Thủ tướng định hướng chiến lược cho ngành thông tin và truyền thông phát triển

Thứ tư - 12/05/2021 11:21
(CTTĐTBP) - Chiều 11/5, làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các định hướng chiến lược để ngành tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Thủ tướng yêu cầu, Bộ cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện 


Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Phát biểu gợi mở tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “kết quả công việc năm nay phải tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước”. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng lấy ví dụ, triển khai bất cứ nhiệm vụ mới nào cũng phải trên cơ sở tổng kết, đánh giá các công việc đã làm, dựa trên số liệu, “số liệu nói lên tất cả”. Thủ tướng nhắc tới hàng loạt vấn đề, câu hỏi mà thực tiễn đất nước thời gian qua đặt ra cần có các số liệu, dữ liệu cụ thể để phân tích, đánh giá, tính toán trên cơ sở khoa học; chẳng hạn, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến cao tốc cho một khu vực có tương xứng với quy mô kinh tế và đóng góp của khu vực đó hay không?

Thủ tướng cho rằng, quá trình phát triển nói chung và ngành TT&TT nói riêng phải bám sát xu thế thời đại, đồng thời phải tính đến hoàn cảnh cụ thể của đất nước về quy mô nền kinh tế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, khả năng chuyển đổi của nền kinh tế, của xã hội. Lựa chọn lĩnh vực phát triển dựa trên lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững, có bước đi, giải pháp phù hợp, khả thi, “chọn mục tiêu, chọn việc, chọn người làm” để đạt hiệu quả cao, có tác động lan tỏa trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc làm việc


Dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một Việt Nam số

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đa số các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ liên quan tới hạ tầng, là nền tảng nên phải đi trước, Bộ đặt mục tiêu đưa các lĩnh vực này vào top khoảng từ 30 đến 50 của thế giới vào năm 2025.

Với từng lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng báo cáo chi tiết về quy mô thị trường, định hướng phát triển, mục tiêu, những việc cần làm và các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2020 khoảng 130 tỷ USD, tổng nộp ngân sách khoảng 5 tỷ USD.

Lĩnh vực

Quy mô thị trường năm 2020

Tăng trưởng hằng năm

Mục tiêu tăng trưởng 5 năm tới

Mục tiêu doanh thu/quy mô thị trường năm 2025

Mục tiêu xếp hạng toàn cầu

Bưu chính

1,58 tỷ USD

30%

Trên 30%

6-8 tỷ USD

Từ top 50 lên top 40

Viễn thông

16,5 tỷ USD

8%

8-10%

25 tỷ USD

Hạ tầng số/viễn thông từ 80 vào top 30

Ứng
dụng CNTT

10 tỷ USD

 

20-30%

25-30 tỷ USD

Xếp hạng Chính phủ số từ 86 vào top 50

An toàn thông tin

100 triệu USD

25%

35-40%

500 triệu USD

Top 50 lên top 30

Kinh tế số

8,2% GDP

15-20%

20-25%

20% GDP

 

Công nghiệp ICT

123 tỷ USD

15,2%

Gấp 2-3 lần GDP

250-300 tỷ USD

 

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động mạnh mẽ đến ngành này thông qua công nghệ số và chuyển đổi số. Sứ mệnh mới của Bộ là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một Việt Nam số, trong đó có chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và truyền thông số”, Bộ trưởng khẳng định, kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế.

Định hướng cho các lĩnh vực, Bộ trưởng nêu nhiều mục tiêu như Việt Nam phải làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G, phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022. Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, anh ninh mạng (hiện đã làm chủ 90%).

Về lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số (gọi chung là công nghiệp ICT), cần chuyển từ lắp ráp, gia công sang “Make in Vietnam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và làm ra tại Việt Nam. Tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 đạt hơn 45% (hiện tại đang là 22%). Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025 từ 58.000 doanh nghiệp hiện nay.

Về báo chí, truyền thông, định hướng phát triển chung là báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan toả năng lượng tích cực, các kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển. “Đôi cánh cho Việt Nam bay lên thì một bên là sức mạnh tinh thần, một bên là sức mạnh vật chất dựa trên công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng đề cập nhiều việc cần làm trong thời gian tới, đó là sửa Luật Bưu chính theo hướng là hạ tầng kinh tế số; sửa Luật Viễn thông với trọng tâm là hạ tầng số; sửa Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung kinh tế số.

Cùng với đó, tập trung xây dựng các chiến lược như chiến lược phát triển bưu chính; chiến lược hạ tầng số; chiến lược Chính phủ số; chiến lược an toàn không gian mạng Việt Nam, trọng tâm là không gian mạng an toàn và sạch; chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số; chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, mọi cán bộ, công chức làm việc trên các nền tảng số để dữ liệu được cập nhật tự động, cấp dưới không cần báo cáo cấp trên và giám sát được hoạt động của các bộ, ngành và địa phương. Chỉ đạo xây dựng các nền tảng chuyển đổi số cho từng lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thay đổi cách làm báo, làm sách trên môi trường số. Hình thành một số cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực. Xây dựng kênh truyền hình quốc tế. Mỗi năm xuất bản một số đầu sách có giá trị cao, tạo sức lan tỏa toàn quốc. Quản lý các nền tảng mạng xã hội và quảng cáo xuyên biên giới, trọng tâm là hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc


Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các vụ, cục, đơn vị của Bộ TT&TT phân tích các thành tựu đạt được của ngành, những mặt còn hạn chế, các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, nêu các đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Chẳng hạn, các đại biểu cho rằng, lĩnh vực viễn thông vẫn tăng trưởng cao hơn mức tăng GDP nhưng đã chậm lại, nguyên nhân là chậm chuyển đổi theo xu thế từ viễn thông sang công nghệ thông tin và nay là chuyển đổi số; chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế khác đầu tư vào viễn thông…

Các ý kiến cũng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là nêu cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật nghiêm minh nhưng cũng khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khát vọng, năng động, sáng tạo… để thực sự tạo ra thay đổi, do đây là lĩnh vực có nhiều việc mới, việc khó. Cùng với đó, việc phát triển các lĩnh vực số phải theo chuẩn mực, xếp hạng của thế giới…

“Không để chiến lược trên giấy”

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Bộ và ngành TT&TT vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm qua. Bộ là một trong những cơ quan tiên phong trong đổi mới, trong đó có đổi mới kinh tế với 3 trụ cột chính: Xóa cơ chế quan liêu, bao cấp; phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế.

Để đạt được những kết quả này, nguyên nhân chủ quan là chính, do Bộ và ngành đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tiễn để thực hiện chức năng nhiệm vụ dược giao. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực tích cực, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành qua các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, cơ quan, các địa phương…

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, kết quả đạt được của ngành chưa như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng lớn, nhất là tiềm năng, nguồn lực con người.  “Chúng ta chưa hài lòng với kết quả công việc, tổ chức bộ máy, công tác quản trị và hiệu quả cụ thể; tinh thần tiên phong, gương mẫu tuy mạnh mẽ nhưng vẫn có lúc trầm xuống, chưa đồng bộ, liên tục”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Bộ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn; không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình


Về các nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện  Nghị định 17/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bám sát thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung tổng thể, toàn diện theo tinh thần “mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa”.

Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số…; những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Chính phủ sẽ phân cấp tối đa, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm là chính, không xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng nếu không cần thiết; thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về một số nhiệm vụ, công việc còn chồng chéo, phải tổng kết thực tiễn, nêu rõ những việc đã làm được, những việc chưa làm được, cơ quan nào làm tốt nhất, các bài học kinh nghiệm; tinh thần là sẽ giao việc cho cơ quan, đơn vị nào làm tốt nhất, rõ người, rõ việc, đúng thẩm quyền, có căn cứ khoa học, phù hợp thực tiễn, bảo đảm hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nguyên tắc một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại).

Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại cuộc làm việc


Thủ tướng yêu cầu quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ - cái gốc của công việc, nhất là người đứng đầu gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp, trung thực, trung thành; vận dụng sáng tạo các cơ chế đánh giá cán bộ như đánh giá cán bộ theo sản phẩm, tiến độ và chất lượng công việc, so sánh với các đơn vị tương đương, dưới đánh giá lên, trên đánh giá xuống, đánh giá liên tục, toàn diện… Xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với phòng chống tham nhũng tiêu cực trong mua sắm, quản lý tài sản công. “Khát vọng lớn nhưng đội ngũ cán bộ không xứng tầm thì không làm được việc”, Thủ tướng phát biểu.

Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực; đi kèm cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và nguồn lực thực hiện, “không để chiến lược trên giấy”. Thiết kế công cụ quản lý hệ thống, tránh tình trạng từng đơn vị làm tốt nhưng tổng thể lại có vấn đề. Bộ cũng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực quản lý.

Một nhiệm vụ khác là coi trọng hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành.

Thủ tướng đề nghị Bộ xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn. Không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, xây dựng và dẫn dắt thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia tổng thể, toàn diện, xây dựng Việt Nam số là nhiệm vụ chuyên môn lớn của Bộ. Báo cáo của Bộ đã cho thấy khát vọng lớn trong nhiệm vụ này, phải có cách làm phù hợp, “tất cả phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo”.

Thủ tướng lưu ý, công tác truyền thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng. “Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông sự là một nguồn lực, là sức mạnh”.  Thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để truyền thông là nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh, tích cực, thiết thực, có trách nhiệm với cộng đồng, vì lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích mỗi người./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập913
  • Hôm nay55,177
  • Tháng hiện tại9,831,257
  • Tổng lượt truy cập493,694,695
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây