ĐBQH tỉnh chất vấn về chính sách, giải pháp cho sinh viên, nghiên cứu sinh người DTTS

Thứ tư - 16/11/2016 17:32 1029

ĐBQH tỉnh chất vấn về chính sách, giải pháp cho sinh viên, nghiên cứu sinh người DTTS

(CTTĐTBP) - Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn người đứng đầu ngành GD&ĐT về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, nhất là đối với sinh viên, nghiên cứu sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cử tri và nhân dân thì ngành vẫn bộc lộ nhiều tồn tại. Bộ trưởng mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để cùng trao đổi, phân tích nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, xây dựng ngành GD&ĐT nước nhà phát triển.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.
 
Đào tạo sau đại học còn nhiều bất cập
 
Là đại biểu thứ hai chất vấn “tư lệnh” ngành GD&ĐT, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đặt vấn đề: Với thực trạng và yêu cầu thực tiễn thì việc đào tạo sau đại học ở nước ta trong những năm gần đây còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với chất lượng về đào tạo sau đại học, cũng như yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
  
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đã nêu ra một thực tế là đội ngũ trí thức người DTTS trong cơ cấu trí thức ngày càng đông đảo với nhiều thành phần. Chỉ riêng năm 2016, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã phong tặng 6 phó giáo sư là người DTTS. Dù vậy, chính sách cho đội ngũ này đang còn hạn chế, nhất là đối với các trường hợp không thuộc diện cử tuyển. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS nói riêng?”.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chương trình, nội dung đến điều kiện vật chất, giáo viên, tài chính trong nội bộ trường đại học. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác về môi trường kinh tế, xã hội. Dù chất lượng đào tạo của chúng ta đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Do đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành các quy chế, quy định, quy chuẩn đảm bảo chất lượng nhân lực đầu ra.
 
Trên thực tế, hệ thống quản lý chất lượng bằng văn bản còn thiếu và chưa đồng bộ; trách nhiệm trong khâu giám sát, chế tài còn hạn chế. Về đào tạo cho học sinh, sinh viên là người DTTS, dư luận có hai luồng ý kiến: Một là, các em vào rồi thì ưu tiên, du di để ra trường; hai là, cần thắt chặt, siết chặt đào tạo để các em ra trường đảm bảo có chất lượng. Bộ trưởng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ theo hướng thứ hai và có lộ trình siết chặt chất lượng đào tạo.
 
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
 
Về chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm bồi dưỡng bằng việc xây dựng hệ thống trường bán trú, nội trú. Tuy nhiên, quá trình xét đầu vào, thi tuyển chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả học tập chưa đáp ứng theo yêu cầu. Khi cử tuyển, chúng ta chưa chú trọng đến định hướng nghề nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến yêu cầu, nhu cầu nhân lực của địa phương khi các em tốt nghiệp ra trường. Chúng ta chỉ quan tâm tạo điều kiện cho các em học tốt, gia đình khó khăn thì được ưu tiên cử đi học. Do đó, tới đây ngành sẽ rà soát để công tác cử tuyển gắn với yêu cầu và thực tiễn địa phương.
 
Cần có giải pháp cụ thể trong đào tạo
 
Cơ bản đồng tình một số nội dung trả lời của Bộ trưởng, song đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS có chất lượng cao không thuộc diện cử tuyển, như trường hợp các em tự thi đậu đại học và sau đại học. Vì thực tế việc đãi ngộ, sử dụng nhân tài còn tản mạn, thậm chí lạc hậu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp trong thời gian tới đối với nguồn nhân lực đặc biệt quan trọng này.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc để có chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng trên. Phía Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị các trường miễn học phí cũng như ưu tiên hỗ trợ học bổng cho các em. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Dù tài chính khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên đối với nhóm đối tượng là người DTTS. Vì đây là nguồn nhân lực rất quan trọng, sau này chính các em sẽ quay về phục vụ cho vùng đồng bào DTTS của mình.
 
Trong phiên chất vấn, đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về trách nhiệm và  nguyên nhân của tình trạng nhiều cơ sở giáo dục đại học còn chạy theo số lượng mà chưa chú trọng chất lượng; chương trình đào tạo chưa gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động, dẫn đến cả nước có 191.300 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp, gây lãng phí rất lớn cho xã hội và gia đình. Giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 (Nghị quyết số 29) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế./.
 
Trần Thể

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập749
  • Hôm nay211,197
  • Tháng hiện tại975,151
  • Tổng lượt truy cập407,717,005
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây