Mãi mãi tuổi hai mươi: “Sống một ngày cũng phải sống cho đàng hoàng”

Thứ hai - 30/03/2015 15:31
(CTTĐTBP) - Đọc nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc (do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành tháng 9-2005), chúng ta vô cùng tự hào về một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc. Ở đó, chúng ta còn bắt gặp một hình mẫu thanh niên tiên tiến, mẫu mực, sống đầy trách nhiệm, hoài bão: NGUYỄN VĂN THẠC.
 
Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến”
           
Cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” do liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc viết có tên thật là “Chuyện đời”, sau này được Nhà xuất bản Thanh Niên in và đổi tên là “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Chính vì vậy, trong cuốn nhật ký này, liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã viết, say sưa kể và đưa ra nhiều suy nghĩ, quan niệm của mình về “triết lý sống”. Xuyên suốt trong đó là một triết lý sống đẹp, sống có ích, không sống hoài, không sống phí. Tư tưởng này, một phần tác giả bị ảnh hưởng bởi phương châm sống của nhân vật Paven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky (được liệt sỹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn nhật ký); một phần là do ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử thời đại, khi mà cả nước đang sục sôi một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
 
Cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi".
           
Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc quan niệm đã là thanh niên, là đảng viên thì phải biết sống cống hiến, có trách nhiệm với dân tộc, đất nước. Anh đã viết: “Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là người con của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng” (dòng nhật ký viết ngày 24-12-1971, trang 120). Và anh rất tự hào về con đường mình đã lựa chọn là “bộ đội Cụ Hồ”: “Mình đã yên tâm dần với cuộc đời cống hiến này. Có thể tự hào một chút chứ nhỉ. Song, vấn đề là phải tự nâng cao trình độ để cống hiến được nhiều và đẹp đẽ hơn” (nhật ký ngày 4-12-1971, trang 104). Đến ngày 24-1-1972, anh lại tiếp tục khẳng định: “Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến. Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi hưởng thụ. Hãy cao hơn những tính toán cá nhân” (trang 139).
           
Theo liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, đã cống hiến thì không thể cống hiến nửa vời, cầm chừng, mà phải cống hiến triệt để, hết mình. Trong chiến đấu phải noi gương các anh hùng, anh viết: “Tự dưng, mỗi người lính đều nghĩ đến anh hùng Nguyễn Chơn. Người chiến sỹ cộng sản triệt để - Người sư trưởng dũng mãnh của sư 304. Phải sống như thế và rèn luyện như thế” (nhật ký ngày 28-12-1971, trang 122). Trong viết văn, anh quan niệm: “Hãy táo bạo, mạnh dạn ghi chép và viết. Hãy cống hiến cho đời bằng dòng máu và dòng thơ…”(nhật ký ngày 7-2-1972, trang 151), nhưng “trước hết hãy cầm súng, bằng cả hai tay. Rồi trong phút nghỉ ngơi hãy cầm bút và viết…”(trang 151). Để làm được điều này, bản thân anh quan niệm phải sống khỏe mạnh, dữ dội: “Sao bây giờ ghét thời sinh viên đến thế. Thõng thẹo và ọp ẹp. Phải sống khỏe mạnh, dữ dội trong lửa đạn” (nhật ký ngày 3-10-1971, trang 49). Đồng thời, người chiến sỹ cộng sản không được lùi bước trước những khó khăn, gian khổ, phải vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình: “Không được lùi bước, không được chậm lại, và phải đi đến cùng” (nhật ký ngày 18-4-1972, trang 223), dù cho có “sống một ngày cũng phải sống cho đàng hoàng” (nhật ký ngày 20-2-1972, trang 156).
           
Phải dẹp bỏ cái tôi bo bo, ích kỷ
           
Đọc nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”, nhiều đoạn chúng ta thấy liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc phân thân, đấu tranh giày vò với bản thân và nghiêm túc kiểm điểm chính mình mỗi khi trong đầu nảy ra những luồng suy nghĩ không tốt, vụn vặt, so bì hơn thua; bi lụy nhớ người yêu, hoặc không bằng lòng với chính mình vì chưa viết được gì to tát, ý nghĩa để đóng góp cho văn học thời kỳ chống Mỹ. Nhưng rồi mọi thứ rầu rĩ, bi quan làm tinh thần nhụt chí, chán nản ấy đều được anh giải quyết rất triệt để, bằng cách gác bỏ những suy nghĩ riêng tư, cá nhân, lấy cái chung làm đại cuộc: “con người với đất nước là một”.
 
Trong dòng nhật ký ngày 7-1-1972, anh đã viết: “Cái đẹp đẽ của cuộc đời, cái tươi mới của cuộc đời nhất định không đến khi anh bo bo giữ gìn cái “tôi” của mình” (trang 129). 5 ngày sau (ngày 12-1-1972), anh lại nhắc câu nói của đồng chí Lê Duẩn để khuyên răn mình: “Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những tính toán được mất cho cá nhân” (trang 133). Và anh lý giải: “Trong ngôn ngữ của ta bớt dần tiếng tôi, tiểu đội, trung đội; Ta muốn nói đến những Trung đoàn, những Sư đoàn gang thép… Dân tộc ta đã lớn lên” (nhật ký ngày 7-1-1972, trang 130). Trong bức thư gửi cho người bạn tên Phong, anh cũng nhấn mạnh: “Ở cái cành ổi đã nhẵn bóng vết tay mình, Phong với mình ao ước được sống những giờ phút như thế. Giờ phút Phong bảo con người với đất nước là một và người lính trở thành con người lý tưởng của thời đại” (nhật ký ngày 2-12-1971, trang 93).
 
Do đó, liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã xác định rạch ròi trách nhiệm tham gia đi bộ đội chiến đấu của mình: “Không phải chỉ là trách nhiệm của cá nhân mình cho trọn vẹn, mà mình còn phải làm cả phần gia đình, phần ông bà, cha mẹ” (nhật ký ngày 24-5-1972, trang 262). Rồi anh sung sướng nhận thấy: “Càng đi lâu, mình càng thấy sự có mặt của mình trong quân đội là cần thiết, là đúng đắn” (nhật ký ngày 23-2-1972, trang 164). Anh sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, sống xa người yêu: “Lại đi trên đường Nguyễn Ái Quốc. Thú vị vô cùng, chỉ thiếu Như Anh. Nhưng, không sao cả, “hạnh phúc bắt đầu từ chỗ biết xa nhau” (nhật ký ngày 7-12-1971, trang 106); chấp nhận gác lại chuyện học với bao ước mơ, hoài bão tươi đẹp trong tương lai để tham gia chiến đấu giải phóng đất nước: “Thạc còn buồn không? Có buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập – Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc, sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay…” (nhật ký ngày 24-5-1972, trang 263).
 
Đứng trước những giây phút xao lòng ấy, anh đã biết dẹp bỏ cái tôi bo bo, ích kỷ: “Cứ mỗi lần giở lý lịch – mình lại càng thêm khẳng định trách nhiệm nặng nề của mình hôm nay… Mình muốn mọi niềm vui, mọi nỗi lo lắng của mình đều là niềm vui và nỗi lo lắng của cả dân tộc, của thời đại mình đang sống” (nhật ký ngày 24-5-1972, trang 262-268). Và anh tự động viên mình: “Sau này, cố gắng học chứ biết làm sao – Các bạn cùng lứa tuổi mình đi bộ đội hết cả rồi – Người đi B (miền Nam), người đi C (Lào) – và có người đã là liệt sỹ - Đất nước, có bao giờ như lúc này, lúc mà mỗi gia đình là một gia đình quân nhân – Lúc mà mỗi thanh niên đã trở thành một chiến sỹ” (nhật ký ngày 25-3-1972, trang 173)./.
Hồng Phấn

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,807
  • Hôm nay339,304
  • Tháng hiện tại19,515,810
  • Tổng lượt truy cập479,408,497
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây