sct

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC SAU 25 NĂM TỪ GÓC NHÌN ĐỐI NGOẠI

Thứ ba - 20/12/2022 14:39
Con đường phát triển của tỉnh Bình Phước sau 25 năm từ góc nhìn đối ngoại
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng miền Đông Nam Bộ, được tại lập vào năm 1997, là năm xảy ra rất nhiều sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của nhân dân cả nước (bão số 5, khủng hoảng kinh tế...). Do được tách từ vùng phía Bắc của tỉnh Sông Bé cũ, gồm những huyện nghèo, thuần nông, phát triển kém lại còn có đường biên giới dài, giáp với 03 tỉnh cũng chưa phát triển của Campuchia. Vì vậy, mục tiêu phát triển, vươn lên không chỉ là gánh nặng mà còn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của toàn Đảng, toàn quân, toàn tỉnh nhà.
Khi đó, tôi còn là anh nhân viên văn thư của văn phòng Huyện ủy Đồng Phú, thông tin thời đó không nhiều, lại là nhân viên nên cũng không quan tâm lắm đến sự kiện tái lập tỉnh, cũng không hiểu tách ra để làm gì. Đến lúc khi nghe thấy người người bàn tán, trung tâm tỉnh đặt ở đâu, đất chỗ nào lên giá và nhiều người đi mua đất thì mới biết sự kiện tái lập tỉnh đã bắt đầu có ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhưng dẫu sao, tỉnh cũng là tỉnh nghèo, còn lâu mới phát triển! (Ấy là tôi khi còn trẻ, ếch ngồi đáy giếng).
          Thật sự nhìn lại 25 năm con đường phát triển của tỉnh có khá nhiều gian nan, vất vả. Như đã nói ở trên, là tỉnh mới, nghèo, kém phát triển nên ngay từ đầu, sau khi tạm ổn định bộ máy tổ chức, lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự quyết tâm cao để đưa tỉnh thoát nghèo. Bài toán thật sự khó, vì thời điểm đó, thu ngân sách của tỉnh chưa đạt tới con số 200 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người chỉ có 2,6 triệu, xếp hạng thấp nhất cả nước, đường xá chỉ có vài con đường lộ nhưng mà cũng ổ gà, ổ voi. Tóm lại gì cũng kém!
          Trong cái khó mới thấy sự quyết tâm vươn lên của tỉnh là đáng tự hào. Còn nhớ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 1997- 2000), có thể nói đây là kỳ Đại hội đầu tiên có tính bước ngoặt đối với tỉnh Bình Phước. Từ đây sẽ đặt ra nền móng, định hình sự phát triển toàn diện của tỉnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng...Đặc biệt, là ngay thời kỳ ấy, còn bao việc phải lo, song, công tác đối ngoại đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh thời đó đặt tiền đề “thực hiện tốt công tác đối ngoại, xây dựng và bảo vệ an toàn tuyến biên giới hòa bình hữu nghị.”
          Có thể thấy, trong bộn bề khó khăn, nhưng công tác đối ngoại đã được đặt nhiệm vụ rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng, đó là sự ổn định, sự hòa bình, hữu nghị để đảm bảo cho mọi thứ được vận hành êm xuôi, thuận lợi.
          Như chúng ta đã biết, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế của đất nước. Vai trò và hiệu quả của công tác đối ngoại không phải là cái có thể thấy được ngay lập tức, mà có khi phải 05 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm mới thấy được kết quả mà nó mang lại.
          Đến kỳ Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2001- 2005) ta lại thấy tư duy đối ngoại của tỉnh đã vươn lên một bước mới, đó là “phát huy nội lực của địa phương, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài” mà nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đều có sự góp mặt của công tác đối ngoại trong từng chỉ tiêu phát triển của tỉnh, như: định hình, thu hút vốn đầu tư các khu công nghiệp Nam Chơn Thành, Nam Đồng Phú; quy hoạch, bố trí dân cư ở các xã biên giới; thực hiện “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” giữa các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài; thu hút vốn đầu tư công nghệ; xuất khẩu hàng hóa...
          Kết quả của hoạt động đối ngoại thời kỳ này có thể thấy được qua sự phát triển vượt bậc của tỉnh như: thu ngân sách liên tục vượt kế hoạch, riêng năm 2005 tỉnh đã đạt được 850 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức 322 USD/ năm; có 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 23,12 triệu USD...
          Cũng trong năm 2005, trên cơ sở tổng kết nhiệm kỳ VII, với những kết quả khả quan, cùng với sự đóng góp của hoạt động đối ngoại, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005- 2010) tiếp tục đặt ra cho ngành đối ngoại địa phương những nhiệm vụ mới, rất quan trọng để nâng cao hơn nữa hình ảnh về con người, mảnh đất Bình Phước trong quan hệ với bạn bè quốc tế; tăng cường công tác đối ngoại với các tỉnh bạn; mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư...
          Theo đó, qua từng kỳ Đại hội, công tác đối ngoại tỉnh càng ngày càng phát triển sâu rộng hơn, bao quát ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hơn. Tại Đại hội Đảng bộ tình lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025), nhiệm vụ của ngành đối ngoại tỉnh được đặt ra trong bối cảnh mới và được xác định là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Bình Phước. Đặc biệt là sự lồng ghép trong các giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội như: tăng cường xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao...
          Để thực hiện những nội dung quan trọng đó, Nghị quyết cũng đã chỉ ra cần phải duy trì thường xuyên các hoạt động phối hợp, giao lưu, hợp tác, kết nghĩa, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả 03 kênh: Đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền, ngoại giao nhân dân.

                           Giao lưu hữu nghị Nhân dân Việt Nam – Campuchia lần thứ V tại Bình Phước
          Nhìn lại, sau 25 năm tái lập và phát triển, diện mạo, điều kiện, toàn cảnh của tỉnh Bình Phước đã đổi thay một cách nhanh chóng, toàn diện và mạnh mẽ. Từ một tỉnh thuần nông thì đến nay ngành công nghiệp- xây dựng và dịch vụ đã chiếm gần 80% trong cơ cấu kinh tế; thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 16.000 tỷ (góp khoảng 80 lần năm 1997); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, gấp hơn 26 lần so với năm 1997; hộ sử dụng điện đạt 99%; trên 500 tuyến đường được bê tông, nhựa hóa; cuộc sống người dân sung túc, đầy đủ; hoàn thành sớm nhất việc phân giới cắm mốc với Campuchia...

                                Ngày hội Yoga và Giao lưu văn hóa Ấn Độ tại tỉnh Bình Phước
          Trong đối ngoại, tỉnh Bình Phước gần như đi từ con số không, đến nay đã mở rộng giao lưu, kết nghĩa, kết nối làm ăn với rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Đức, Mỹ, Pháp... Đặc biệt là đã ký kết rất nhiều nội dung để hỗ trợ cùng nhau phát triển với 06 tỉnh của Campuchia, 01 tỉnh của Lào, 01 tỉnh của Hàn Quốc, 01 tỉnh của Hà Lan...Những việc làm cụ thể đó đã đem về cho tỉnh trên 350 dự án FDI với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD.

                                 Đoàn Công tác tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản

                                     Tiếp và làm việc với Văn phòng đại diện tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc

                               Đoàn Công tác tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Rayong, Thái Lan
          Có thể nói, trong chặng đường 25 năm qua, những thành quả về sự phát triển của tỉnh, ngoài đường lối, chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh thì công tác đối ngoại cũng có phần không nhỏ trong tiến trình ấy. Tôi tin rằng, những giai đoạn tiếp theo, bằng những lợi thế cũng như sự mưu cầu phát triển, ngành đối ngoại của Bình Phước cũng dần sẽ trở thành một trong những trụ cột góp phần xây dựng quê hương Bình Phước giàu đẹp, an bình, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Công tác đối ngoại toàn quốc năm 2021 “Đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc”./.
 

Nguồn tin: Quốc Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,508
  • Hôm nay34,076
  • Tháng hiện tại7,168,851
  • Tổng lượt truy cập452,563,973
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây