Đánh giá tiềm năng lập địa tỉnh Bình Phước

Thứ năm - 29/04/2021 14:58 4640
(CTTĐTBP) - Cổng TTĐT Bình Phước giới thiệu bài viết “Đánh giá tiềm năng lập địa tỉnh Bình Phước” của nhóm tác giả: Trần Quốc Hoàn (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước), Phùng Văn Khoa, Vương Văn Quỳnh (Trường Đại học Lâm nghiệp), Đỗ Xuân Lân (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm giúp quý độc giả rộng đường đàm luận.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đánh giá tiềm năng là cơ sở cho việc đánh giá khả năng thích hợp lập địa, là tiền đề cho phân vùng lập địa và quy hoạch sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất. Việc đánh giá tiềm năng lập địa trên diện rộng càng hệ thống, càng chi tiết thì hiệu quả đánh giá khả năng thích hợp với các mô hình sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất càng cao, càng phù hợp với tình hình thực tế.

Trên phạm vi cả nước thì gần như chưa có địa phương nào đánh giá, phân vùng tiềm năng lập địa một cách có hệ thống và chi tiết đến đơn vị cơ sở của hệ thống phân loại lập địa (dạng lập địa) trên phạm vi toàn tỉnh để phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp. Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có thế mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng trong khá lớn cơ cấu kinh tế địa phương. Vì vậy, việc đánh giá tiềm năng lập địa trên địa bàn tỉnh Bình Phước là hết sức cần thiết, nó không những có ý nghĩa khoa học mà quan trọng hơn là làm cơ sở vững vàng cho việc quy hoạch và phát triển ngành nông lâm nghiệp hiện tại và tương lai. Để giải quyết được sự cần thiết này một cách hệ thống, chính xác, logic, nhanh, dễ ứng dụng trong nghiên cứu và thực tiễn sản xuất, đồng thời hội nhập với xu thế phát triển của những ngành khoa học kỹ thuật khác thì không thể thiếu sự trợ giúp của công nghệ thông thông tin, đặc biệt là những hệ quản lý cơ sở dữ liệu.
           
Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu đánh giá tiềm năng lập địa trên toàn tỉnh Bình Phước bằng phương pháp ứng dụng công nghệ lập trình và hệ thống dữ liệu là lưới cơ sở dữ liệu tỉnh Bình Phước đã được xây dựng bởi nhóm nghiên cứu.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
 
2.1. Mục tiêu nghiên cứu

           
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tiềm năng lập địa và phân vùng tiềm năng lập địa để phục vụ cho việc quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2.2. Nội dung nghiên cứu

Nội dung nghiên cứu gồm: (i) Xác lập hệ thống điểm tiềm năng cho các tiêu chí, chỉ tiêu. (ii) Tính điểm tiềm năng cho mỗi dạng lập địa. (iii) Phân cấp tiềm năng dạng lập địa. (iv) Xây dựng bản đồ phân vùng lập địa theo tiềm năng tỉnh Bình Phước. (v) Đánh giá tiềm năng lập địa.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

a) Xác định điểm tiềm năng

           
- Hệ thống thang điểm tiềm năng: Hệ thống thang điểm tiềm năng theo cấp chỉ tiêu của các yếu tố được xác định bằng cách: Dựa theo bộ tiêu chí phân loại dạng lập địa; sắp xếp thứ tự các cấp chỉ tiêu của mỗi yếu tố theo hướng giảm dần sự thuận lợi, cũng theo thứ tự đó xác định điểm cho mỗi cấp chỉ tiêu trong mỗi yếu tố theo hướng mỗi cấp ứng với một số nguyên dương và tăng dần cho đến hết cấp chỉ tiêu.
           
- Tính điểm tiềm năng cho mỗi điểm lập địa: Một điểm lập địa nó thuộc một dạng lập địa nào đó, với những yếu tố cấu thành dạng lập địa đã được phân cấp chỉ tiêu, tiến hành:
           
* Gắn đầy đủ điểm tiềm năng theo cấp chỉ tiêu cho các yếu tố cấu thành dạng lập địa.
           
* Tính điểm tiềm năng cho mỗi điểm lập địa bằng phương pháp tính trung bình cộng điểm của các cấp chỉ tiêu hiện có trong mỗi điểm lập địa.
           
- Xác định cấp tiềm năng cho mỗi điểm lập địa: Sau khi xác định được điểm tiềm năng cho mỗi điểm lập địa trên địa bàn tỉnh, tiến hành:
           
* Sắp xếp chúng theo tứ tự tăng dần thành chuỗi giá trị.
           
* Phân chuỗi giá trị này thành bốn tổ có cự ly bằng nhau và cũng theo hướng tăng dần.

Mỗi tổ được gắn với một cấp tiềm năng theo thứ tự tăng dần từ 1 đến 4, cấp 1 là cấp thuận lợi nhất cho sản xuất, cấp 4 là cấp có nhiều yếu tố hạn chế nhất. Điểm lập địa có điểm tiềm năng thuộc tổ nào thì sẽ được xác định cấp tiềm năng tương ứng. Ngoài ra, tại một điểm lập địa nào đó mà có từ hai chỉ tiêu trở lên ở mức cao nhất thì cấp tiềm năng lại được xác định tăng lên một cấp, những không vượt quá cấp 4.
           
- Kỹ thuật xử lý dữ liệu: Từ lưới cơ sở dữ liệu lập địa đã lập được trong những nghiên cứu trước (Lưới cơ sở dữ liệu lập địa là hệ thống lưới ô vuông có cạnh 100m phủ đầy ranh giới tỉnh Bình Phước. Mỗi ô vuông đã được: gắn những giá trị thuộc tính về điều kiện lập địa; mã hóa chỉ tiêu, tiêu chí; xác định đơn vị phân loại tới dạng lập địa. Mỗi ô vuông trên lưới cơ sở dữ liệu được xem như một điểm lập địa) tiến hành lập trình ứng dụng trong MVF9 để xác định điểm tiềm năng và cấp tiềm năng cho mỗi điểm lập địa.

b) Xây dựng bản đồ phân vùng tiềm năng:
           
Xuất kết quả phân cấp tiềm năng điểm lập địa sang môi trường MAPINFO 10.5 (MAP). Những điểm lập địa có cùng một cấp tiềm năng thì được xếp vào cùng một vùng tiềm năng. Tương ứng với phân cấp tiềm năng thì cũng sẽ có 4 loại vùng tiềm năng được phân lập và thể hiện lên bản đồ phân vùng tiềm năng.

c) Đánh giá tiềm năng lập địa: Cùng với bản đồ phân vùng tiềm năng đã xây dựng được; tiếp tục lập trình ứng dụng trong MVF9 để tổng hợp các điểm lập địa trong mỗi cấp tiềm năng; đồng thời phân tích về: phân loại lập địa, quy mô và phân bố các dạng lập địa, số lượng và chất lượng lập địa. Từ kết quả phân tích tiềm năng lập địa cho mỗi vùng tiếp tục phân tích thuận lợi và hạn chế trong sản xuất, định hướng quy hoạch sử dụng đất.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Hệ thống điểm tiềm năng cho các tiêu chí, chỉ tiêu

           
Hệ thống điểm cho các chỉ tiêu, tiêu chí tại mỗi điểm lập địa được xác định cụ thể, gồm: (i) Lượng mưa bình quân năm (R): Cấp R1:  R ≤ 2000  mm gán 3 điểm; cấp R2:  2000 < R ≤ 2500 gán 2 điểm; cấp R3: R > 2500 mm gán 1 điểm. (2) Độ cao (H): Cấp H1: H ≤ 250 m gắn 1 điểm; cấp H2: H > 250 m gán 2 điểm. (3) Loại đất: Fk và đất Fp gán 1 điểm; Fu và X gán 2 điểm; đất Fs gắn 3 điểm; những loại nhỏ lẻ còn lại gồm D, E, Fa, Ru, P, Xg và Ho gán 4 điểm. (3)  Độ dày tầng đất (D): Cấp D1: Cấp D3 > 100 cm gán 1 điểm; cấp D2:  50 < D ≤ 100 cm gán 2 điểm; cấp D1: D ≤ 50 cm gán 3 điểm. (4) Độ dốc (S): Cấp S1: S ≤ 10o gán 1 điểm; cấp S2:  10 < S ≤ 20o gán 2 điểm; cấp S3: S > 20o gán 3 điểm. (5) Kết von (F): Cấp F1: F ≤ 25 % gán 1 điểm; cấp F2:  25 < F ≤ 50 % gán 2 điểm; cấp F3: F > 50% gán 3 điểm. (6) Thành phần cơ giới (T):  Cấp T2 là cấp thịt (tỷ lệ cấp hạt sét từ 20 đến 50%) gán 1 điểm; cấp T3 là cấp sét (tỷ lệ cấp hạt sét trên 50%) gán 2 điểm; cấp T1 là cấp cát (có tỷ lệ cấp hạt sét dưới 20%) gán 3 điểm.

3.2. Tính điểm tiềm năng và phân cấp tiềm năng lập địa

Từ lưới cơ sở dữ liệu lập địa, đã xác định được điểm tiềm năng và phân cấp tiềm năng cho mỗi điểm lập địa bằng các chương trình ứng dụng trong MVF9. Tổng hợp kết quả tính điểm tiềm năng và phân cấp tiềm năng được trình bày ở Bảng 1.
 
Bang 1
Bảng 1: Phân cấp tiềm năng dạng lập địa

3.3. Bản đồ phân vùng tiềm năng lập địa

Từ kết quả phân cấp tiềm năng, nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ phân vùng tiềm năng như ở Hình 1. Phân tích bản đồ phân vùng tiềm năng cho kết quả như ở Bảng 2. Từ Bảng 2 cho thấy:
 
Anh 1 lapdia

- Trên phạm vi toàn tỉnh có: 327.386,24 ha, chiếm 47,88% DTTN của tỉnh có tiềm năng lập địa cấp 1; 301.943,53 ha, chiếm 44,16% DTTN có tiềm năng lập địa cấp 2; 52.299,58 ha, chiếm 7,65% DTTN có tiềm năng lập địa cấp 3; 2.094,90 ha, chiếm 0.31% DTTN có tiềm năng lập địa cấp 4 (DTTN: là tổng diện tích tự nhiên, tính theo ranh giới hành chính của tỉnh).
 
- Tổng diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước là 174.298,02ha (25.49% DTTN), trong đó: (i) 77.141,75 ha (44,26% DTLN) có tiềm năng lập địa cấp 1. (ii) 81.028,08 ha (46,49% DTLN) có tiềm năng lập địa cấp 2. (iii) 15.404,19 ha (8,84 % DTLN) có tiềm năng lập địa cấp 3. (iv) 724 ha (0,24% DTLN) có tiềm năng lập địa cấp 4. Như vậy 90,75% diện tích đất lâm nghiệp có tiềm năng lập địa cấp 1 và cấp 2. Điều này đã khái quát được rằng 90,75% diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh có chất lượng tốt, thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp (DTLN: là tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước).
 
Bang 2

3.4. Đánh giá tiềm năng lập địa

Nghiên cứu này, chỉ tập trung đánh giá tiềm năng đối với đất lâm nghiệp. Kết quả phân tích, tổng hợp tiềm năng lập địa từ những chương trình ứng dụng trong MVF9 cho thấy. Trên 174.298,02 ha đất lâm nghiệp có 166 dạng lập địa, được phân thành 4 cấp tiềm năng như sau:

a) Tiềm năng lập địa cấp 1

Trong 77.141,75ha đất lâm nghiệp có tiềm năng lập địa cấp 1 phân bố trên 23 dạng lập địa. Những dạng lập địa này có đặc điểm: (i) Về lượng mưa (14 dạng lập địa có cấp lượng mưa R3, 7 dạng lập địa có cấp lượng mưa R2, 2 dạng lập địa có cấp lượng mưa R3. (ii) Về độ cao (19 dạng lập địa có cấp độ cao H1, 4 dạng lập địa có cấp độ cao H2. (iii) Về độ dốc (18 dạng lập địa có cấp độ dốc S1, 4 dạng lập địa có cấp độ dốc S2, chỉ có dạng lập địa (MH = 1922) có độ dốc trên 20o. (iv) Về loại đất (22 dạng lâp địa phân bố trên đất Fk, Fu, Fp; chỉ có dạng lập địa (MH = 670) phân bố trên đất X. (v) Về tỷ lệ kết von (19 dạng lập địa có cấp  F1, 4 dạng lập địa có cấp F2. (vi) Về độ dày tầng đất (22 dạng lập địa có cấp D3, chỉ có dạng lập địa (MH = 1803) có độ đày tầng đất không quá 100 cm. (vii) Về thành phần cơ giới (22 dạng lập địa có cấp T2, chỏ chỉ dạng lập địa (MH = 2035) có cấp T3. Như vậy, 23 dạng lập địa với tổng diện tích 77.141,75 ha nêu trên có rất ít yếu tố hạn chế xuất hiện trong mỗi dạng lập địa, phân bố trên những loại đất có độ phì tiềm tàng cao và rất thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp.

b) Tiềm năng lập địa lâm nghiệp cấp 2

Trong 81.028,08 ha đất lâm nghiệp có mức tiềm năng lập địa cấp 2 phân bố trên 86 dạng lập địa. Những dạng lập địa này có đặc điểm: (i) Về lượng mưa (38 dạng lập địa có cấp R3, 35 dạng lập địa có cấp R2, 13 dạng lập địa có cấp R3. (ii) Về độ cao (56 dạng lập địa có cấp H1, 30 dạng lập địa có cấp H2). (iii) Về độ dốc (44 dạng lập địa có cấp S1, 27 dạng lập địa có cấp S2, 15 dạng lập địa có cấp S3. (iv) Về loại đất (23 dạng lập địa phân bố trên đất Fk và Fp, 35 dạng lập địa phân bố trên đất Fu và đất X, 11 dạng lập địa phân bố trên đất Fs, 17 dạng lập địa phân bố trên những loại đất nhỏ lẻ còn lại. (v) Về tỷ lệ kết von (36 dạng lập địa có cấp F1, 42 dạng lập địa có cấp F2 và 8 dạng lập địa có cấp F3. (vi) Về độ dày tầng đất (49 dạng lập địa có cấp D3, 36 dạng lập địa có cấp D2, chỉ có một dạng lập địa có độ dày tầng đất không quá 50 cm. (vii) Về thành phần cơ giới (78 dạng lập địa có cấp T2, 8 dạng lập địa có cấp T3. Như vậy, 86 dạng lập địa với tổng diện tích 81.028,08 ha nêu trên có xuất hiện một số yếu tố hạn chế trong sử dụng đất, độ phì tiềm tàng của đất còn khá, thuận lợi cho tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp.

b) Tiềm năng lập địa lâm nghiệp cấp 3

Trong 15.404,19 ha đất lâm nghiệp có mức tiềm năng lập địa cấp 3 phân bố trên 49 dạng lập địa, Những dạng lập địa này có đặc điểm: (i) Về lượng mưa (13 dạng lập địa có cấp R3, 32 dạng lập địa có cấp R2, 4 dạng lập địa có cấp R3. (ii) Về độ cao (19 dạng lập địa có cấp H1, 30 dạng lập địa có cấp H2). (iii) Về độ dốc (16 dạng lập địa có cấp S1, 18 dạng lập địa có cấp S2, 15 dạng lập địa có cấp S3. (iv) Về loại đất (không có dạng lập địa nào phân bố trên đất Fk và Fp, 9 dạng lập địa phân bố trên đất Fu và đất X, 17 dạng lập địa phân bố trên đất Fs, 23 dạng lập địa phân bố trên những loại đất nhỏ lẻ còn lại). (v) Về tỷ lệ kết von (14 dạng lập địa có cấp F1, 22 dạng lập địa có cấp F2 và 13 dạng lập địa có cấp F3). (vi) Về độ dày tầng đất (9 dạng lập địa có cấp  D3, 30 dạng lập địa có cấp D2, 10 dạng lập địa có cấp D1). (vii) Về thành phần cơ giới (35 dạng lập địa có cấp T2, 7 dạng lập địa có cấp T3, 7 dạng lập địa có cấp T1.

Như vậy, 49 dạng lập địa với tổng diện tích 15.404,19 ha nêu trên có một số yếu tố hạn chế đáng kể trong sử dụng đất, độ phì tiềm tàng ở mức trung bình, không thuận lợi cho sản xuất.

c) Tiềm năng lập địa lâm nghiệp cấp 4

Trong 724 ha đất lâm nghiệp ở mức tiềm năng lập địa cấp 4 có 8 dạng lập địa. Những dạng lập địa này có đặc điểm: (i) Về lượng mưa (5 dạng lập địa có cấp R1 và R2, 2 dạng lập địa có cấp R3). (ii) Về độ cao (4 dang lập địa có cấp H1 và 4 dạng lập địa có cấp H2). (iii) Về độ dốc (4 dạng lập địa cấp S3). (iv) Về loại đất (cả 8 dạng lập địa đều phân bố trên những loại đất nhỏ lẻ, không thuận lợi cho sản xuất thuộc nhóm U3, trong đó có đất ngập nước Ho. Để thuận lợi cho việc xử lý dữ liệu khi chạy các chương trình ứng dụng thì tạm gán cho đất Ho có: độ dốc cấp S1, độ dày tầng đất cấp D1, tỷ lệ kết von cấp F1, thành phần cơ giới cấp T1. Tức là đối với đất Ho thì các giá trị S1, D1, F1 và T1 là những giá trị giả định). Như vậy, 8 dạng lập địa với tổng diện tích 724 ha nêu trên có nhiều yếu tố hạn chế trong sử dụng đất, độ phì tiềm tàng của đất thấp, khó khăn cho sản xuất.

Tổng hợp diện tích đất lâm nghiệp ở các huyện, thị xã theo các cấp tiềm năng được trình bày ở Bảng 3.
 
Bang 3

Từ Bảng 3 cho thấy diện tích đất lâm nghiệp có các cấp tiềm năng lập địa cấp 1 và cấp 2 phần lớn tập trung ở các huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng. Huyện Hớn Quản và thị xã Phước Long có diện tích tiềm năng lập địa cấp 1 và cấp 2 nhỏ nhất. Diện tích có tiềm năng lập địa cấp 3 lớn nhất là ở huyện Đồng Phú, tiếp đến là huyện Bù Đăng và nhỏ nhất là ở huyện Hớn Quản. Diện tích có tiềm năng lập địa cấp 4 lớn nhất ở huyện hớn quản, nhỏ nhất ở thị xã Phước Long.
           
Như vậy, tiềm năng lập địa đất lâm nghiệp của các huyện thị trên địa bàn tỉnh cũng phân bố không đều: Huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng có tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp lớn nhất, tiếp đến là huyện Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp. Huyện Hớn Quản và thị xã Phước Long có tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp hạn chế nhất.           

4. KẾT LUẬN
      
Nghiên cứu đã xác định được điểm tiềm năng lập địa trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước theo các cấp của các tiêu chí: lượng mưa bình quân năm, độ cao, độ dày tầng đất, độ dốc, tỷ lệ kết von, loại đất và thành phần cơ giới. Theo đó, tiềm năng lập địa tỉnh Bình Phước được phân thành 4 cấp, trong đó:
           
Tiềm năng lập địa cấp 1 có 77.141,75 ha, được phân bố trên 23 dạng lập địa có rất ít yếu tố hạn chế xuất hiện trong mỗi dạng lập địa, phần lớn thuộc những loại đất có độ phì tiềm tàng cao và rất thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp.
           
Tiềm năng lập địa cấp 2 có 81.028,08 ha, được phân bố trên 86 dạng lập địa có xuất hiện một số yếu tố hạn chế trong sử dụng đất, độ phì tiềm tàng của đất còn khá, thuận lợi cho tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp.

Tiềm năng lập địa cấp 3 có 15.404,19 ha, phân bố trên 49 dạng lập địa có một số yếu tố hạn chế đáng kể trong sử dụng đất, độ phì tiềm tàng ở mức trung bình, không thuận lợi cho sản xuất.
           
Tiềm năng lập địa cấp 4 có 724 ha, phân bố trên 8 dạng lập địa có nhiều yếu tố hạn chế trong sử dụng đất, độ phì tiềm tàng của đất thấp, khó khăn cho sản xuất.
           
Nhìn chung, tiềm năng lập địa đất lâm nghiệp của các huyện thị trên địa bàn tỉnh phân bố không đều: Huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng có tiềm năng lập địa đất lâm nghiệp lớn nhất, tiếp đến là huyện Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp. Huyện Hớn Quản và thị xã Phước Long có tiềm năng lập địa đất lâm nghiệp hạn chế nhất.

5. KHUYẾN NGHỊ

- Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu quý được xây dựng trên nền bản đồ số trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy, cần tích hợp Bản đồ phân vùng tiềm năng lập địa tỉnh Bình Phước vào cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường và cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn tỉnh.  

- Để phát huy tốt tầm quan trọng của kết quả đánh giá tiềm năng lập địa tỉnh Bình Phước, cần sớm có những nghiên cứu đánh giá và phân vùng khả năng thích hợp của các mô hình sử dụng đất nông lâm nghiệp trên quy mô toàn tỉnh./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,592
  • Hôm nay331,217
  • Tháng hiện tại8,876,737
  • Tổng lượt truy cập381,997,074
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây