“Hạt điều Bà Tư Bình Phước” là thương hiệu sản phẩm của Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo, gắn liền với tên và hình ảnh người mẹ của anh Sơn.
Buôn ba nhiều nơi để học nghề
Vừa cho chúng tôi xem các sản phẩm hạt điều rang muối, anh Sơn vừa hồi ức nhớ lại: “Hồi mới bắt đầu làm kinh doanh, hạt điều rang muối của gia đình chủ yếu làm thủ công (rang bằng chảo), chất lượng hạt rang không ổn định vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố người rang, nhiều khi hàng bị cháy khét. Sản phẩm làm ra phải chở lên tận Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) để bỏ mối lẻ, doanh số bán bấp bênh, chủ yếu lấy công làm lời. Nhiều khi hàng bán không chạy, để tồn kho ra dầu, phải đem đổ xuống suối”. Không chấp nhận kiểu làm ăn nhỏ lẻ mang tính “hên xui”, anh Sơn quyết định lên Bình Dương học nghề rang hạt điều bằng máy công nghiệp, đồng thời tìm hiểu thị trường đầu ra.
Anh Trần Hoàng Sơn giới thiệu các sản phẩm hạt điều rang muối của công ty.
Sau gần một năm ngược xuôi trên đất Bình Dương, anh Sơn đã mày mò nghiên cứu và vẽ thành công mẫu thiết kế máy rang hạt điều từ nguyên lý hoạt động của máy rang lạc. Tiếp đó, anh ngược lên Long Khánh (Đồng Nai) phối hợp với người anh rể làm nghề cơ khí và đã chế tạo thành công máy rang hạt điều có lồng cầu làm bằng sắt. Bao nhiêu nỗ lực tưởng rằng được đền đáp, nào ngờ mẻ rang đầu tiên với gần một tạ hạt điều bị thất bại, vì vỏ bóc không tróc, nhân hạt lại nồng vị chát.
Quyết không lùi bước, anh tiếp tục khăn gói lên đường học “bí quyết” nghề rang hạt điều tại một xưởng chế biến hạt điều thương phẩm có tiếng ở Bình Dương. Nhờ sự kiên trì và lòng nhiệt huyết đam mê với nghề, anh đã được bà chủ xưởng truyền cho bí quyết của nghề rang. Anh Sơn sung sướng nhớ lại: “Trước khi rang, hạt điều phải trải qua công đoạn ngâm nước để vỏ hạt ra hết chất chát; trong khi rang phải pha trộn tỷ lệ nguyên liệu hợp lý “7 phần muối, 3 phần điều” để vỏ hạt bóc tróc và hạn chế bị cháy. Đối với hạt điều Bình Phước, khi rang không cần thêm đường. Nhưng hạt điều ở nước ngoài nhập về, khi rang phải thêm đường để nhân hạt tăng thêm vị ngon, ngọt”.
Chật vật tìm đường xuất khẩu
“Hạt điều Bà Tư Bình Phước” giờ đây không chỉ có mặt ở thị trường nội địa trong nước, mà còn được xuất ngoại sang Trung Quốc, có mặt ở hầu hết các tỉnh: Hồ Nam, Đài Loan, Quảng Tây, Bắc Kinh… với doanh thu mỗi tháng hàng tỷ đồng. Có được kết quả như ngày hôm nay, anh Trần Hoàng Sơn cho biết: “Đó là cả một quá trình ròng rã vật lộn suốt 5 năm, vừa nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm chất lượng vừa phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Việc đưa hàng xuất khẩu ra nước ngoài trong thời gian đầu gặp vô vàn khó khăn, vì không ai chỉ “đường đi nước bước” cho mình cả, phải tự xâm nhập tìm hiểu để mở rộng thị trường”.
Anh Sơn chờ xuất hàng lên container tại cảng Tân Cảng - Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh).
Anh Sơn cho biết: “Vào năm 2012, hạt điều rang muối của công ty được xuất bán cho một chủ buôn người Trung Quốc. Thời gian đầu, hàng bán rất chạy nhưng sau đó thì chững lại, vì ông chủ buôn người Trung Quốc không mua hàng độc quyền ở một công ty, mà còn móc nối mua ở nhiều công ty khác. Không thể phụ thuộc mãi ở mối hàng này, tôi quyết định tự mình tìm hiểu con đường vận chuyển hàng hóa từ những công nhân bốc vác ở cảng, lái xe vận chuyển hàng đường dài đến những thợ buôn, mối lái chợ đen. Cuối cùng, tôi đã tìm ra được cung đường vận chuyển: Hàng được tập kết tại Tân Cảng – Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), sau đó chở ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), rồi mới xuất sang Trung Quốc qua đường sông”.
Sau khi tìm ra cung đường vận chuyển, anh Sơn đã hợp tác với một người bạn đang học ở Nam Ninh, Trung Quốc để tìm hiểu thị trường và mở đại lý phân phối hạt điều rang muối của công ty ngay trên đất bạn. Bằng việc xuất hàng bán trực tiếp không qua công ty trung gian Trung Quốc, mỗi hộp điều xuất sang bên đó bán lời gấp đôi. “Nếu như bán tại nước cho công ty Trung Quốc, mỗi hộp chỉ lời 9.000 - 10.000 đồng, còn xuất bán trực tiếp sang bên đó lời 18.000 - 20.000 đồng/hộp. Không những thế, thương hiệu hạt điều của công ty còn được đảm bảo, vì nếu bán cho các công ty phía Trung Quốc, dễ bị họ tráo đổi nhãn mạc, biến thành sản phẩm của họ”, anh Sơn nói.
|
Thương hiệu mang tên mẹ
Hạt điều rang muối của Công ty cổ phần Gia Bảo chính thức lấy thương hiệu “Hạt điều Bà Tư Bình Phước” từ năm 2012. “Bà Tư” là tên gọi thân mật thường ngày của mẹ anh Sơn. Anh chia sẻ: “Tôi muốn lấy tên mẹ đặt cho thương hiệu sản phẩm của công ty, một phần để đền đáp công ơn dưỡng dục của mẹ, một phần để hoàn thành tâm nguyện của ông ngoại: “Con hãy gìn giữ cái tinh túy của loại hạt này, biết đâu sau này có cơ hội sẽ sống được nhờ nó”. Cũng bởi vậy, trên nhãn hộp của sản phẩm, anh Sơn còn trân trọng in nguyên những lời tâm sự của mẹ, dài hơn 700 chữ, với dòng tít “Câu chuyện hạt điều Bà Tư”.
Vào năm 2014, “Hạt điều Bà Tư Bình Phước” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; đồng thời được Bộ Y tế trao chứng nhận là sản phẩm vì sức khỏe người Việt, do chính người tiêu dùng bình chọn. “Hạt điều Bà Tư Bình Phước” cũng được tỉnh đề cử tham gia tại các hội chợ triển lãm hàng nông sản trong và ngoài nước.
|
|
Lê Thanh