Một số điểm mới của Nghị định 30/2023/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm

Thứ sáu - 09/06/2023 10:19
Ngày 08/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Với nhiều điểm mới cụ thể như sau:
1. Sửa đổi một số khái niệm về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP đã sửa đổi một số khái niệm tại Điều 3 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:
- Kiểm định xe cơ giới (sau đây gọi tắt là kiểm định) là việc kiểm tra lần đầu và định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
- Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận kiểm định) là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới đã được kiểm định và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi tắt là đơn vị đăng kiểm) là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới.
- Đăng kiểm viên là người được tập huấn, cấp chứng chỉ đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công đoạn kiểm tra phương tiện và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra do mình thực hiện. Đăng kiểm viên gồm hai hạng: Đăng kiểm viên xe cơ giới và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
- Nhân viên nghiệp vụ là người thực hiện công việc nhận, trả, lưu trữ hồ sơ, nhập dữ liệu, tra cứu, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xe cơ giới vào kiểm định, in kết quả kiểm định và thực hiện các nghiệp vụ văn phòng khác theo sự phân công của đơn vị đăng kiểm.
- Phụ trách bộ phận kiểm định là đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định tại dây chuyền được giao phụ trách.
- Tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật.
2. Sửa đổi tên gọi của giấy chứng nhận đăng kiểm viên
Cụ thể khoản 2 Điều 2 Nghị định 30/2023/NĐ-CP đã thay thế cụm từ “giấy chứng nhận đăng kiểm viên” bằng cụm từ “chứng chỉ đăng kiểm viên” tại tên điều khoản 1, tên điều khoản 2 Điều 14; khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, khoản 3, tên điều Điều 15; khoản 2 và tên điều Điều 16; khoản 2 và tên điều Điều 18 của Nghị định 139/2018/NĐ-CP và các phụ lục kèm theo; các Phụ lục III, IV và V ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
3. Không giới hạn số lượng xe đăng kiểm mỗi ngày của đơn vị đăng kiểm
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 30/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 26 Nghị định 139/2018/NĐ-CP về số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm.
Trước đây, Điều 26 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 08 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định như sau:
- Trường hợp một đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên.
- Không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II. Trường hợp dây chuyền kiểm định loại II chỉ sử dụng để kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg thì số lượng xe kiểm định được áp dụng như đối với dây chuyền loại I.
Như vậy, hiện nay không giới hạn số lượng xe đăng kiểm mỗi ngày của đơn vị đăng kiểm.
4. Thay thế, bổ sung nhiều biểu mẫu về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm
- Thay thế Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP tương ứng bằng Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 30/2023/NĐ-CP.

5. Sửa đổi nguyên tắc đăng kiểm xe ô tô

- Chỉ tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới.
- Hoạt động kiểm định phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
- Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại.
- Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; bảo đảm an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

6. Sửa đổi điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm

* Khoản 4 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi điều kiện chung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm tại Điều 5 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:
Tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ Giao thông vận tải ban hành được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
* Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi tên Điều 6 Nghị định 139/2018/NĐ-CP thành: “Điều kiện về cơ sở vật chất”.
* Khoản 6 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực tại Điều 7 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:
- Cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận sau:
+ Bộ phận lãnh đạo: Gồm Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc phụ trách đơn vị đăng kiểm để tổ chức quản lý, điều hành đơn vị đăng kiểm; trong đó có tối thiểu 01 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định được quy định tại Điều 24 Nghị định 139/2018/NĐ-CP;
+ Bộ phận kiểm định: Gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện;
+ Bộ phận văn phòng: Gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.
- Nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm:
+ Có tối thiểu 01 lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 139/2018/NĐ-CP;
+ Có tối thiểu 01 phụ trách bộ phận kiểm định;
+ Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 02 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Các nhân sự quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tham gia kiểm định tại các dây chuyền kiểm định và được tính là đăng kiểm viên trên dây chuyền kiểm định;
+ Có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 139/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 30/2023/NĐ-CP).

7. Sửa đổi thời hạn, trường hợp tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ đăng kiểm

- Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ 01 tháng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:
+ Không bảo đảm một trong các điều kiện, yêu cầu, quy định tại Nghị định này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm;
+ Có 02 lượt đăng kiểm viên bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong thời gian 12 tháng liên tục;
+ Phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp nội dung chứng chỉ đăng kiểm viên.
- Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ 03 tháng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:
+ Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
+ Có từ 03 lượt đăng kiểm viên trở lên bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2019/NĐ-CP hoặc từ 02 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục, trừ trường hợp bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Nghị định 139/2018/NĐ-CP;
+ Đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật;
+ Tiếp tục vi phạm một trong các trường hợp vi phạm tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 139/2018/NĐ-CP trong thời gian 12 tháng liên tục.

8. Sửa đổi điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên xe cơ giới

Khoản 13 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên xe cơ giới tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:
- Trình độ chuyên môn:
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung sau: Lý thuyết ô tô, Cấu tạo ô tô, Kết cấu tính toán ô tô, Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. Trường hợp không đầy đủ các nội dung trên, có thể được đào tạo bổ sung tại các cơ sở giáo dục đại học;
- Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định.
Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 tháng đến 24 tháng thì thời gian thực tập là 06 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 03 tháng (Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô căn cứ hợp đồng làm việc với học viên và hồ sơ bảo hiểm xã hội để xác nhận và chịu trách nhiệm về thời gian làm việc của học viên tại cơ sở).
- Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Kết quả đánh giá được thể hiện trên Biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP;
- Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.

9. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên

Khoản 16 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên tại Điều 18 Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Đăng kiểm viên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong các trường hợp sau:
- Làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định đến mức gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện.
- Làm giả các hồ sơ để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.
- Đã bị xử lý vi phạm 02 lần trong thời gian 12 tháng liên tục đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
- Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Không trực tiếp thực hiện công tác kiểm định hoặc hướng dẫn, đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên từ đủ 12 tháng liên tục trở lên.
- Cùng một thời điểm làm việc tại hai đơn vị đăng kiểm trở lên.
- Đưa ra các yêu cầu không có trong quy định của Bộ Giao thông vận tải về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

10. Sửa đổi điều kiện nhân viên nghiệm vụ kiểm định

Khoản 18 Điều 1 Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi điều kiện nhân viên nghiệp vụ kiểm định tại Điều 20 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:
- Trình độ chuyên môn tối thiểu tốt nghiệp trung cấp.
- Được tập huấn nghiệp vụ kiểm định theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
 

Tác giả: Nguyễn Xuân - TH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây