Chọn nghề phải hiểu mình, hiểu nghề

Thứ năm - 07/05/2015 16:33 3506

Chọn nghề phải hiểu mình, hiểu nghề

(CTTĐTBP) - Hiện nay, nhiều học sinh lớp 12 chọn ngành nghề đăng ký theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thường theo cảm tính, theo trào lưu chọn ngành nghề “hot” của bạn bè hoặc theo định hướng của bố mẹ và người thân. Hầu như các em chưa nhận thức rõ một điều quan trọng: Trước khi chọn nghề phải “hiểu mình, hiểu nghề”, nhằm tránh tình trạng chọn sai nghề hoặc nghề không phù hợp với năng lực, sở thích, đam mê của mình.
 
Nghề phải phù hợp với năng lực
 
“Hiểu mình” là để xác định đúng các tố chất nổi trội của chính bản thân, hiểu rõ khát khao, mong muốn của mình sau này muốn làm gì? Từ đó, khoanh vùng một số ngành nghề có thể đáp ứng được nhu cầu của bản thân, để tập trung tìm hiểu và lựa chọn. “Hiểu nghề” là để khẳng định mình không ngộ nhận (nhận thức sai) về nghề khi lựa chọn. Từ đó, có cơ sở khẳng định mình sẽ làm chủ được nghề và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nghề nghiệp đã chọn (mỗi một nghề ra đời đều nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người, vì vậy mỗi nghề đều có nhiệm vụ riêng của nó, còn gọi là sứ mệnh nghề nghiệp). Khi đã thấu hiểu được hai khái niệm này, các em sẽ tránh được tình trạng ngộ nhận về bản thân mình, ngộ nhận về ngành nghề, nhằm tránh trường hợp chọn sai nghề, hạn chế tình trạng thất nghiệp sau này hoặc khi có công việc rồi mà vẫn cảm thấy chán nản, không đam mê cống hiến vì nghề.
 
Học sinh đặt câu hỏi về cách chọn ngành nghề tại một buổi tư vấn tuyển sinh trên địa bàn tỉnh.
Khi lựa chọn ngành nghề theo học, các em phải tự đặt câu hỏi: Khả năng của mình tới đâu? Năng lực học tập, năng khiếu của mình liệu có phù hợp với ngành nghề sẽ chọn? Mình có thật sự thích thú với ngành nghề dự định theo học? Trả lời được các câu hỏi này, đồng nghĩa với việc các em đã nhận biết được khả năng, sở trường nghề nghiệp của mình. Có rất nhiều phương pháp giúp các em nhận biết về các tố chất, năng khiếu, sở trường nổi trội của mình như: Phương pháp tự nhận thức (khám phá bản thân thông qua hoạt động thực tế); phương pháp kết hợp (sử dụng công cụ trắc nghiệm hiện đại kết hợp với phương pháp tự nhận thức truyền thống như trắc nghiệm sinh học gene vân da tay để đánh giá đặc điểm bẩm sinh di truyền).
 
Sau khi đã xác định được năng khiếu, sở trường nổi trội của mình, các em sẽ dễ dàng và lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Ví như bạn A có sở trường viết lách, thích chụp ảnh, có óc quan sát tốt và có trí năng (năng lực hiểu biết và suy nghĩ) biểu đạt ngữ văn, sử dụng thành thạo ngôn ngữ nói và viết thì bạn A có khuynh hướng nghề nghiệp phù hợp với ngành báo chí truyền thông, dịch giả, biên tập... Bạn B có trí năng tư vấn, phán đoán, tự sắp xếp và dẫn dắt mọi việc theo ý muốn thì bạn B có khuynh hướng nghề nghiệp phù hợp với nhóm ngành tâm lý, tư pháp, quản lý… Bạn C có trí năng logic, tính toán, khả năng suy luận và giải quyết tốt các vấn đề tư duy trừu tượng thì bạn C có khuynh hướng nghề nghiệp với nhóm ngành khoa học kỹ thuật, tài chính kế toán, kỹ sư xây dựng…
 
Hiểu bản chất nghề để chọn đúng
 
Ngoài việc xác định khả năng của mình phù hợp với ngành nghề gì, các em cần phải tìm hiểu bản chất hay nội dung nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi. Để có câu trả lời, các em phải tự tìm hiểu qua sách báo, mạng internet, những người đang hoạt động trong nghề hoặc tự mình thâm nhập thực tiễn để tìm hiểu. Muốn biết được bức tranh tổng quan về các ngành nghề hiện nay trong xã hội, các em phải tìm hiểu “họa đồ nghề” (bản đồ mô tả nghề nghiệp). Thông qua “họa đồ nghề” để các em hiểu rõ đặc điểm, tính chất, yêu cầu, xu hướng phát triển, cơ hội nghề nghiệp, trường đào tạo nghề; các yếu tố cần và đủ của một nghề nhất định.
 
Các yếu tố “cần” cho một ngành nghề sẽ bao gồm: đối tượng của nghề, mục đích hoạt động của nghề, công việc chính của nghề, công cụ lao động phục vụ cho nghề và môi trường làm việc của nghề. Nếu tìm hiểu một cách nghiêm túc, các em dễ dàng nhận thấy các yếu tố này, để hiểu đúng bản chất nghề mình sẽ lựa chọn một cách khái quát nhất. Còn yếu tố “đủ” của một nghề, chính là yêu cầu của nghề đó đối với người lao động nhằm đảm bảo người lao động có thể hoàn thành sứ mệnh nghề nghiệp. Nó bao gồm: ngoại hình, sức khỏe, tính cách; tiềm năng trí tuệ; kiến thức, kỹ năng, xu hướng phát triển nghề trong tương lai…
 
Ví như bạn A chọn nghề nghiệp sau này của mình là nhân viên kế toán, thì bạn A phải hiểu được công việc chính của nghề này, những phẩm chất cần thiết của người lao động đối với nghề này. Theo đó, công việc chính của nhân viên kế toán sẽ bao gồm: Thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh trong một đơn vị để đưa vào chứng từ kế toán; ghi sổ kế toán; tổng hợp làm báo cáo kế toán… Những phẩm chất cần thiết của nhân viên kế toán gồm: Khả năng tính toán giỏi, yêu thích các con số; trung thực, chính xác và cẩn thận; tư duy logic cao; khả năng ứng xử, giao tiếp khéo léo; chịu áp lực công việc; sử dụng thành thạo máy vi tính…
 
 Nói tóm lại, muốn chọn một nghề đúng với thực lực, sở trường và đam mê của mình, thì trước tiên các em phải “hiểu mình, hiểu nghề”, sau đó mới đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn cuối cùng, có nghĩa là mình phải chọn nghề. Khi đã lựa chọn đúng ngành nghề yêu thích, phù hợp với năng lực, say mê học nghề để tốt nghiệp giỏi và thành thục, sẵn sàng cống hiến hết mình vì nghề, thì chuyện “thất nghiệp” khó mà xảy ra.
 
Hồng Phấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,320
  • Hôm nay96,715
  • Tháng hiện tại4,715,249
  • Tổng lượt truy cập411,457,103
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây