Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tôn Ngọc Hạnh phát biểu ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể vào từng điều, khoản của dự thảo luật. Đối với dự thảo Luật quản lý ngoại thương, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật sao cho phù hợp, có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; rà soát kĩ nội dung của dự thảo luật này để tránh có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.
Một số ý kiến khác đề nghị trong dự thảo Luật quản lý ngoại thương cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; giao cho Bộ Công thương quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại dự thảo luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, tính minh bạch, ổn định, dễ áp dụng… Mặt khác, dự thảo luật này cần nêu rõ những công cụ quản lý hành chính, chính sách đặc thù của nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương; các biện pháp phòng vệ thương mại, vai trò của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong quản lý ngoại thương.
Về dự thảo Luật đấu giá tài sản, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến góp ý như: Cần mở rộng đối tượng không được cấp giấy chứng nhận đấu giá; cần thể hiện rõ hình thức đấu giá trực tuyến; quy định số lượng người tham gia đấu giá; quy định rõ quyền lợi của người trúng thầu; việc bán đấu giá đối với tài sản của thi hành án dân sự cần quy định một chương riêng để đảm bảo sự thống nhất trong giải quyết bản án; mỗi cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tôn Ngọc Hạnh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, mong muốn các đại biểu tiếp tục có những ý kiến góp ý bằng văn bản gửi cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để xem xét, tổng hợp./.
Nhật Chiêu