Giáo dục nhi đồng là một khoa học

Chủ nhật - 24/05/2015 11:29 1989
(CTTĐTBP) - Trong thư gửi hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc (ngày 25/8/1950), Bác Hồ căn dặn: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”; đồng thời Bác nhấn mạnh: “Ngày nay chúng là nhi đồng, 11 năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể và tất cả các đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục nhi đồng”.

 

Giáo dục nhi đồng rất quan trọng

 

Đối với Bác, công tác giáo dục thế hệ trẻ hết sức quan trọng, bởi đoàn viên, thiếu niên, nhi đồng là lớp người kế tục cách mạng, là lực lượng to lớn, mạnh mẽ đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Do đó, Người rất quan tâm đến giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc (ngày 19/2/1959), Bác Hồ khẳng định: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”. 10 năm sau, trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Bác tái khẳng định: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.
 
Công tác chăm lo, giáo dục nhi đồng phải kiên trì, bền bỉ.
 
Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên” (Di chúc). Người xem đây là tư tưởng chiến lược, vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của dân tộc, đất nước. “Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể và tất cả các đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục nhi đồng. Công việc ấy phụ nữ và thanh niên phải là người phụ trách chính, nhất là thanh niên”, Bác viết trong thư gửi hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc ngày 25/8/1950.
 
Như vậy, quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng là quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng một lớp người mới, phục vụ cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng còn làm cho các tầng lớp nhân dân thêm an tâm và phấn khởi về tiền đồ tốt đẹp của con em mình, của xã hội chủ nghĩa. Do đó, Bác muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân ta nhận thức đầy đủ về công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm vẻ vang; qua đó kiên quyết dành những điều kiện tốt nhất về mọi mặt cho công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
 
Giáo dục thế nào mới khoa học?
 
Theo Người, cách dạy trẻ là cần làm cho các cháu biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa… “Cho nên từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, NXB Thanh Niên năm 1980, trang 302). Theo đó, giáo dục nhi đồng trước hết là giáo dục các cháu về đạo đức làm người, đạo đức cách mạng, lòng trung thành với Tổ quốc, nhân dân. Người luôn tâm niệm “đạo đức” là gốc, là nền tảng của người cách mạng, là động lực để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Rèn luyện đạo đức cũng chính là kế thừa và phát triển truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay, luôn đề cao đạo lý làm người, sống có tình nghĩa, thủy chung son sắt, yêu nước nồng nàn.
 
Song song đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thiếu nhi học tập tri thức để nâng cao hiểu biết, nhận thức và lao động tốt. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9/1945, Bác nhắn nhủ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bác đã từng khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, Bác đã chỉ ra: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Từ đó có thể suy rộng ra rằng: Nhi đồng là những người chủ tương lai của đất nước, nếu nhi đồng không được đào tạo bài bản, lớn lên không biết chữ, không có kiến thức thì dân tộc ta sẽ yếu, chậm phát triển và không thể sánh kịp với các cường quốc năm châu.
 
Ngoài giáo dục đạo đức và tri thức, cần giáo dục các cháu về nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết, yêu thương, sống có kỷ luật. Thông qua các bức thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng hay tại các buổi nói chuyện, Bác luôn ân cần giáo huấn: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau”; “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng”; “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”; “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”… Tóm lại, muốn giáo dục nhi đồng một cách khoa học thì chúng ta phải giúp các em hiểu, nâng cao nhận thức và thực hành tốt 5 điều Bác Hồ dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh/Thật thà, dũng cảm”./.
 
Hồng Phấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,190
  • Hôm nay250,782
  • Tháng hiện tại7,450,610
  • Tổng lượt truy cập406,736,590
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây