thường gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2021 đến năm 2023, cả nước cấp hơn 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó tỷ lệ trễ hạn khoảng 2,1% (tương đương khoảng 54.000 trường hợp). Trong đó, khoảng hơn 90% trường hợp trễ hạn do chậm nhận được đầy đủ thông tin lý lịch tư pháp hoặc một số cơ quan không trả lời đề nghị tra cứu xác minh của cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Nguyên nhân chủ yếu là các thông tin này đã quá lâu, nhiều địa phương thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, chuyển trụ sở nên nhiều cơ quan, đơn vị không lưu trữ được đầy đủ các thông tin này.
Thực tế này gây nên nhiều khó khăn, vướng mắc cho các Sở Tư pháp, dẫn đến tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, có trường hợp kéo dài hằng tháng, gây bức xúc cho người dân.
Ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất
Theo thống kê, hiện nay thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước.
Từ năm 2021 đến năm 2023, thành phố Hà Nội cấp khoảng 240.300 Phiếu lý lịch tư pháp, Thành phố Hồ Chí Minh cấp khoảng 308.000 Phiếu lý lịch tư pháp, tỉnh Nghệ An cấp khoảng 185.000 Phiếu lý lịch tư pháp, chiếm khoảng 28% tổng số Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trên toàn quốc.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác lý lịch tư pháp tại các địa phương này.
Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây bức xúc trong dư luận. Tỷ lệ trễ hạn của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 02%, tỉnh Nghệ An khoảng 07%.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: Tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số,... trong đó việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp là một giải pháp cần thiết, phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, trước tình hình các cơ quan chậm phối hợp cung cấp thông tin thì cần thiết có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Phòng Tư pháp trong trường hợp quá thời hạn tra cứu, xác minh nhưng không có đủ thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nhằm giảm tối đa tình trạng trễ hạn cấp Phiếu đối với các trường hợp này.
Theo Bộ Tư pháp, việc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cần thiết.
Thực hiện thí điểm trong 02 năm
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất quy định Phòng Tư pháp thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, trước khi xuất cảnh có thời gian thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm.
Phòng Tư pháp thực hiện thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Bộ Tư pháp đề xuất việc thí điểm thực hiện từ ngày 01/01/2025 và được thực hiện trong thời hạn 02 năm.
Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thi-diem-phan-cap-viec-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-tai-3-dia-phuong-119240326171300632.htm