Tôi nhớ hồi nhỏ, cha thường dạy: “Phải chọn bạn mà chơi. Muốn đánh giá được người bạn tốt thì phải trải qua những lúc hoạn nạn mới đo được lòng người. Khi đó, ai đối xử tốt và ai đối xử xấu với mình sẽ rõ mười mươi”. Nhưng trong cuộc đời này, có ai muốn gặp hoạn nạn, rủi ro đến với mình để từ đó tìm ra người bạn tốt. Vì thế, năm bạn trẻ kia họ có muốn “làm phiền xã hội” đâu; họ cũng đâu muốn phải rơi vào hoàn cảnh này để biết được lòng dạ của một số “anh hùng bàn phím” trên mạng và một số kẻ bình luận a dua là người không tốt. Nếu họ biết trước trong chuyến đi này sẽ gặp động đất, thì chẳng ai ngu gì liều mình đâm đầu vào chỗ chết, rồi phải “kêu cứu” để làm phiền người khác và nhận ơn huệ của họ suốt đời.
Năm bạn trẻ người Việt Nam leo núi ở Nepal bị mắc kẹt vì động đất. Ảnh: Kenh14.vn
Trên chặng hành trình leo núi trải nghiệm ở Nepal, năm bạn trẻ người Việt Nam đã gặp phải hoàn cảnh nguy hiểm và khó khăn nhất trong cuộc đời họ, đó là hứng chịu cảnh màn trời chiếu đất của trận động đất mạnh 7,8 độ richter. Trong hoàn cảnh bị mắc kẹt ở độ cao hơn 3.400 m tại thị trấn Namche, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 3 ngày đi đường, họ đã kiệt sức sau khi vật vã tìm đường xuống núi và kêu cứu - bản năng mưu cầu sống rất đỗi bình thường trong mỗi con người. Do vậy, họ không có gì phải đáng xấu hổ cả! Chỉ đáng xấu hổ đối với những ai thấy người khác rơi vào hoàn cảnh chết mà không cứu, hoặc cứu người còn tính toán thiệt hơn, đòi hỏi trả ơn.
Ở đâu đó, vẫn thường xảy ra hiện tượng một nhóm đông người hiếu kỳ đứng vây quanh “trơ mắt ếch” nhìn nạn nhân bị tai nạn giao thông nằm bất động trên đường hoặc rên rỉ vì đau đớn. Nhóm đông người hiếu kỳ kia “nhìn đã con mắt” rồi bỏ đi, thay vì nhanh chóng gọi xe cứu thương hoặc chở nạn nhân tới bệnh viện để cấp cứu. Họ sợ đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu sẽ bị vạ lây hoặc gặp điều không may. Đáng xấu hổ hơn, có nhiều trường hợp người ta lợi dụng lúc nạn nhân gặp nạn để hôi của, cướp bóc. Trong trường hợp này, tình người đã bị quỷ dữ đánh cắp.
Trở lại trường hợp năm bạn trẻ người Việt Nam bị mắc kẹt ở Nepal, họ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất trên đất khách quê người, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, đặc biệt là sự quan tâm an ủi, động viên khích lệ tinh thần của cộng đồng người Việt Nam, nhằm giúp họ có nghị lực vượt qua giờ phút sinh tử, trở về nước an toàn. Thay vì có những hành động chia sẻ “nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng” (tục ngữ), một số “anh hùng bàn phím” trên mạng lại đưa họ lên bàn cân để đong đếm, suy xét: “Có đáng để cứu giúp không?”, rồi lại đưa ra cái luận điệu phù phiếm: “Các bạn leo núi, là để thỏa mãn đam mê của cá nhân mình, chứ không phải các bạn đi công cán cho đất nước. Khi đã chấp nhận cuộc chơi đam mê, các bạn đã phải lường trước hết các rủi ro có thể xảy ra tại nơi bạn định đến… Và hơn hết là việc động đất hay mắc kẹt là việc các bạn phải lường trước được”. Đợi các vị này có kết quả phán xử công tâm, có lẽ năm bạn trẻ đã chết vì sự lạnh lẽo của lòng người.
Rất may họ đã trở về nước an toàn (vào ngày 2/5) bằng nghị lực và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại. Nhưng những dòng “bình loạn” còn tồn tại trên mạng, chắc chắn sẽ khiến họ còn mãi ám ảnh về một chuyến đi “hãi hùng” nhất trong cuộc đời: Gặp động đất và dư chấn cơn bão tình người./.
Hồng Phấn